Là huyện có nhiều tiềm năng phát triển của tỉnh Hưng Yên, Tiên Lữ đang tạo nên thế và lực mới, lớn mạnh hơn, bền vững hơn, tạo tiền đề để trở thành huyện phát triển toàn diện.
>> FPT “kích cầu” để Hưng Yên chuyển đổi số
Năm 2021, trước những thách thức do đại dịch COVID-19, huyện Tiên Lữ đã linh hoạt ứng phó, vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bước sang năm 2022, địa phương này tiếp tục tập trung cao độ để thực hiện mục tiêu xây dựng Tiên Lữ trở thành huyện năng động, phát triển toàn diện và thực sự trở thành huyện động lực của tỉnh Hưng Yên.
Vượt khó, bảo đảm tăng trưởng
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cấp ủy, chính quyền huyện Tiên Lữ đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế. Có thời điểm, công tác phòng chống dịch COVID-19 được huyện đặt lên hàng đầu, trên tinh thần chỉ đạo xuyên suốt, không chủ quan lơ là, cả hệ thống chính trị vào cuộc. Kịp thời triển khai nhanh các kịch bản đã được xây dựng, không để lây lan thành các ổ dịch phức tạp. Có thời điểm lại chuyển chiến lược sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Kết quả, huyện đã tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, triển khai các mô hình trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, thương mại – dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị.
Tiên Lữ đã khơi thông nguồn lực, từng bước giúp nền kinh tế của huyện khởi sắc. Mặc dù nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đặt ra trong năm 2021, song giá trị sản xuất các ngành đều tăng so với năm 2020. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất theo giá cố định đạt 8.934,3 tỷ đồng; tăng 7,1% so với năm 2020. Trong đó, nông nghiệp - thủy sản đạt 1.204,2 tỷ đồng, tăng 3,1%; Công nghiệp - xây dựng đạt 3.759,4 tỷ đồng, tăng 9,7%; Thương mại - dịch vụ và ngành khác đạt 3.970,7 tỷ đồng, tăng 6%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng tỉ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ. Đặc biệt, Tiên Lữ có nhiều tiềm năng du lịch với các di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, như Đền An Xá (Đền Đậu An – ngôi đền cổ thờ Ngọc hoàng Thượng đế, Ngũ Lão tiên ông) tọa lạc tại xã An Viên, thu hút lượng khách tham quan lớn mỗi năm.
Tiên Lữ được công nhận huyện nông thôn mới (NTM) năm 2019. Kết quả xây dựng NTM là tiền đề, động lực để phát triển Tiên Lữ theo hướng đô thị. Hiện, địa phương đã có 04 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bao gồm Nhật Tân, An Viên, Dị Chế, Hải Triều; 02 xã Thủ Sỹ và Hưng Đạo đã được Đoàn thẩm định NTM của tỉnh Hưng Yên thẩm định và đang xem xét công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021; có 04 xã trình hồ sơ đề nghị huyện thẩm định 06 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Huyện đã và đang triển khai xây dựng, phát triển các khu đô thị hiện hữu và các đô thị tương lai, gồm trung tâm chính trị - hành chính, kinh tế Thị trấn Vương, xã Thụy Lôi đã đạt chuẩn đô thị loại V và các đô thị phát triển trong tương lai (Thủ Sỹ, Thiện Phiến, Hải Triều, Nhật Tân).
Sau thời gian triển khai xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng các xã trên địa bàn được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Huyện tiếp tục triển khai Đề án “Cứng hoá kết cấu mặt đường giao thông nông thôn và đường ra đồng trên địa bàn huyện” giai đoạn 2021 – 2025.
Nhiệm vụ phát triển công nghiệp và TMDV được huyện ưu tiên triển khai. Theo đó, huyện đã có 4 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch, bao gồm CCN Dị chế (25ha), CCN Ngô Quyền (30ha), CCN Thiện Phiến (75ha), CCN Hải Triều (30ha); quy hoạch phát triển CCN Trung Dũng – Cương Chính quy mô 75ha; điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất của Khu Đại học Phố Hiến để quy hoạch 01 khu, 03 CCN công nghệ cao, công nghiệp sạch theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Hưng Yên để thu hút các nhà đầu tư lớn, tiềm năng trong và ngoài nước.
Hiện nay, Tiên Lữ đang tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm của huyện, như: xây dựng tuyến đường tránh QL38B, đầu tư xây dựng tuyến đường nối ĐT376 với đường nối hai cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; đầu tư tuyến đường trục Bắc – Nam đấu nối QL38B với đường nối cao tốc; xây dựng đường nối từ đường ĐT376 đến cảng Triều Dương,… Những công trình này được xác định như “bệ phóng” hạ tầng giúp Tiên Lữ “cất cánh” trong tương lai.
Quyết tâm tạo đột phá mới
Trong bối cảnh chuyển dịch làn sóng đầu tư toàn cầu, tỉnh Hưng Yên đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư FDI. Với Tiên Lữ, muốn nắm bắt được thời cơ và hòa nhập vào làn sóng này, đòi hỏi sự tận tâm, tận lực, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, địa phương, doanh nghiệp trong huyện để đạt mục tiêu đề ra.
Năm 2022, Tiên Lữ phấn đấu tổng giá trị sản xuất của huyện tăng 9,5%, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chỉ còn 13% để tập trung phát triển công nghiệp, TMDV và đô thị; thu nhập bình quân đầu người đạt 65 triệu đồng/người/năm.
>> Thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên): Tâm điểm thu hút đầu tư năm 2022
>> TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại
Huyện tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao; tạo ra sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu và sức cạnh tranh trên thị trường”. Tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng VietGap gắn với trọng tâm xây dựng mô hình hợp tác xã; thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp.
Duy trì, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM gắn với xây dựng đô thị. Xác định phát triển công nghiệp là nhiệm vụ then chốt và ưu tiên; thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng đầu tư trang thiết bị để có thể thực hiện được các dự án với quy mô lớn, công nghệ hiện đại; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, làng nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để các nhà đầu tư xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đồng bộ. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị, nâng cấp, cải tạo, mở rộng các tuyến giao thông kết nối các vùng.
Để tạo sự phát triển bền vững, huyện sẽ tăng cường đầu tư các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển; củng cố, xây dựng đội ngũ cán bộ, người đứng đầu từ huyện đến cơ sở năng động, sáng tạo, quyết tâm, quyết liệt hơn nữa. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số.
Những kết quả đạt được thời gian qua là nền tảng để Tiên Lữ bước tiếp con đường phát triển với quyết tâm cao hơn. Tin tưởng rằng, khi cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nhân dân có khát vọng, quyết tâm vượt khó, chắc chắn huyện Tiên Lữ sẽ tạo nên thế và lực mới, lớn mạnh hơn, phát triển nhanh hơn, bền vững hơn./.
Có thể bạn quan tâm
Hưng Yên: Xây dựng huyện Văn Giang sớm trở thành đô thị loại III
15:12, 21/03/2022
Thị xã Mỹ Hào (Hưng Yên): Tâm điểm thu hút đầu tư năm 2022
14:51, 21/03/2022
Kim Động (Hưng Yên): Tăng cường thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp
04:40, 17/03/2022
Dự án bến xe khách Kim Động (Hưng Yên): Liệu có đến hẹn lại…lỡ?
10:56, 17/02/2022
Vinamilk nâng cao năng lực sản xuất với dự án “siêu nhà máy sữa” 4.600 tỷ tại Hưng Yên
13:33, 29/01/2022
Hưng Yên: Thủ tướng đồng ý dừng giao Vidifi làm chủ đầu tư 2 khu công nghiệp
10:55, 22/01/2022
Mới đây, ngày 22/3/2022, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ huyện ủy Tiên Lữ, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn mong muốn huyện Tiên Lữ sẽ nắm bắt được những lợi thế của huyện, trong đó có hạ tầng giao thông ngày càng phát triển để phấn đấu đến năm 2025, huyện Tiên Lữ phải hoàn thành xây dựng 100% xã nông thôn mới nâng cao, 50% xã nông thôn mới kiểu mẫu. Bên cạnh đó cần tập trung phát triển khoảng 600ha khu công nghiệp; phối hợp với tỉnh Hưng Yên để có những cơ chế thuận lợi thu hút nhà đầu tư vào huyện. |