Kiên Giang tạo “cầu nối” cho sản phẩm địa phương
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Kiên Giang đóng vai trò kết nối cung - cầu giữa nhà sản xuất và hệ thống siêu thị, nhất là đối với sản phẩm của các doanh nghiệp nhỏ.
>>Kiên Giang: Quyết tâm tạo bước đột phá từ cải cách hành chính
Với quyết tâm đưa các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đạt chất lượng đến tận tay du khách và người tiêu dùng trong và ngoài nước, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang (Trung tâm) đã xây dựng thành công “cầu nối” đưa sản phẩm địa phương vào các siêu thị ở các điểm đến du lịch nổi tiếng.
Trung tâm đã góp phần gỡ nút thắt đầu ra cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, cũng như tạo sinh kế cho người dân địa phương.
Vạn sự khởi đầu nan
Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có hàng trăm cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng với qui mô nhỏ lẻ. Trong đó có hơn 60 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, điển hình như: Khô cá lóc đồng, cá cơm, tiêu, khóm sấy, trà mãng cầu, nước mắm, tôm khô, tổ yến, thủ công mỹ nghệ…
Ngoài ra, Kiên Giang còn nhiều sản phẩm tiêu dùng khác nổi tiếng ở địa phương, nhưng do qui mô sản xuất nhỏ lẻ - chủ yếu là các hộ kinh tế gia đình hoặc các hợp tác xã, nên khó có điều kiện phát triển thị trường tiêu thụ, nhất là đưa các sản phẩm vào các siêu thị. Do vậy, không ít cơ sở sản xuất chỉ chế biến gia công cho những thương hiệu khác, không nâng cao được chuỗi giá trị sản phẩm. Đó là cái vòng luẩn quẩn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do vậy, rất cần “ngoại lực” để đưa sản phẩm của mình tiếp cận khách hàng ở các siêu thị.
Trước bối cảnh trên, nhiều chuyên gia cho rằng, các đơn vị sản xuất nhỏ và siêu nhỏ ở Kiên Giang cần cải tiến bao bì mẫu mã và phương thức hợp tác với siêu thị. Trong đó, việc giao hàng phải kịp thời và ổn định trong bối cảnh các cơ sở sản xuất nhỏ này không có hệ thống phân phối ở nhiều nơi…
“Trong thời gian qua, Trung tâm đã hỗ trợ đưa sản phẩm của của chúng tôi có mặt ở một số siêu thị. Đây là bước ngoặt quan trọng để chúng tôi quyết tâm và từng bước khắc phục khó khăn khi hợp tác với siêu thị, nhất là mạnh dạn cải tiến bao bì sản phẩm cho bắt mắt để đến với người tiêu dùng ở các siêu thị”, Chủ doanh nghiệp Khô cá cơm ở Kiên Giang chia sẻ.
Chung tay vượt qua khó khăn
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang, bà Nguyễn Duy Linh Thảo cho biết, trong thời gian qua, dù ảnh hưởng của COVID-19, nhưng công tác xúc tiến thương mại của tỉnh Kiên Giang không bị gián đoạn nhiều. Có được kết quả này là nhờ việc đẩy mạnh kết nối cung- cầu qua hình thức online do Trung tâm làm cầu nối giữa nhà sản xuất với hệ thống tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, nhất là đối với những sản phẩm tiêu dùng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở địa phương. Trong đó, sàn giao dịch thương mại điện tử của Trung tâm (www.kiengiangpromotion.vn) đóng vai trò quan trọng.
“Năm 2021, Trung tâm đã giới thiệu hơn 60 sản phẩm của địa phương vào được hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh. Ngoài những sản phẩm thủy sản, Kiên Giang hiện có trên 30 sản phẩm nông sản xuất khẩu như gạo, nước mắm, đồ hộp, trà mãng cầu, rượu sim, khóm sấy, mắm ruốc và các sản phẩm thủ công từ thiên nhiên... Các sản phẩm được đưa vào siêu thị sẽ là những sản phẩm OCOP hay những đặc sản địa phương đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, mẫu mã bắt mắt, giá cả cũng phù hợp. Cuối năm nay, chúng tôi tiếp tục đưa một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn vào các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh", bà Thảo chia sẻ.
Trong tháng 8 và tháng 9/2022, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang đã liên kết với Trung tâm xúc tiến của các tỉnh An Giang và Đồng tháp đưa hàng chục sản phẩm tiêu dùng địa phương vào các siêu thị ở đảo Phú Quốc. Đây là lần đầu tiên du khách các vùng miền trong nước và du khách quốc tế được chiêm ngưỡng, mua sắm những đặc sản địa phương của các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Tiếp nối thành công đó, vào các ngày 18-19/9 vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang đã triển khai công tác kết nối giao thương với hệ thống siêu thị Tứ Sơn ở TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Theo đó, có 4/8 sản phẩm của Kiên Giang được chọn lọc để ký kết hợp đồng đưa vào siêu thị Tứ Sơn gồm: Rượu sim của Công ty Hải Phong, tiêu của đơn vị nước mắm Thanh Quốc, cơm cháy chà bông của Công ty Nông Phát Đạt, tiêu của cơ sở Sáng Lợi ở Phú Quốc.
Hàng chục sản phẩm địa phương của Kiên Giang và các tỉnh khác được lên kệ trưng bày trong siêu thị Tứ Sơn ở An Giang và các siêu thị ở Phú Quốc đã góp phần làm phong phú thêm các đặc sản địa phương của vùng miền, nhằm phục vụ cho du khách. Điều này góp phần nâng cao hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời góp phần tăng sinh kế cho người dân ở các địa phương có các sản phẩm mang tính bản địa này.
Có thể bạn quan tâm