Tái thiết ngành du lịch Quảng Nam: Xanh hơn, văn minh hơn
Đối với Quảng Nam, chủ trương và định hướng xuyên suốt của du lịch là “phát triển để bảo tồn, bảo tồn để phát triển”, dựa vào các giá trị văn hóa, di sản để đưa ngành du lịch phát triển mạnh mẽ.
>>“Điểm nghẽn” du lịch xanh Quảng Nam
Hiện tại, tỉnh Quảng Nam đã và đang hình thành được một số mô hình du lịch xanh đang thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế, nhiều sản phẩm du lịch xanh - kinh tế tuần hoàn của các doanh nghiệp tại Quảng Nam đang hứa hẹn gặt hái thành công, góp phần phát triển du lịch bền vững.
“Xanh hóa” là nhu cầu thiết yếu
Các mô hình tiêu biểu như nông nghiệp hữu cơ tại làng Thanh Đông, mô hình tái chế rác thải du lịch thành sản phẩm thông dụng trong đời sống tại làng du lịch cộng đồng Gò Nổi, sản phẩm thảo mộc vì sức khỏe của An Farm,... đang được kỳ vọng là hướng phát triển tiềm năng của địa phương.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) Quảng Nam cho biết du lịch xanh trong những năm gần đây đã và đang là xu hướng phát triển tất yếu của du lịch toàn cầu, ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách, cộng đồng doanh nghiệp du lịch và cộng đồng xã hội nói chung. Ông Hồng cho hay, Quảng Nam là một địa phương có nhiều tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch gắn với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa truyền thống, đặc biệt là nơi có nhiều di sản văn hóa thế giới, các di tích văn hóa, lịch sử thì việc phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng “xanh hóa” là cần thiết.
“Tỉnh Quảng Nam đã và đang tập trung phát triển, tạo ra những sản phẩm du lịch xanh, dựa vào nền tảng nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, tạo cơ hội cho việc bảo tồn tài nguyên và phát triển du lịch một cách bền vững. Phát triển kinh tế không phải bằng mọi giá mà phải có sự phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường”, ông Nguyễn Thanh Hồng khẳng định.
Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, du lịch xanh được xây dựng, phát triển dựa trên 3 nguyên tắc phát triển du lịch bền vững gồm sử dụng hợp lý và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho nhu cầu phát triển du lịch, hạn chế các tác động từ hoạt động du lịch đến môi trường và ưu tiên phát triển các loại hình/sản phẩm du lịch có trách nhiệm với môi trường và gắn với lợi ích của cộng đồng. Với mục đích đặt ra là tạo ra phúc lợi cho người dân, phát huy và tôn trọng các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng, là nền tảng, vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Lan tỏa du lịch tử tế
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho rằng, việc phát triển du lịch xanh nhằm phát huy các giá trị cốt lõi của điểm đến, sản phẩm và khơi dậy hành động tử tế trong du lịch. Trong đó, ông Thanh nhìn nhận có 2 vấn đề cần quan tâm đó là cách tiếp cận, cần sáng tạo hơn hướng đến các sản phẩm chứa hàm lượng giá trị cao, nhân văn, mang tính truyền tải văn hóa bản địa đến du khách. Mặt khác, đó là tránh kỳ vọng quá nhiều về các thành quả của du lịch xanh mà thay vào đó là thay đổi cách làm du lịch từ các doanh nghiệp, người dân, chính quyền,...
“Du lịch xanh đầu tiên phải xuất phát từ sự sáng tạo, từ hành động cụ thể của cả cộng đồng từ người dân đến doanh nghiệp. Trong đó, chúng ta phải biết bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, xây dựng các giá trị về điểm đến, về con người, văn hóa giao tiếp hơn là xây dựng các sản phẩm quy mô lớn lao. Cùng với đó, sự tử tế trong hoạt động du lịch cũng sẽ là động lực để phát triển, tạo điểm nhấn mạnh trong mắt bạn bè quốc tế, giúp làm tỏa thông điệp điểm đến văn minh, hài hòa”, ông Phan Xuân Thanh nhận định.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Quốc Việt, Giám đốc SantaSea Villa Hội An cho rằng, với sự đa dạng trong về địa hình, không gian phát triển du lịch, Quảng Nam hoàn toàn có thể cung cấp cho du khách nhiều dịch vụ trải nghiệm bền vững nương tựa vào các yếu tố tự nhiên như biển, hồ, ruộng bậc thang, suối nước nóng… Cùng với đó, địa phương có thể phát triển thêm loại hình du lịch chữa bệnh xen kẽ vào định hướng du lịch xanh.
“Tỉnh Quảng Nam có thể kết hợp các trải nghiệm bền vững có lợi cho sức khỏe của du khách trong chuyến lưu trú, nghỉ dưỡng. Cụ thể là cung cấp cho du khách dịch vụ ngâm cát vào sáng sớm để chữa một số bệnh về xương khớp. Du lịch hướng về thiên nhiên, nghỉ dưỡng, chữa bệnh cũng tăng trưởng mạnh mẽ và sẽ trở thành loại hình chủ đạo của phân khúc du lịch giải trí trong tương lai”, ông Việt nói.
Có thể bạn quan tâm