Được biết đến là Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuy nhiên ngay từ khi đi vào vận hành, vấn đề thu không đủ bù lãi vay đã là bài toán chưa có lời giải của Vidifi.
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khởi công từ tháng 5/2008 có tổng mức đầu tư hơn 45.500 tỷ đồng. Toàn tuyến dài 105 km, trong đó 6 km chạy qua Hà Nội, 26 km qua Hưng Yên, 40 km qua Hải Dương và 33 km qua Hải Phòng.
Dự án do Tổng Công ty Phát triển Hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) làm chủ đầu tư. Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là cổ đông chính của Vidifi đồng thời cũng là nhà tài trợ vốn chủ yếu cho dự án này. Bên cạnh VDB, Vidifi còn có 2 cổ đông thiểu số khác là Vietcombank và Vinaconex.
Để hoàn vốn cho dự án này, Vidifi thu phí trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5 cũ cũng như đầu tư một số dự án bất động sản nằm dọc cao tốc.
Vidifi từng góp 300 tỷ đồng, chiếm 15% vốn của Cty TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Gia Lâm. Đến tháng 8/2018, khi công ty Đô Thị Gia Lâm tăng vốn lên gần 16.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Vidifi còn 0,6% với gần 98 tỷ đồng vốn góp. Bên cạnh đó, khoản tiền hơn 4.700 tỷ đồng thu từ sử dụng đất của dự án này đã được phê duyệt để hoàn vốn cho dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng.
Sau khi thông xe toàn tuyến từ cuối năm 2015, năm 2016 là năm đầu tiên Vidifi có nguồn thu đáng kể từ việc thu phí cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sau hơn 7 năm đầu tư.
Ngay từ khi đi vào vận hành, vấn đề thu không đủ bù lãi vay đã là bài toán chưa có lời giải của Vidifi. Hai năm gần đây, doanh thu của Vidifi đạt khoảng 1.900 tỷ đồng/năm trong khi chỉ riêng chi phí tài chính đã lên đến 2.900 tỷ đồng. Do vậy mà Vidifi đã lỗ lần lượt gần 2.200 tỷ và 1.500 tỷ đồng trong 2 năm vừa qua.
Đến cuối năm 2018 - tức sau 3 năm vận hành chính thức - tổng lỗ lũy kế của Vidifi đã lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, vượt xa so với vốn điều lệ 3.800 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
07:03, 04/06/2019
15:50, 03/06/2019
06:00, 16/06/2018
09:26, 13/10/2016
Tính đến cuối năm 2018, tổng nợ phải trả của Vidifi là hơn 40.000 tỷ đồng - phần lớn là khoản vay dài hạn hơn 35.200 tỷ đồng.
Được biết, không phải giờ đây Vidifi mới ngồi trên... đống lửa bởi khoản nợ "treo lơ lửng" trên đầu. Theo báo cáo của VIDIFI, doanh thu thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ của 7 trạm thu phí dịch vụ trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng trong năm 2017 chỉ đạt 1.258 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày đạt 3,4 tỷ đồng.
Cùng với doanh thu thu phí dịch vụ tại 2 trạm thu phí Quốc lộ 5 được Nhà nước cho phép thu phí 2 trạm trên tuyến đường này để hoàn vốn để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng cao tốc Hà Nội-Hải Phòng nhưng trong năm 2017 cũng chỉ đạt 832,9 tỷ đồng.
Như vậy, tổng doanh thu thu phí toàn dự án đạt 2.091 tỷ đồng, tính bình quân doanh thu của đơn vị này đạt khoảng 5,7 tỷ đồng/ngày.
Trong khi đó, theo lãnh đạo VIDIFI, mức thu này chưa tính các chi phí thu mà doanh nghiệp phải bỏ ra để vận hành 9 trạm thu phí cùng với công tác bảo trì 2 tuyến đường thuộc dự án. Hiện, nhà đầu tư đang phải trả khoảng 8 tỷ đồng tiền lãi vay mỗi ngày. Như vậy, số tiền thâm hụt mỗi ngày là 2,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 900 tỷ đồng/năm).
Mặt khác, khó khăn sẽ lại chồng chất bởi hiện nay, VIDIFI vẫn đang vay và trả lãi vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) với lãi suất 10%/năm cho khoản tiền giải phóng mặt bằng. Chưa kể, thủ tục tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD (200 triệu USD từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc-Kexim Bank, 100 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức-KfW) của dự án vẫn chưa được chuyển đổi hoặc bố trí kế hoạch ngân sách để hỗ trợ mà Tổng công ty hiện vẫn đang phải chịu trách nhiệm trả nợ lãi.
Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đơn vị này cũng kiến nghị bố trí vốn ngân sách Nhà nước để trả nợ 2 khoản vay từ Ngân hàng tái thiết Đức-KfW và Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc- Kexim Bank, bởi tổng số nợ gốc đã trả và sẽ đến hạn trả của các khoản vay từ hai ngân hàng nêu trên cho dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đến năm 2020 quy đổi ra là hơn 2.100 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 746/QĐ-TTg ngày 29/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ kèm theo phương án tài chính dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã được các bộ, ngành thẩm định và báo cáo Chính phủ, Nhà nước sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách để trả nợ gốc đến hạn đối với các khoản vay từ Kexim Bank và KfW. Tuy nhiên, đến nay, các khoản hỗ trợ bằng nguồn ngân sách Nhà nước nêu trên chưa được cấp và chưa được đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
“Việc chưa cấp và chưa bố trí vốn ngân sách Nhà nước để trả nợ gốc các khoản vay nước ngoài cho dự án đến nám 2020 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và cân đối nguồn vốn của VDB và VIDIFI đồng thời dẫn đến việc Bộ Tài chính sẽ không có nguồn vốn trong kế hoạch để thực hiện trả nợ nước ngoài khi đến hạn,” lãnh đạo VIDIFI nhấn mạnh.
Do đó, VIDIFI đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội sớm bố trí nguồn ngân sách Nhà nước để Tổng công ty có nguồn trả nợ VDB, để VDB và Bộ Tài chính có nguồn trả nợ các khoản vay nước ngoài đến hạn của dự án.
Như vậy có thể thấy, vấn đề thu không đủ bù lãi vay đã là bài toán chưa có lời giải của Vidifi.