Hà Nam: Cải thiện môi trường đầu tư góp phần nâng chỉ số PCI

KIM DUNG 27/08/2022 07:40

Nhằm nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai, ngành Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao PCI của tỉnh năm 2022.

>>>Tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp

Khu công nghiệp Đồng Văn III, tỉnh Hà Nam (ảnh Kim Dung)

Khu công nghiệp Đồng Văn III, tỉnh Hà Nam (ảnh Kim Dung)

Cải cách hành chính để nâng hạng chỉ số Tiếp cận đất đai

Ông Nguyễn Văn Hảo – Giám đốc Sở TNMT tỉnh Hà Nam cho biết, chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ hạng nhiều nhất năm 2021 là chỉ số “Tiếp cận đất đai” đạt 7,35 điểm xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố, tăng 0,88 điểm và tăng 21 bậc so với năm 2020. Sở TNMT tỉnh Hà Nam – cơ quan chủ trì đã và đang đề ra nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số này trên bảng xếp hạng, đưa PCI của tỉnh Hà Nam tăng hạng trong thời gian tới.

Để làm được điều này, UBND tỉnh Hà Nam nói chung và Sở TNMT nói riêng đã và đang tích cực quan tâm đến công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu đưa PCI được cải thiện trong năm 2022.

Đẩy nhanh tiến độ giải quyết các TTHC, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Sở đã chủ động rà soát tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố TTHC kịp thời Quyết định số 2758/QĐ-UBND ngày 30/12/2020 về việc công bố TTHC lĩnh vực TNMT thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành TNMT tỉnh Hà Nam và Quyết định số 1826/QĐ-UBND ngày 18/10/2021 Về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung, được thay thế và bị bãi bỏ lĩnh vực đất đai thuộc phạm vi chức năng quản lý của ngành TNMT Hà Nam.

>>Quy định "mập mờ", doanh nghiệp FDI lúng túng khi tiếp cận đất đai

 Về cơ bản các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp đều được giảm thời hạn giải quyết từ 3 đến 8 ngày so với quy định như “Đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ); thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp”; “Cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất” thời gian giải quyết giảm 3 ngày. “Đăng ký thay đổi tài sản gắn liền với đất vào Giấy chứng nhận đã cấp” thời gian giải quyết giảm 8 ngày,…

Đặc biệt có thủ tục được giảm 60% thời gian giải quyết như: thủ tụcĐăng ký và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu” giảm 18 ngày so với quy định; “Thủ tục đăng ký biến động đối với trường hợp chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất” giảm 18 ngày so với quy định.

Hà Nam đang đẩy mạnh cải cách hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai (Ảnh: KCN Thái Hà, huyện Lý Nhân đã GPMB chờ đón các nhà đầu tư)

Hà Nam đang đẩy mạnh cải cách hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai (Ảnh: KCN Thái Hà, huyện Lý Nhân đã GPMB chờ đón các nhà đầu tư) 

Đối với các thủ tục phức tạp như “Đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý nợ hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, của nhóm người sử dụng đất; đăng ký biến động đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân đưa quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp.” là thủ tục được giữ nguyên thời hạn giải quyết như quy định tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/01/2017 của Chính Phủ là 10 ngày.

Theo ông Nguyễn Văn Hảo, để cải thiện điểm số CCHC năm 2022, Sở đã xây dựng kế hoạch thực hiện, giao nhiệm vụ cho từng phòng từng đơn vị. Tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, những dự án trọng tâm trọng điểm mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, phối hợp và chung tay cùng các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để cải thiện chỉ số Tiếp cận đất đai, ngành TNMT tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, lập kế hoạch số hóa và lưu trữ hồ sơ địa chính ở dạng số để đưa vào khai thác sử dụng tại các Văn phòng Đăng ký đất đai; ứng dụng CNTT trong thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Tiếp nhận, xử lý kịp thời, hiệu quả phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh và công khai kết quả xử lý trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Với quyết tâm nâng hạng chỉ số PCI, Sở TNMT tỉnh Hà Nam đã thực hiện tốt các cuộc đối thoại với doanh nghiệp, các huyện thành phố về lĩnh vực đất đai. Từ đó, trả lời và giải quyết nhanh chóng các kiến nghị của doanh nghiệp thuộc lĩnh vực của ngành một cách thỏa đảng, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần thu hút đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh trên địa bàn tỉnh.

Tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư

Nhận thức tầm quan trọng của công tác GPMB có vai trò đặc biệt quan trọng trong thu hút đầu tư.

Những năm qua, tỉnh Hà Nam tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

Những năm qua, tỉnh Hà Nam tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.

UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành TNMT cùng các ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền mà Luật Đất đai, các nghị định hướng dẫn thi hành giao cho cấp tỉnh để thực hiện đồng bộ, nhất quán trên địa bàn tỉnh.... Đây là những văn bản pháp lý quan trọng làm căn cứ để thực hiện trình tự thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phục vụ GPMB các dự án.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành Bộ TTHC về lĩnh vực TNMT, trong đó có lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền 03 cấp. Bộ TTHC đã cắt giảm các thủ tục, giấy tờ không cần thiết, đặc biệt là cắt giảm thời gian thực hiện, tăng tỷ lệ TTHC thực hiện tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đa dạng hóa hình thức nộp và trả kết quả giải quyết thủ tục hồ sơ, đáp ứng tốt yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Bình quân đã cắt giảm được 50% thời gian thực hiện so với quy định. Hiện nay 100% TTHC được nộp hồ sơ tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế 1 cửa cấp huyện, cấp xã.

Nhờ làm tốt, đồng bộ cơ chế, chính sách về đất đai trong đó có chính sách bồi thường GPMB  nên đã thu hút đầu tư nhiều dự án quan trọng của những tập đoàn lớn vào đầu tư tại tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục tăng trong những năm gần đây; đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng, diện mạo phát triển đô thị, nông thôn có những thay đổi lớn.

Để đẩy mạnh thu hút đầu tư, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chỉ đạo các cấp, các ngành, đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN. Trong năm 2022, tỉnh đã tập trung hoàn thiện hồ sơ thủ tục, đẩy nhanh tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng và tập trung thu hút đầu tư vào các KCN Thái Hà giai đoạn I, Đồng Văn I mở rộng, Đồng Văn IV, Thanh Liêm giai đoạn II để sẵn sàng quỹ đất sạch kêu gọi đầu tư.

Môi trường đầu tư kinh doanh được nỗ lực cải thiện.

Môi trường đầu tư kinh doanh được nỗ lực cải thiện.

Giai đoạn 2021 - 2026, dự kiến, Hà Nam sẽ tăng thêm 13 khu công nghiệp với quy mô 4.627 ha, trong đó, khu công nghệ cao với 663 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao và định hướng đến năm 2030 của cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi để tỉnh Hà Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư thời gian tới.

Hiện tỉnh đang chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, sớm được cấp giấy chứng nhận đầu tư… Đặc biệt, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh hạ tầng đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án KCN, tạo mặt bằng sạch với hạ tầng đồng bộ, tiện ích; công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm minh bạch hóa việc tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất… ông Hảo cho hay.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết: Hà Nam tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là một trong những giải pháp mũi nhọn được lãnh đạo tỉnh Hà Nam chọn để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương, giai đoạn 2021-2025. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường, quy hoạch, trật tự đô thị,...

Các sở, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp như: Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc; bộ phận công chức, viên chức thường xuyên tiếp xúc và làm việc trực tiếp với doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ. Tích cực triển khai thực hiện chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.

>>Cà Mau: Minh bạch trong tiếp cận đất đai

>>Vĩnh Phúc: Cải cách hành chính để nâng hạng chỉ số Tiếp cận đất đai

Năm 2022, Hà Nam đề ra một số giải pháp để nâng cao chỉ số PCI như: Xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp; thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước về đầu tư tại tỉnh. Góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra. Cải thiện hình ảnh của Hà Nam về môi trường đầu tư, kinh doanh đối với cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực để thu hút đầu tư.

Tiếp tục duy trì và phát huy những chỉ số thành phần tăng điểm, tăng thứ hạng; quyết tâm cải thiện mạnh mẽ những chỉ số thành phần giảm điểm và có thứ hạng thấp. Tăng dần thứ hạng của tỉnh Hà Nam trên bảng xếp hạng PCI, phấn đấu năm sau cao hơn năm trước từ 2-3 bậc - phấn đấu đưa chỉ số PCI năm 2022 tăng 12 bậc. Đến năm 2025, đưa Chỉ số PCI của tỉnh Hà Nam vào tốp 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước và tiếp tục duy trì thứ hạng này trong những năm tiếp theo. Ông Huy nhấn mạnh./.

Có thể bạn quan tâm

  • Bắc Kạn: Công khai các quy hoạch, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai

    Bắc Kạn: Công khai các quy hoạch, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai

    10:06, 27/07/2022

  • Long An: Minh bạch thông tin tiếp cận đất đai

    Long An: Minh bạch thông tin tiếp cận đất đai

    17:23, 10/11/2021

  • Bến Tre: Coi chỉ số tiếp cận đất đai là điểm nhấn cải cách

    Bến Tre: Coi chỉ số tiếp cận đất đai là điểm nhấn cải cách

    16:23, 25/03/2022

  • Quy hoạch sử dụng đất “đón đầu” phát triển (KỲ III): Minh bạch tiếp cận đất đai

    Quy hoạch sử dụng đất “đón đầu” phát triển (KỲ III): Minh bạch tiếp cận đất đai

    14:05, 29/10/2021

  • Điện Biên nỗ lực cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai

    Điện Biên nỗ lực cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai

    15:56, 01/09/2021

KIM DUNG