Thủ tướng giao UBND tỉnh Hưng Yên lựa chọn các nhà đầu tư mới thay thế Vidifi làm chủ đầu tư. Nhà đầu tư mới có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ kinh phí Vidifi đã đầu tư vào 2 khu công nghiệp.
Ngoài việc đồng ý dừng giao Vidifi làm chủ đầu tư hai KCN Tân Dân và Lý Thường Kiệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành báo cáo về tình hình hoạt động kinh doanh của công ty này. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Vidifi và các địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên) báo cáo, đánh giá toàn diện về dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; phương án tài chính và cơ chế tài chính của dự án, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án khu đô thị, khu công nghiệp; xác định các khoản chi phí Vidifi đã đầu tư cho các dự án. Trên cơ sở các báo cáo này, các bộ ngành thống nhất phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2022, nhằm tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, không gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Được biết, Vidifi có khu công nghiệp 500ha bỏ hoang từ 11 năm nay (từ năm 2009), bao gồm KCN Tân Dân (diện tích 200ha, tổng vốn đầu tư 65 triệu USD); Lý Thường Kiệt (diện tích 300ha, tổng số vốn đầu tư 160 triệu USD). Hiện tại, Vidifi đã có văn bản khẳng định không có khả năng thực hiện dự án.
Theo lãnh đạo tỉnh Hưng Yên, những dự án này đều có vị trí đẹp, ngay cửa ngõ, thuận lợi mà các nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm rất quan tâm. Nếu như thay đổi lại được nhà đầu tư, chắc chắn chỉ trong khoảng 1 năm, hơn năm sẽ lấp đầy toàn bộ 500ha này và sẽ mang lại cho ngân sách từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng. Nếu cứ để như vậy sẽ gây thiệt hại rất lớn với Hưng Yên. Chính vì vậy, tỉnh Hưng Yên đã đề nghị với Thủ tướng dừng việc giao cho Vidifi làm chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Lý Thường Kiệt và Tân Dân.
Được biết, mới đây, UBND tỉnh Hải Dương cũng vừa đề nghị thu hồi chủ trương giao VIDIFI làm chủ đầu tư 3 khu công nghiệp, khu đô thị bao gồm KCN Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc), KCN Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ) và KĐT Gia Lộc. Đề nghị giao UBND tỉnh tổ chức lựa chọn nhà đầu tư mới có năng lực và kinh nghiệm thay thế VIDIFI làm chủ đầu tư để triển khai thực hiện các dự án trên theo quy định.
Về phía Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) sau khi đầu tư và vận hành cao tốc Hà Nội- Hải Phòng thì đã liên tục lỗ, thu không đủ chi. Chỉ sau 4 năm vận hành, tổng lỗ của Vidifi lên tới gần 6.700 tỉ đồng, tương đương 12% chi phí đầu tư.
Có thể bạn quan tâm