Xây dựng Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh (Cẩm Phả, Quảng Ninh) nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp tập trung và giải nỗi lo về ô nhiễm môi trường khu dân cư do các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ra.
Tuy nhiên, quy hoạch CCN này ngay sát vịnh Bái Tử Long đã gây nên nhiều lo ngại về ô nhiễm vịnh và ảnh hưởng đến cảnh quan của vùng non nước đẹp không thua gì kỳ quan thế giới Hạ Long.
Nỗi lo của người dân
Dự án CCN Cẩm Thịnh do Công ty CP Công nghiệp Cẩm Thịnh làm chủ đầu tư xây dựng. Dự án được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt tại Quyết định số 3979/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 với quy mô đầu tư 69,5ha thực hiện trong 2 giai đoạn, tổng vốn đầu tư trên 620 tỷ đồng. Đến thời điểm này, giai đoạn 1 đã được hoàn thành với diện tích 49,5ha và kinh phí thực hiện trên 500 tỷ đồng, đã có 250 trên tổng số 381 cơ sở nằm trong khu dân cư trên địa bàn TP Cẩm Phả đăng ký vào CCN Cẩm Thịnh, đạt khoảng 70% diện tích.
Theo chủ đầu tư, dự án phù hợp với yêu cầu sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung của địa phương. Sau khi đưa vào sử dụng, CCN Cẩm Thịnh đáp ứng cho các cơ sở công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, chế biến nông, lâm, thuỷ sản, sản xuất hàng tiêu dùng, cơ khí, lắp ráp, sửa chữa thiết bị…
Để hoàn thành giai đoạn 2 đúng tiến độ, chủ đầu tư đang cho tiến hành san lấp với quy mô lớn. Việc san lấp không những ảnh hưởng tới môi trường vịnh Bái Tử Long mà còn gây nên lo ngại cho nhiều người dân, đặc biệt là những ngư dân trên biển. Bởi theo như quy hoạch tổng thể, khi hoàn tất san lấp, CCN này sẽ ôm sát tới nhiều đảo nhỏ nơi cửa vịnh như Hòn Lưới, Hòn Chỏm Ngoài..
Tỉnh Quảng Ninh cần xem xét điều chỉnh quy hoạch CCN Cẩm Thịnh kịp thời, tránh tình trạng xây dựng quá đà ảnh hưởng đến môi trường Bái Tử Long và đến khi muốn cứu vãn thì cũng đã quá muộn
Những đảo nhỏ này không chỉ là cảnh quan đẹp mà còn có ý nghĩa đối với các hoạt động đánh bắt trên biển của ngư dân. Vào các mùa mưa bão, nơi đây là điểm tránh trú, neo đậu an toàn cho họ. Ông Nguyễn Văn Mến, một ngư dân thường qua lại nơi này cho biết, việc san lấp sát đến chân đảo thì cảnh quan không những mất, mà dòng chảy còn bị ngăn lại gây nên ô nhiễm và có nguy cơ làm chết hệ sinh thái ở đó. Ngoài ra việc san lấp sát vào chân đảo còn khiến chúng ta mất đi một cảnh quan, ngư dân và du khách không dám qua lại tham quan và trú ngụ, neo đậu khi mùa bão về.
“Chúng tôi không phản đối gì chủ trương của tỉnh, nhưng thiết nghĩ tỉnh đang ra sức bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường để phát triển đặc biệt là môi trường vịnh biển, vậy sao lại quy hoạch cho CCN ngay sát Bái Tử Long như này liệu có hợp lý và đi ngược lại với chủ trương mà tỉnh đang hướng đến?”, ông Mến băn khoăn.
Những bài học nhãn tiền
Bái Tử Long là một trong những vùng biển được đánh giá đẹp nhất vịnh bắc bộ, nơi đây có rất nhiều hang động, tùng áng, bãi đảo, hệ sinh thái độc đáo được đánh giá là đặc sắc về giá trị cảnh quan và địa chất, địa mạo chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và khám phá với những địa danh mà chỉ với cái tên đã gợi lên vẻ hoang sơ như Vụng Hà, Vông Viêng, Cống Đỏ, Hang Thầy, Hang Hòn Cỏ, Hang Cặp La, Hòn Xếp, Rạn San Hô…
Có thể bạn quan tâm
11:01, 04/08/2019
13:03, 15/07/2019
06:14, 15/07/2019
Người ta kỳ vọng, với sự hoang sơ này Bái Tử Long sẽ trở thành một điểm đến yêu thích hàng đầu của du khách trong tương lai. Tuy nhiên, thời gian qua, việc buông lỏng quản lý, nhiều đảo đá trên vịnh Bái Tử Long đang bị xâm lấn, xây dựng trái phép gây bức xúc trong dư luận. Việc trả lại vẻ đẹp nguyên sơ của các đảo đá gần như không thể.
Hay như vịnh Hạ Long, những quy hoạch trước đây đang khiến cho môi trường kỳ quan bị uy hiếp nghiêm trọng với hàng loạt nhà máy điện, xi măng, cảng biển.. rồi việc bê tông hóa xây dựng các công trình trái phép cũng làm mất đi cảnh đẹp và sức hấp dẫn của Hạ Long trong mắt du khách, và giờ việc khắc phục cũng gần như không thể. Đây chính là những bài học nhãn tiền.
Chính vì thế, băn khoăn của ông Mến rất đáng để tỉnh Quảng Ninh xem xét điều chỉnh quy hoạch CCN Cẩm Thịnh kịp thời. Tránh tình trạng xây dựng quá đà ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan của Bái Tử Long và đến khi muốn cứu vãn thì cũng đã quá muộn.