Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam chú trọng phát triển, thu hút đầu tư vùng ven biển với các lĩnh vực du lịch sinh thái, công nghiệp công nghệ công nghệ cao, bất động sản cao cấp,...
>>Quảng Nam quy hoạch đường ven biển phát triển du lịch kết hợp công nghiệp
Tỉnh Quảng Nam ưu tiên phát triển cảnh quan nhằm hướng đến tuyến đường ven biển tạo động lực phát triển cho khu vực ven biển, tạo nên ấn tượng mới của tỉnh Quảng Nam.
Phát huy vai trò động lực
Hiện tại, tỉnh Quảng Nam vẫn còn quỹ đất dồi dào tại khu vực ven biển kéo dài từ phía Nam Đà Nẵng đến giáp tỉnh Quảng Ngãi với 125km. Đây được xem là khu vực động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương trong tương lai bằng những dự án công nghiệp, du lịch, bất động sản cao cấp,...
Khu vực này sẽ được phát triển du lịch ven biển kết hợp phát triển đô thị và công nghiệp, là hành lang hạ tầng quan trọng với đa dạng loại hình giao thôngVề tương lai, phương án mở rộng đến năm 2050 gắn với lưu lượng hành khách qua sân bay Chu Lai, lượng hàng qua hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, sự hình thành và phát triển của các khu đô thị và khu du lịch.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng cần làm rõ hơn một số vấn đề mang tính cốt lõi, chiến lược trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại khu vực này. Trong đó, ông Bửu đặt vấn đề về việc sử dụng hiệu quả tài nguyên.
“Chúng tôi có đất, có biển, có sông và quan trọng, chúng tôi thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư lớn. Vấn đề là phương án nào để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đó, vừa đáp ứng cho mục tiêu trước mắt nhưng đồng thời vẫn đảm bảo nguồn dự trữ cho những mục tiêu lâu dài. Đồng thời, cần tính toán đến kinh tế đô thị, công ăn việc làm và an sinh xã hội đối với các dự án được triển khai tại đây”, ông Hồ Quang Bửu nói.
Theo ông Nguyễn Minh Lý, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An trong kỳ quy hoạch tới, khi thành phố điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2035 hướng đến 2050 vẫn xem khu vực dọc các tuyến ven biển là khu vực động lực cho vấn đề phát triển. Thông qua các động lực này sẽ kéo giãn không gian phát triển của đô thị cổ Hội An đến những vùng ven.
“Tuy nhiên đối với khu vực ở ven biển trong thời gian qua thành phố đã có tính toán, định hướng đó là ưu tiên dành một số khu công cộng dành cho du khách. Hiện nay trong định hướng thời gian tới thì thành phố Hội An cũng tiếp tục giữ chủ trương này và trong đó sẽ hiện thực hóa bằng cách là tăng cường nguồn lực để đầu tư các khu công viên biển để phục vụ cho vấn đề công cộng”, ông Lý cho hay.
Ngoài ra, ông Nguyễn Minh Lý cũng thông tin khu vực bờ biển của Hội An trong thời gian vừa rồi bị tổn thương rất là lớn đặc biệt liên quan đến vấn đề nước biển dâng và sạt lở. Cho nên, UBND tỉnh Quảng Nam và địa phương cũng đã triển khai một số hợp phần của dự án cải tạo và chống sạt lở để sớm hình thành không gian kiến trúc dọc bờ biển.
Giải pháp nào phù hợp?
KTS. Nguyễn Tiến Thuận, Chủ tịch Công ty TNHH Kiến trúc X1-HAAI nhận định Quảng Nam là một trong số ít các địa phương của Việt Nam có lợi thế lớn về tài nguyên ven biển. Theo KTS. Thuận, đây là tiềm năng phát triển du lịch biển, đảo, với môi trường không gian đa dạng của vùng biển, với các bãi biển, không gian trên dưới đáy biển và trên các đảo,...
“Với khoảng 125km đường bờ biển, chủ yếu là các bãi cát trắng, phẳng mịn như Hà My, An Bàng, Bình Minh, Tam Thanh, Bãi Rạng. Ghềnh đá Bàn Than, Tam Hải và Cù Lao Chàm - Khu dự trữ sinh quyển thế giới... Tất cả những tiềm năng này đã tạo nên thế mạnh trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Quảng Nam”, KTS. Nguyễn Tiến Thuận nhận định.
Theo định hướng quy hoạch của tỉnh Quảng Nam, địa phương xem trục phát triển kinh tế - đô thị nói chung và các đô thị ven biển luôn là sự lựa chọn ưu tiên. Song, đa số các loại đô thị của Quảng Nam còn ở cấp thấp (1 loại II, 1 loại III, 2 loại IV và 17 loại V), cùng với quy mô dân số thấp (chưa đạt tiêu chí tối thiểu của đô thị). Từ đó cũng dẫn đến tỷ lệ đô thị hóa chỉ chiếm 34,3%, trong khi bình quân toàn quốc là 40%.
“Thực tế cho thấy, tốc độ phát triển đô thị của Quảng Nam có sự chênh lệch khá lớn giữa các vùng và địa phương, ở một số địa phương diễn ra chậm và thiếu đồng bộ. Trong một thời gian dài, du lịch biển mới chỉ tập trung ở phía Bắc của tỉnh như khu vực Điện Bàn, Hội An với việc đã hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Còn dải bờ biển phía Nam, kể cả Tam Thanh (đô thị Tam Kỳ) cũng chỉ mới ở giai đoạn đầu còn chưa phát triển khởi sắc. Một trong những nguyên nhân cơ bản là do nguồn lực đầu tư thấp, chưa có cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng, kết nối giao thông trên toàn tuyến phát triển chậm. Mặt khác, định hướng phát triển quy hoạch lại bị tương đồng, đô thị các địa phương như bản sao giống nhau, nên không có bản sắc riêng”, ông Thuận nói thêm.
Theo các chuyên gia, ngoài việc phát triển các đô thị ven biển, tỉnh Quảng Nam cần xem xét đến phương án thu hút đầu tư du lịch sinh thái, công nghiệp, công nghệ thông tin,... để phát huy lợi thế của khu vực. Trong đó, xem yếu tố bền vững là cốt lõi thực hiện, để đưa vùng ven biển trở thành vùng trũng của đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm