DDCI với mục tiêu phát huy vai trò, trách nhiệm điều hành của các sở, ban, ngành và địa phương để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời là thước đo “sức khỏe” doanh nghiệp trên địa bàn.
>>PCI 2021: Sự trở lại Top 10 ấn tượng của Vĩnh Phúc trên bảng xếp hạng
Chiều ngày 13/9/2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội nghị công bố kết quả bộ chỉ số DDCI năm 2021. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thành phố. Kết quả Chỉ số DDCI được đánh giá là thước đo thực sự của cộng đồng doanh nghiệp về năng lực điều hành kinh tế và chất lượng môi trường kinh doanh của 37 đơn vị nhà nước (28 sở, ngành và 9 địa phương) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
“Đòn bẩy” cho năng lực điều hành chính quyền
Theo đánh giá của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, việc đánh giá DDCI qua khảo sát thường niên và 3 năm công bố đã đạt được những kết quả rất tích cực, được các đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã ghi nhận. Việc khảo sát này nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức, người có thẩm quyền tại mỗi sở, ban, ngành, huyện, thành phố thay đổi tư duy từ việc quản lý nhà nước sang phục vụ, đồng hành, kiến tạo, hành động, đúng với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Vĩnh Phúc.
Kết quả khảo sát DDCI ngày càng khẳng định đây là một chỉ số uy tín, minh bạch, được tỉnh và các huyện, thành phố, sở, ban, ngành dùng làm dữ liệu tham khảo để đề ra giải pháp, nhiệm vụ nhằm khắc phục những mặt còn hạn chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Qua những đợt khảo sát đã ghi nhận chuyển biến của các địa phương, đơn vị. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ban, ngành, địa phương trong cải cách hành chính, góp phần cắt giảm các chi phí không chính thức, nhất là tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
Khảo sát cho thấy, điểm trung vị của khối sở, ban, ngành đạt 71,21 điểm (tăng 0,39 điểm so với năm 2020) và khối địa phương đạt 71,76 điểm (tăng 6,33 điểm so với năm 2020).
Đặc biệt, với việc đổi mới, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ, điều hành, hỗ trợ doanh nghiệp, năm 2021, Sở Ngoại vụ Vĩnh Phúc đã bứt phá vươn lên dẫn đầu DDCI khối sở, ban, ngành với 84,44 điểm, cao hơn 7,91 điểm so với đơn vị xếp vị trí thứ 2 là Sở Tài chính (76,53 điểm).
>>VCCI với môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Vĩnh Phúc
>>Vì sao FDI yên tâm “đổ bộ” vào Vĩnh Phúc?
Ở khối địa phương, huyện Lập Thạch được ghi nhận là địa phương 2 năm liên tiếp giữ vững ngôi vị dẫn đầu với 78,78 điểm.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh thì DDCI Vĩnh Phúc 2021 vẫn còn những hạn chế nhất định. Chỉ số “tiếp cận đất đai” và “tính ổn định trong sử dụng đất” vẫn là điểm hạn chế lớn của tỉnh trong việc đánh giá xếp hạng DDCI 2021.
Bên cạnh đó, khoảng cách giữa đơn vị dẫn đầu và đơn vị xếp cuối bảng DDCI khối sở, ban, ngành ngày càng xa và 5 đơn vị thuộc nhóm tốt nhất có sự thay đổi lớn so với năm trước. Điều này đặt ra thách thức lớn cho địa phương trong việc cải thiện môi trường đầu tư, duy trì thứ hạng trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về PCI.
Về việc này, ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, các ngành Y tế, Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hải quan, thành phố Phúc Yên cần sớm tìm ra các nguyên nhân, hạn chế và có giải pháp cụ thể nhằm cải thiện từng chỉ số thành phần. Ngành Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm, chấm dứt tình trạng cán bộ vi phạm, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến đất đai.
“Sức khỏe” doanh nghiệp nhìn từ DDCI
Qua đợt khảo sát này, DDCI cũng cho thấy tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sau những “thăng trầm” chống chọi với dịch bệnh toàn cầu.
Theo thống kê, Vĩnh Phúc hiện nay có khoảng hơn 13.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh. Trong đó, 95% doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 200; 94,9% doanh nghiệp có quy mô doanh thu từ 200 tỷ đồng trở xuống và 93,4% doanh nghiệp có quy mô nguồn vốn từ 100 tỷ đồng trở xuống. Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng (92,8%).
Dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên khắp Thế giới, gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp địa phương này. Khảo sát năm 2021 cho thấy, có tới 59% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu sụt giảm, 63% doanh nghiệp có lợi nhuận giảm, 46% doanh nghiệp phải cắt giảm lao động và trên 50% doanh nghiệp không tiếp cận được khách hàng mới.
Tuy nhiên, một bộ phận doanh nghiệp cho rằng, đó vừa là thách thức vừa là cơ hội cho danh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh, tăng doanh thu doanh nghiệp. Theo đó, 51,5% doanh nghiệp cho rằng cần đẩy nhanh việc chuyển đổi số để thích ứng linh hoạt. Đồng thời, đây là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, tiếp cận thị trường mới, cung ứng sản phẩm và dịch vụ mới.
Ông Bùi Trung Nghĩa, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, DDCI đã phản ánh “hơi thở cuộc sống” về thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc cần quan tâm và chỉ đạo sát sao để DDCI luôn đánh giá khách quan, kịp thời về “sức khỏe”, nhu cầu của doanh nghiệp để hỗ trợ quá trình xây dựng, thực thi chính sách liên quan tại địa phương.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phan Tuệ Minh, Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch cho biết, huyện Lập Thạch hiện nay còn rất nhiều dư địa để phát triển và thu hút đầu tư. Do đó, chính quyền huyện luôn có tinh thần cầu thị, ủng hộ, tạo mọi điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất về thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước chọn nơi đây là điểm đầu tư, kinh doanh.
Theo bà Phạm Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, qua kết quả năm 2021, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục triển khai khảo sát Chỉ số DDCI trong năm 2022 và các năm tiếp theo thông qua nền tảng số nhằm nâng cao năng lực điều hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh. Kết quả Chỉ số DDCI đã góp phần tích cực trong cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh khi năm 2021, Vĩnh Phúc đã vươn lên 24 bậc so với năm 2020, xếp thứ 5 cả nước.
Trong thời gian tới, Hiệp hội doanh nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chỉ số thành phần của Bộ chỉ số, phương pháp tính điểm, xếp hạng, đối tượng khảo sát, phương pháp khảo sát... cho phù hợp với tình hình thực tiễn tại tỉnh, đảm bảo kết quả khảo sát được khách quan, minh bạch, chính xác. Đồng thời nâng cao chất lượng công tác rà soát, sàng lọc, lựa chọn các doanh nghiệp, hợp tác xã được lựa chọn tham gia khảo sát, đảm bảo tỷ lệ tham gia và chất lượng khảo sát đạt kết quả cao.
Về lâu dài, Vĩnh Phúc tiếp tục triển khai các giải pháp, hoạt động để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố, các sở, ban, ngành nói riêng và Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung như: Tổ chức các chương trình Cà phê doanh nhân, các Hội thảo để tạo cơ hội đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, các cơ quan nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, tìm giải pháp để nâng cao các chỉ số thành phần có điểm số thấp; đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Có thể bạn quan tâm
Vĩnh Phúc: Luôn đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, người lao động
21:54, 17/08/2022
Vĩnh Phúc đã tạo ra “hiện tượng” thu hút đầu tư
06:10, 25/06/2022
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc: Báo chí-người bạn đồng hành của chính quyền địa phương
07:00, 21/06/2022
Hội Doanh nghiệp huyện Lập Thạch đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Vĩnh Phúc
15:39, 07/06/2022
Cải thiện và nâng cao PCI Vĩnh Phúc: Huyện Yên Lạc góp phần tăng trưởng bền vững
06:13, 13/05/2022
Vĩnh Phúc: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư
18:36, 29/04/2022
Vĩnh Phúc: Cải cách hành chính để nâng hạng chỉ số Tiếp cận đất đai
04:22, 28/04/2022