Thái Bình: Công bố kết quả khảo sát DDCI
Theo kết quả khảo DDCI năm 2022 tỉnh Thái Bình vừa được công bố, Cục Thuế và TP Thái Bình dẫn đầu bảng xếp hạng, Sở TNMT và huyện Tiền Hải là 2 đơn vị bị "chấm điểm" thấp nhất.
>>>Thái Bình sắp công bố DDCI lần đầu tiên
UBND tỉnh Thái Bình vừa công bố kết quả khảo sát bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, huyện, thành phố (DDCI) năm 2022.
Môi trường đầu tư kinh doanh từng bước được cải thiện
Kết quả cho thấy, Cục Thuế tỉnh dẫn đầu bảng xếp hạng khối sở, ngành với 69,70 điểm. Tiếp đến là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư. Xếp nhóm cuối là Sở Giao thông Vận tải, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Xếp hạng đối với khối UBND cấp huyện, đứng đầu là thành phố Thái Bình với 67,79 điểm, tiếp đến lần lượt là các huyện: Kiến Xương, Vũ Thư, Đông Hưng, Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Thái Thụy, Tiền Hải.
Trước đó, UBND tỉnh Thái Bình đã giao Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh khảo sát gần 3.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp) ở tất cả các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp sẽ “chấm điểm” đánh giá mức độ hài lòng với hoạt động điều hành kinh tế của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Đối với cấp sở, ngành được đánh giá dựa trên 9 chỉ số thành phần gồm tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và tiên phong, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, chi phí không chính thức, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, vai trò người đứng đầu và ứng dụng công nghệ thông tin. Đối với các huyện, thành phố được đánh giá bởi 10 chỉ số thành phần bao gồm 9 chỉ số thành phần như cấp sở, ngành và thêm chỉ số khả năng tiếp cận đất đai.
>>Thái Bình: Hàng nghìn doanh nghiệp hào hứng tham gia khảo sát DDCI
>>“Sức khỏe” doanh nghiệp nhìn từ DDCI Vĩnh Phúc 2021
Theo ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, nhìn vào những chỉ số thành phần của Bộ chỉ số DDCI có thể thấy rõ tinh thần nhìn thẳng sự thật, quyết tâm đổi mới thực chất, toàn diện và rất quyết liệt của UBND tỉnh. 69 câu hỏi khảo sát doanh nghiệp đánh giá cơ quan quản lý nhà nước về tính minh bạch và tiếp cận thông tin, tính năng động và tiên phong, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thiết chế pháp lý, vai trò của người đứng đầu, ứng dụng công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận đất đai và cơ sở hạ tầng.
Hiện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình đang nỗ lực cùng UBND tỉnh kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Thái Bình sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định, môi trường đầu tư kinh doanh của Thái Bình từng bước được cải thiện qua đánh giá của các nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp ngày càng tốt hơn.
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
Trên cơ sở phân tích, đánh giá các chỉ số thành phần DDCI, đơn vị tư vấn đã đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, khuyến nghị UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai. Đó là, nâng cao tính năng động và tiên phong gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Xây dựng quy trình, sơ đồ hóa về trình tự, thủ tục đầu tư trong và ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và áp dụng các mô hình hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số và nâng cao tính minh bạch. Nâng cao hiệu quả đối thoại doanh nghiệp. Minh bạch hóa thanh tra, kiểm tra. Cuối cùng là nâng cao năng lực cán bộ và cải thiện văn hóa ứng xử của cán bộ theo hướng thân thiện, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện tốt 8 nhiệm vụ trong tâm. Trong đó, nhấn mạnh cần nghiêm túc đánh giá lại năng lực chỉ đạo, điều hành trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, sớm có giải pháp khắc phục những hạn chế. UBND tỉnh Thái Bình sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm các sở, ngành, địa phương nhất là người đứng đầu không có sự cải thiện, chuyển biến đối với các chỉ số thành phần liên quan đến sở, ngành, địa phương mình. Đồng thời, tập trung rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp chỉ đạo để nâng cao chỉ số DDCI, PCI và thu hút đầu tư. Sở Nội vụ tăng cường thanh tra công vụ kịp thời chấn chỉnh thái độ, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tham gia khảo sát DDCI và PCI trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
“Sức khỏe” doanh nghiệp nhìn từ DDCI Vĩnh Phúc 2021
12:49, 14/09/2022
Quảng Ninh: nhiều giải pháp nâng cao chất lượng chỉ số DDCI
01:28, 14/09/2022
Thái Bình: Hàng nghìn doanh nghiệp hào hứng tham gia khảo sát DDCI
01:06, 09/09/2022
DDCI Thái Nguyên: Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững
07:45, 08/09/2022