Cà Mau: Đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách
Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ những điểm nghẽn, cải thiện thứ hạng Chỉ số PCI… thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Cà Mau.
Đó là khẳng định của ông Huỳnh Quốc Việt, Uỷ viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp tại báo cáo PCI, cải cách hành chính là một trong những “điểm sáng”. Vậy theo ông, đâu là đột phá của của Cà Mau trong lĩnh vực này?
Sau 10 năm thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2020, công tác CCHC của tỉnh Cà Mau đạt được những kết quả khá toàn diện trên tất cả lĩnh vực, góp phần quan trọng thu hút các nguồn lực đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cụ thể, hệ thống thể chế dần được hoàn thiện và có tính khả thi cao. Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thật sự trở thành khâu đột phá với hơn 1.000 TTHC được cắt giảm thời gian hoặc đơn giản hóa quy trình giải quyết; tỷ lệ hồ sơ giải quyết sớm và đúng hẹn đạt trên 98%.
Tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị được sắp xếp tinh gọn, phù hợp và hiệu quả hơn. Chất lượng và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được nâng lên...
Nhiều điểm nhấn và sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành đã tạo những kết quả nổi bật trong thực hiện CCHC ở Cà Mau. Trong đó, phải kể đến việc thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả cho 21 đơn vị cấp tỉnh với trên 1.700 thủ tục; triển khai thí điểm quản lý xe ô tô công tập trung; thực hiện tiếp nhận TTHC “phi địa giới hành chính”; liên thông trong giải quyết TTHC (nộp hồ sơ một lần nhưng nhận 2 hoặc 3 kết quả)... Từ đó, mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với người dân, doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể, quy trình xử lý công việc được thông suốt, nhanh gọn, đồng thời đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.
- Nhưng nếu chỉ cải cách hành chính, chắc hẳn các doanh nghiệp không lựa chọn đầu tư tại Cà Mau, thưa ông?
Đúng vậy! Cùng với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian qua, để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Cà Mau, tỉnh đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, mời gọi các doanh nghiệp đến với Cà Mau. Lãnh đạo tỉnh đã chủ động gặp gỡ, làm việc với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn về các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, làm việc với Tập đoàn Tuần Châu Group, Nam Miền Trung Group, Hồ Gươm Group để mời gọi đầu tư trong lĩnh vực thủy sản, đô thị, nhà ở; Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) về đầu tư dự án nhà máy điện khí Cà Mau 3; Tập đoàn Hưng Hải về dự án Cảng biển Hòn Khoai; Công ty CP Tập đoàn Wealth Power về đầu tư dự án năng lượng tái tạo; Tập đoàn T&T về việc xây dựng chiến lược phát triển và đào tạo…
Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh thu hút mới 7 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 1.055 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có tổng cộng 433 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 141.086 tỷ đồng, tập trung ở các lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, năng lượng sạch, chế biến gỗ và du lịch sinh thái…
- Vậy thời gian tới, để tiếp tục là điểm đến của doanh nghiệp, Cà Mau sẽ tiếp tục thúc đẩy cải cách thế chế ra sao, thưa ông?
Cà Mau tiếp tục chủ động thực hiện giải pháp đảm bảo triển khai có hiệu quả trong cải thiện các chỉ số về môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI. Trong đó, đặt doanh nghiệp làm trung tâm cải cách; thực hiện cải cách thể chế vì sự phát triển và khuyến khích sáng tạo của doanh nghiệp.
Năm 2021, Chỉ số PCI Cà Mau xếp thứ 32/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng 11 hạng so với năm 2020, nằm trong nhóm điều hành khá.
Tỉnh sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quy định, chính sách; nhất là trong thực thi các quy định, thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, điều kiện kinh doanh. Tỉnh cũng đảm bảo kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp…
Tỉnh tiếp tục thúc đẩy triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, tập trung các giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị bền vững…
- Xin trân trọng cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm