TX.Gò Công mở rộng dư địa phát triển
Ngày 27/4/2022, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo xây dựng TX. Gò Công trở thành thành phố Gò Công vào năm 2025.
>>Tiền Giang phát huy lợi thế thu hút đầu tư
Với mục tiêu xây dựng thị xã (TX). Gò Công (Tiền Giang) trở thành thành phố Gò Công vào năm 2025, TX. Gò Công sẽ mở rộng dư địa phát triển, tạo sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng và lợi thế về vị trí địa lý và tạo động lực phát triển kinh tế cho cả vùng.
Ngày 27/4/2022, Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo xây dựng TX. Gò Công trở thành thành phố Gò Công vào năm 2025.
Diện mạo mới
Theo đó, tỉnh Tiền Giang sẽ xây dựng, phát triển thị xã Gò Công thành thành phố Gò Công chậm nhất vào năm 2025, trở thành một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, dịch vụ và du lịch. Mục tiêu cụ thể: Gia tăng quy mô dân số, phấn đấu đạt khoảng 150.000 người; thu nhập bình quân đầu người tối thiểu đạt 1,05 lần so với thu nhập bình quân cả nước; Tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đạt 80% trong cơ cấu kinh tế; Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp khu vực nội thị đạt từ 80% trở lên…
Để đạt được mục tiêu trên, Chủ tịch UBND TX. Gò Công Giản Bá Huỳnh cho biết: TX. Gò Công đề xuất tỉnh tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch của các huyện trong vùng cho phù hợp phát triển tổng thể của vùng trên cơ sở khảo sát, xác định tiềm năng, lợi thế so sánh của mỗi huyện, thị, mỗi khu vực trong vùng nhằm phát huy lợi thế so sánh của mỗi huyện, từ đó hoạch định việc phát triển kinh tế- xã hội theo từng khu vực. Điều này không chỉ góp phần phát triển kinh tế- xã hội mang đậm nét đặc thù của từng huyện, từng khu vực, mà sẽ tránh được việc phân chia nguồn lực đầu tư, đầu tư dàn trải, gây lãng phí, trong khi nguồn lực phục vụ phát triển còn gặp nhiều khó khăn trong điều kiện hiện nay.
Bên cạnh đó, TX. Gò Công cũng đề xuất tỉnh tập trung phát triển kết cấu hạ tầng của vùng một cách đồng bộ, từng bước hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, điện, nước… để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Sự hiện đại, đồng bộ về giao thông cùng với sự phát triển của hạ tầng kỹ thuật sẽ góp phần khắc phục tình trạng tự phát, chia cắt về hạ tầng giữa các địa phương; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi khơi thông nguồn lực liên kết giữa các huyện, thị trong vùng. Trong đó, tập trung xây dựng mới đường tỉnh 877C kết hợp với đường tỉnh 871B kết nối với KCN Gò Công ở phía Đông và kết nối với đô thị Mỹ Tho ở phía Tây...
Về phát triển các khu, cụm công nghiệp, vừa qua địa phương đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Bình Xuân với 70 ha, Cụm công nghiệp Mỹ Lợi.
>>Tiền Giang bứt phá PCI
>>Tiền Giang: Số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh
Đầu tư hạ tầng kỹ thuật
Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định 1086/QĐ-TTg chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Bình Đông. Theo đó, Chính phủ chấp thuận nhà đầu tư là Công ty CP Điện mặt trời miền Trung MK. Quy mô sử dụng đất của dự án là 211,96 ha tại xã Bình Đông, TX. Gò Công. Vốn đầu tư là 2.428,376 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 365 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Dự án được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá thu hút đầu tư vào TX. Gò Công, góp phần chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt trong bối cảnh TX đặt mục tiêu trở thành TP. Gò Công vào năm 2025.
Trên thực tế, TX. Gò Công có đường Quốc lộ 50 đi qua, nối với TP.HCM cách hơn 50 km về phía Bắc, nối với thành phố Mỹ Tho cách 35 km về phía Tây và có các đường tỉnh lộ đi về các thị trấn ven biển cách 15 km về phía Đông, kết nối với đường ven biển miền Tây trong tương lai. Rạch Gò Công bắt nhánh từ sông Vàm Cỏ, bao quanh phía Bắc thị xã và chảy qua nội thị theo hướng Bắc-Nam nối với các kênh rạch khác đi ra sông Tiền… Với vị trí địa lý và hệ thống giao thông thuỷ bộ thuận tiện, TX. Gò Công ngày càng phát huy vị trí đô thị trung tâm phía Đông của tỉnh Tiền Giang.
Một trong những điểm nhấn quan trọng thu hút các nhà đầu tư đến với TX. Gò Công là các công trình hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ, hệ thống giao thông từng bước được hoàn chỉnh, cụ thể như: Cầu Bình Xuân đã thông tuyến đường tỉnh 873 tạo điều kiện cho các xã bãi ngang thị xã và các xã phía Bắc Quốc lộ 50 huyện Gò Công Tây phát triển về mọi mặt. Việc hình thành đường tỉnh 871B kết nối Quốc lộ 50 đi các xã Kiểng Phước, Tân Phước, Gia Thuận (huyện Gò Công Đông) cũng đã tạo điều kiện mời gọi, thu hút đầu tư.
Bên cạnh đó, việc nâng cấp, mở rộng các cầu, các tuyến giao thông quan trọng đã tạo điều kiện liên kết giao thông trong vùng; các công trình xây dựng nhà ở đô thị ngày càng hiện đại, các khu dân cư, tuyến dân cư mới được hình thành như: Khu dân cư Trương Định, Dự án đường và khu dân cư 2 bên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Trọng Dân nối dài, góp phần chỉnh trang đô thị, mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch…
“Sự năng động, nhiệt tình trong cải cách hành chính, mời gọi đầu tư, sẵn sàng đón chờ các nhà đầu tư mới của lãnh đạo TX. Gò Công sẽ là tiền đề rất quan trọng cho thị xã đi tiếp chặng đường mới, nhất là hướng đến mục tiêu TP. Gò Công trực thuộc tỉnh trong nhiệm kỳ 2020- 2025.”- ông Giản Bá Huỳnh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm