Hưng Yên: Để “Chi phí không chính thức” không còn là rào cản doanh nghiệp

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 06/09/2022 16:21

Cùng với việc nỗ lực nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tỉnh Hưng Yên luôn chú trọng cải thiện chỉ số “Chi phí không chính thức” vốn được coi là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư lâu nay.

>>>Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông: Hưng Yên sẽ tạo nên đột phá

“Chi phí không chính thức” luôn là yếu tố được các doanh nghiệp đánh giá gắt gao khi cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư do việc chi trả các khoản chi phí này quá lớn, buộc doanh nghiệp phải hạch toán vào giá thành sản xuất, khiến giá sản phẩm tăng cao, giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Diễn đàn doanh nghiệp có cuộc trao đổi với ông Đào Văn Sơn, Chánh Thanh tra tỉnh Hưng Yên về việc cải thiện chỉ số này của tỉnh Hưng Yên trong năm 2022.

Chánh Thanh tra tỉnh Hưng Yên – Đào Văn Sơn

Chánh Thanh tra tỉnh Hưng Yên – Đào Văn Sơn

- “Chi phí không chính thức” là chỉ số nhạy cảm trong chỉ số thành phần cấu thành PCI. Sự hiện hữu của chỉ số này là rào cản lớn trong hoạt động cải cách hành chính, cũng là trở ngại trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh. Ông hãy chia sẻ, thời gian qua, tỉnh đã có những nỗ lực cải thiện điểm số ở chỉ số này như thế nào?

Chi phí không chính thức được hiểu là khoản chi không có trong quy định của pháp luật, được doanh nghiệp chi ra cho cán bộ, cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính nhằm giải quyết công việc được nhanh hơn. Đó như một khoản “bôi trơn” để tránh bị gây phiền hà, sách nhiễu, chậm trễ... Đây là một chỉ số nhạy cảm trong chỉ số thành phần cấu thành PCI, là trở ngại, gây khó khăn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, tạo sự bất công bằng trong hoạt động kinh doanh được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì cho Thanh tra tỉnh tham mưu, theo dõi, kiểm soát.

Do đó, việc tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thân thiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trên địa bàn tỉnh được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hưng Yên đã có nhiều cố gắng cải thiện nâng cao điểm số ở chỉ số “Chi phí không chính thức” bằng việc chỉ đạo sát sao thông qua các văn bản, chỉ thị, kết luận, giao nhiệm vụ cho từng cấp, từng ngành có trách nhiệm trong cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh nói chung, chỉ số “Chi phí không chính thức” nói riêng.

Chi phí không chính thức vẫn đang là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư (Ảnh minh họa)

Chi phí không chính thức vẫn đang là rào cản lớn đối với các nhà đầu tư (Ảnh minh họa)

Điển hình như Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và của UBND tỉnh Hưng Yên; Chỉ thị về tiếp tục tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nâng cao trách nhiệm, tinh thần, chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ nhằm cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của UBND tỉnh Hưng Yên và các Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khác.

- Giải quyết tốt những phản ánh, kiến nghị của công dân, cộng đồng doanh nghiệp là một trong những yêu cầu quan trọng nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng đến xóa bỏ chi phí không chính thức. Vậy, là cơ quan được giao chủ trì, Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã tham mưu cho tỉnh các giải pháp để cải thiện nâng cao điểm chỉ số “Chi phí không chính thức” như thế nào, thưa ông?

Trong những năm vừa qua, tiêu chí “Chi phí không chính thức” của chỉ số PCI tại tỉnh Hưng Yên đã có nhiều sự cải thiện rõ rệt. Để thực hiện được điều đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá là “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, gắn trách nhiệm người đứng đầu; xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, chung sức, đồng lòng xây dựng tỉnh Hưng Yên giàu đẹp, văn minh”.

Ngành thanh tra tỉnh Hưng Yên đã có nhiều giải pháp cải thiện chỉ số “Chi phí không chính thức” tạo đà cho thu hút đầu tư (Ảnh: Khu công nghiệp Phố Nối A trên địa bàn huyện Văn Lâm và Thị xã Mỹ Hào)

Ngành thanh tra tỉnh Hưng Yên đã có nhiều giải pháp cải thiện chỉ số “Chi phí không chính thức” tạo đà cho thu hút đầu tư (Ảnh: Khu công nghiệp Phố Nối A trên địa bàn huyện Văn Lâm và Thị xã Mỹ Hào)

Thanh tra tỉnh Hưng Yên với vai trò được giao đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; chỉ đạo, kiểm tra cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình trước nhân dân.

Hai là, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong giải quyết những vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, nhất là các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Tăng cường đối thoại trực tiếp và thực hiện lịch tiếp công dân định kỳ, đột xuất; ban hành quy chế hoạt động, công khai nội quy, lịch tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân, trên trang Thông tin điện tử cơ quan, đơn vị. Xây dựng đường dây nóng, hộp thư góp ý để tiếp nhận những phản ánh của người dân, doanh nghiệp.

>>Nhiều doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức liên quan đến đất đai

>>45% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức

Ba là, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan nhà nước.

Bốn là, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tăng cường các biệp pháp phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ.

Năm là, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát tham nhũng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra ở cơ sở, tập trung vào lĩnh vực nhạy cảm, dư luận quan tâm. Thực hiện thanh tra, kiểm tra không quá 01 lần/năm; giảm thời gian làm việc trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp.

Kịp thời xử lý hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong khi thực hiện nhiệm vụ công vụ. Kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Sáu là, tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình tổ chức và hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại các cơ quan, đơn vị để kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng hoạt động.

Báo cáo PCI 2021 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức chủ yếu trong hoạt động thanh tra xây dựng (67,22%), cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (61,36%), quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, phòng cháy chữa cháy và đất đai. Đặc biệt, những phiền hà liên quan đến thủ tục đất đai là nguyên nhân khiến 53,8% doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh – ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký VCCI.

Bảy là, nâng cao chất lượng tuyển dụng, đảm bảo tuyển dụng được những người có năng lực vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Phân công những người có năng lực, trách nhiệm, đạo đức vào vị trí làm việc trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức nhà nước với người dân và doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính.

Tám là, đẩy mạnh cải cách TTHC, đơn giản hóa và công khai, minh bạch các TTHC liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp. Xây dựng quy trình xử lý hồ sơ minh bạch, rõ ràng, công khai, để tạo ra hành lang giao tiếp bình đẳng giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Chín là, tuyên truyền phổ biến đến các doanh nghiệp về việc phối hợp đồng bộ, nhất quán của các doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước; kiên quyết phản đối, tố cáo tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ công chức, cũng như thay đổi tư duy về chi phí “bôi trơn”, nhằm đạt được mục đích.

Bằng việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức nhà nước với doanh nghiệp trong giải quyết TTHC sẽ giảm thiểu được tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp

Bằng việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ, công chức nhà nước với doanh nghiệp trong giải quyết TTHC sẽ giảm thiểu được tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp

- Tham nhũng là câu chuyện cần bàn bạc một cách nghiêm túc và đấu tranh với tham nhũng để hướng tới một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Ngành Thanh tra tỉnh Hưng Yên đã có những đột phá nào trong công tác phòng chống tham nhũng, thưa ông?

Thực hiện kế hoạch công tác thanh tra, ngay từ đầu năm, Thanh tra tỉnh đã tập trung tổ chức thực hiện, đồng thời hướng dẫn, đôn đốc yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thanh tra các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố triển khai nhiệm vụ; tập trung giải quyết có hiệu quả những kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân và doanh nghiệp ngay tại cơ sở.

Toàn ngành đã thực hiện tốt công tác tiếp công dân, bố trí đầy đủ người đúng chức trách, đủ thẩm quyền; đảm bảo lịch trực tiếp công dân định kỳ; sử dụng hiệu quả phần mềm trong tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân và doanh nghiệp.

Lãnh đạo các cơ quan thường xuyên tiếp công dân định kỳ, đối thoại giải đáp những vấn đề mà doanh nghiệp và người dân gặp vướng mắc, khó khăn để có giải pháp xử lý.

Thông qua đối thoại để tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Thông qua đối thoại để tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp

Bên cạnh đó, công tác thanh tra kinh tế - xã hội có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, còn nhiều ý kiến của người dân và doanh nghiệp.

Ngay từ đầu các năm, Thanh tra tỉnh đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền về công tác phòng chống tham nhũng, thực hiện công khai ngân sách, công khai dự toán, công khai quyết toán, mức phí, lệ phí các khoản dịch vụ công.

Bên cạnh đó, để thực hiện tốt việc xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, Thanh tra tỉnh đã cử thanh tra viên ra giám sát các hoạt động công vụ tại trung tâm hành chính công của tỉnh. Thanh tra các sở ngành, cấp huyện đã đẩy mạnh công tác thanh tra, tập trung vào lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Có thể bạn quan tâm

  • Hưng Yên có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao

    Hưng Yên có tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao

    14:22, 30/07/2022

  • Hưng Yên: Thu hồi dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Kim Động

    Hưng Yên: Thu hồi dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp Kim Động

    00:06, 08/06/2022

  • Tiên Lữ (Hưng Yên) sẵn sàng đón làn sóng đầu tư

    Tiên Lữ (Hưng Yên) sẵn sàng đón làn sóng đầu tư

    15:00, 22/04/2022

  • Hưng Yên: Thế và lực mới của Tiên Lữ

    Hưng Yên: Thế và lực mới của Tiên Lữ

    09:00, 22/04/2022

  • Hưng Yên: Xây dựng huyện Văn Giang sớm trở thành đô thị loại III

    Hưng Yên: Xây dựng huyện Văn Giang sớm trở thành đô thị loại III

    15:12, 21/03/2022

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG