Quảng Ninh: Hướng tới trở thành trung tâm công nghiệp của miền Bắc
Từ một tỉnh lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh đang chuyển đổi, hướng đến xây dựng một trung tâm công nghiệp; trong đó, lấy các ngành công nghiệp công nghệ cao làm trọng tâm…
>>>Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái (Quảng Ninh): Niềm tự hào về sự đột phá điển hình
>>>Quảng Ninh: Rà soát, xử lý các dự án chậm tiến độ để làm sạch môi trường đầu tư
Nhiều lợi thế
Theo báo cáo của đơn vị tư vấn và nghiên cứu thị trường CBRE, hiện các KCN phía Bắc đang thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn phía Nam. Giá đất công nghiệp khu vực miền Bắc cũng cạnh tranh hơn và có nhiều lựa chọn hơn cho khách thuê.
Đặc biệt, trong xu hướng này, tỉnh Quảng Ninh - địa phương ven biển miền Bắc Việt Nam đang nổi lên với hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ. Trong đó phải kể đến tuyến cao tốc chạy dọc tỉnh đến tận cửa khẩu Móng Cái. Tuyến cao tốc này sẽ thông tuyến từ 1/9/2022, giúp việc di chuyển từ Hà Nội - Móng Cái còn 3 giờ, thay vì 6 giờ như hiện nay.
Như vậy, các tuyến cao tốc kết nối với Hà Nội - Hải Phòng, các cảng biển lớn, sân bay quốc tế tại Quảng Ninh đều đã đi vào hoạt động. Hệ thống đường cao tốc này liên kết chặt chẽ các cực tăng trưởng phía Bắc với nhau: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, đồng thời kết nối miền Bắc Việt Nam với miền Nam Trung Quốc. Bên cạnh hạ tầng đồng bộ, Quảng Ninh cũng được đánh giá là địa phương có nguồn lao động dồi dào.
Theo bà Ngô Thị Ngọc Lan - Giám đốc khu vực Miền Bắc của Navigos Group cho biết, lực lượng lao động tại Quảng Ninh được đánh giá là dồi dào với cơ cấu lao động trẻ (dân số trong độ tuổi lao động 15 - 64 tuổi chiếm 67%) và năng suất lao động cao. Bên cạnh đó, chất lượng của lao động những năm gần đây cũng từng bước được cải thiện. Lao động qua đào tạo phần nào đã đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Cũng theo bà Lan, nhu cầu lao động tại Quảng Ninh dự kiến sẽ tăng đáng kể do nhiều công ty sản xuất sẽ sớm đi vào hoạt động trong vài năm tới. Cơ cấu lao động dự kiến sẽ thay đổi nhờ chuyển dịch lao động từ các lĩnh vực khác như nông nghiệp, du lịch sang các ngành sản xuất.
>>>Quảng Ninh: “Mở đường” đón nhà đầu tư
>>>Quảng Ninh: Quý 3/2022 Cao tốc Vân Đồn – Móng cái mới đưa vào khai thác
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Koen Soenens - Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Tổ hợp KCN DEEP C cho biết: “Quảng Ninh có những điểm khác biệt so với các tỉnh, thành trên cả nước. Đó là khoảng cách địa lý với Trung Quốc, bởi Quảng Ninh là tỉnh tiếp xúc khá nhiều về biên giới đường biển cũng như biên giới đường bộ với Trung Quốc. Điều này sẽ giúp cho các công ty hiện nay đang sản xuất tại Trung Quốc muốn mở rộng với chiến lược Trung Quốc +1 thì họ sẽ dễ dàng mở rộng thêm hoạt động sản xuất kinh doanh mà không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Quảng Ninh cũng là tỉnh, thành duy nhất có hệ thống giao thông vô cùng phát triển. Đặc biệt là cơ sở hạ tầng, đường sá, cảng biển tại đây vô cùng tốt so với các tỉnh, thành phía Nam”.
Cũng theo ông Koen Soenens, bên cạnh hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống hành chính công tại đây cũng rất phát triển. Quảng Ninh trong 5 năm liên tiếp đều đứng ở vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng PCI. Về phía doanh nghiệp, khi hoạt động tại Quảng Ninh đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiệt tình từ phía chính quyền địa phương đối với các dự án trong KCN. Chúng tôi tin rằng, Quảng Ninh sẽ trở thành một điểm đến vô cùng hấp dẫn cho các nhà đầu tư không chỉ hiện tại mà còn trong tương lai.
Để trở thành trung tâm sản xuất mới
Ông Châu Thành Hưng – Phó trưởng ban BQL KKT Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh hiện đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN thuộc 8 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích 4.632,29 ha. Trong đó, KCN Nam Tiền Phong và Bắc Tiền Phong là 2 KCN nằm trong ranh giới KKT ven biển Quảng Yên nên được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định hiện nay.
Cũng theo ông Hưng, hiện KCN Nam Tiền Phong và Bắc Tiền Phòng còn dư địa phát triển rất lớn và nằm ở vị trí có điều kiện rất thuận lợi trong kết nối giao thông, cả đường bộ, đường biển và đường hàng không.
Được biết, tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, Quảng Ninh đang phát triển các tổ hợp cảng biển - khu công nghiệp với hạ tầng đồng bộ với hai dự án quan trọng là KCN Bắc Tiền Phong và Nam Tiền Phong (DEEP C Quảng Ninh). Các tổ hợp cảng biển - khu công nghiệp này sẽ giúp giảm chi phí vận chuyển nội địa, thúc đẩy phát triển logistics tại khu vực. Bởi các cảng biển được xây dựng sẽ kết nối trực tiếp với cảng biển nước sâu Lạch Huyện tại Hải Phòng thông qua sông Chanh với dự án nạo vét sông Chanh.
Mới đây, BQL KKT Quảng Ninh cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Core5 Quảng Ninh tại DEEP C Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư là 23,9 triệu USD. Đây là dự án phát triển nhà xưởng, nhà kho xây sẵn đạt tiêu chuẩn quốc tế do Indochina Kajima - liên doanh giữa Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) đầu tư phát triển, nhằm đón đầu làn sóng đầu tư vào sản xuất tại Quảng Ninh.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Paul Tonkes - Phó Giám đốc Bất động sản công nghiệp, Indochina Kajima Development cho biết: “Sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh trong việc thúc đẩy quá trình phát triển dự án Core5 Quảng Ninh với tốc độ cao thực sự là điều mà doanh nghiệp mong muốn. Chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng vào nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm nhà xưởng và nhà kho xây sẵn cho thuê, nên dự định sẽ sớm khởi công xây dựng dự án tại Quảng Ninh”.
Có thể thấy, bắt nhịp xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, Quảng Ninh đã và đang tận dụng những tiềm năng sẵn có chuyển đổi từ một tỉnh lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn sang một trung tâm công nghiệp; trong đó, tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất ô tô và thiết bị điện tử. Đây được cho là một hướng đi mới, đầy triển vọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Quảng Ninh phát triển.
Có thể bạn quan tâm