Điện Biên “cắt sốt” giá vật liệu xây dựng
Giá vật liệu xây dựng tăng cao đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà thầu thi công trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
>>Công Thương Điện Biên nắm bắt cơ hội hồi phục
Trao đổi với DĐDN, ông Bùi Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Điện Biên cho biết: Hiệp hội đã kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Điện Biên khảo sát thị trường, định giá và điều chỉnh đơn giá vật liệu xây dựng mới phù hợp với các quy định của Bộ Xây dựng và đơn giá thực tế trên thị trường.
Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh
Theo ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên: Hoạt động xây dựng của tỉnh năm 2022 dự kiến tăng 22,83% so cùng kỳ. Do đó, nhu cầu vật liệu xây dựng rất lớn từ Dự án cải tạo, nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên; Dự án đầu tư xây dựng các điểm tái định cư thuộc Dự án cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không Điện Biên; Dự án xây dựng và di chuyển các cơ quan tỉnh vào khu trung tâm chính trị hành chính tỉnh.... Đây là một trong những nguyên nhân đẩy giá vật liệu xây dựng tăng.
Theo ông Bùi Đức Giang, giá vật liệu tăng phi mã, đẩy tổng chi phí xây dựng công trình tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm trước, khiến các nhà thầu như “ngồi trên đống lửa”. Đặc biệt, đối với các gói trúng thầu từ năm 2021 và những gói thầu theo hợp đồng trọn gói, các đơn vị trúng thầu chưa làm đã thấy lỗ nặng.
Do vậy, trong thời gian tới nếu không có những giải pháp khắc phục tình trạng tăng giá vật liệu bất thường như thời gian vừa qua, sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng của Chủ đầu tư trên địa bàn (đặc biệt là các đơn vị nhà thầu xây lắp, do tỷ trọng thép chiếm từ 12%-16% của cả công trình, dẫn đến suất đầu tư xây dựng tăng), ảnh hưởng đến khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Sở Xây dựng sẽ thường xuyên kiểm tra tình hình quản lý, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng để tránh tình trạng đăng ký bán giá thấp, thực tế lại bán giá cao hơn giá đăng ký.
Cần đồng bộ giải pháp
Để đảm bảo nguồn cung vật liệu xây dựng, ông Lê Thành Đô yêu cầu: Các phòng, ban, đơn vị có liên quan tuyên truyền việc sử dụng các sản phẩm gạch, xi măng của các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn trong các công trình xây dựng; đồng thời chủ động phát hiện những vướng mắc, bất cập, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo.
Ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên cho biết: Hiện nay Sở đang phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên trong sản xuất vữa và bê tông cho các công trình xây dựng tỉnh Điện Biên”. Về lâu dài, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn các nhà đầu tư lập dự án đầu tư khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng lựa chọn quy mô, công suất phù hợp với từng địa bàn, đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã phối hợp với các đơn vị có liên quan khảo sát, công bố giá vật liệu xây dựng lưu thông trên địa bàn tỉnh hàng tháng kịp thời, đầy đủ, bám sát sự biến động của thị trường. Ngoài ra, Sở sẽ hướng dẫn các đơn vị thực hiện việc kê khai giá, chứng nhận hợp quy sản phẩm vật liệu xây dựng...; đồng thời ban hành văn bản xác định đơn giá khai thác đất làm vật liệu đắp (tạm tính); Xây dựng đơn giá xử lý chất thải rắn xây dựng phục vụ công tác triển khai Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên và văn bản khuyến khích sử dụng cát nghiền vào các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, dự án PPP trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành chức năng và UBND cấp huyện tăng cường kiểm tra tình hình quản lý, khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; Không để tình trạng đăng ký giá bán thấp, thực tế bán lại cao hơn giá đăng ký; Thực hiện việc công bố giá các loại vật liệu xây dựng định kỳ hàng tháng theo nguyên tắc: đúng tên chủng loại, quy cách chất lượng vật liệu, vật tư; đúng giá thực tế của thị trường, tên tổ chức, cá nhân, địa chỉ cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu ở địa bàn công bố...”, ông Phong chia sẻ.
Ông Trần Đăng Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư, Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh cho rằng, Sở Xây dựng nên chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng “đầu cơ, thổi giá”. Đối với các loại vật liệu chủ yếu, có biến động nhiều, cần công bố giá vật liệu xây dựng hàng tháng, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm