Lâm nghiệp Tây Nguyên “tê liệt” vì thiếu kinh phí
Các công ty lâm nghiệp vốn Nhà nước ở Tây Nguyên đang gặp khó về tài chính do địa phương ngưng thực hiện Quyết định 2242/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2014.
>>Miền Trung: Tập trung thu hút đầu tư logictics để phát triển kinh tế
Theo khảo sát sơ bộ ở hai tỉnh Đắk Lắk và Kon Tum, các công ty Lâm Nghiệp ở hai tỉnh này đang gặp khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động và bảo vệ rừng.
Không lương, công nhân nghỉ việc.
Ông Nguyễn Văn Tuyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy cho hay “để có kinh phí hoạt động, chúng tôi liên tục phải ứng ngân sách, 2 năm rồi không có đồng nào. Hai tháng nay anh em chưa có lương, tháng tới cũng còn chưa biết tính sao”.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy thì hiện nay tổng diện tích mà đơn vị đang phải chịu trách nhiệm quản lý bảo vệ là 24.000 ha. Số lượng cán bộ, nhân viên của đơn vị khoảng 40 người, đây là con số khá khiêm tốn so với diện tích rừng được giao.
Được biết, những năm trước đây, khi còn thực hiện Quyết định 2242/QĐ-TTg thì mỗi ha rừng tự nhiên được hỗ trợ 200.000 đồng kinh phí. Từ năm 2020, khi thôi thực hiện hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước để bảo vệ diện tích rừng tự nhiên của các công ty lâm nghiệp phải thì hàng loạt công ty lâm nghiệp gặp khó khăn.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuần Mẫn có trụ sở tại Thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'leo, Đắk Lắk đã rơi vào cảnh “tê liệt toàn phần”. Nguyên nhân là bởi 6 người còn lại bám trụ với công ty giờ cũng đã viết đơn xin nghỉ việc, vì một năm qua họ chưa nhận đồng lương nào. “Những cán bộ cố gắng bám trụ với công ty đến nay đã gần 1 năm và sống cảnh không lương. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác quản lý, bảo vệ rừng không có nên việc tuần tra, kiểm tra rừng cũng kém chu đáo. Việc chi trả lương cho cán bộ, nhân viên bị ngưng trệ thời gian quá dài dẫn đến công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của đơn vị không có hiệu quả”, ông Nguyễn Thành Chương Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Thuần Mẫn bộc bạch.
Tại Gia Lai, các công ty lâm nghiệp cũng rơi vào tình trạng tương tự. Luôn thường trực “đói” kinh phí hoạt động, nguồn trả lương cán bộ công nhân viên chủ yếu dựa vào tiền dịch vụ môi trường rừng. Hoặc thế chấp vốn điều lệ để lấy kinh phí trang trải tạm thời.
Rừng đối mặt với nguy cơ bị khai thác trái phép
Mới đây nhất, Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sa Thầy đã ghi nhận tình trạng rừng tự nhiên bị tàn phá. Qua kiểm đếm phát hiện 84 cây với tổng khối lượng 147m3, số gỗ trên thuộc nhóm 3 đến nhóm 8. Tình trạng thiếu người quản lý bảo vệ rừng cũng là một phần dẫn đến nguyên nhân trên.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyên - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sa Thầy cho biết thì “sức hút lao động trong ngành lâm nghiệp gần như không có. Nhân viên trong ngành thì đối mặt với rủi ro lao động, sự đe dọa từ các nhóm lâm tặc, lương ít không đủ lo cho cuộc sống gia đình”.
Đánh giá của người đứng đầu Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Sa Thầy cũng là nhận định chung của các đơn vị lâm nghiệp có 100% vốn Nhà nước. Tại tỉnh Đắk Lắk, một trong những địa phương có diện tích rừng lớn của cả nước, chỉ trong 2 năm, đã mất trên 11.000 ha. Tính từ năm 2016 đến 2021, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện, xử lý hơn 6.300 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Tuy nhiên, hiện nay lực lượng chuyên trách của chủ rừng là nòng cốt, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ rừng để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm. Điều kiện công tác rất khó khăn, thường xuyên đối mặt hiểm nguy và xung đột mặc dù trách nhiệm như vậy nhưng lương bổng lại thấp, chỉ từ 5 đến 7 triệu/tháng nên lực lượng bảo vệ rừng bỏ việc rất nhiều.
Bên cạnh đó, ngành lâm nghiệp của Tây Nguyên nói chung và các công ty lâm nghiệp chưa có mô hình liên doanh, liên kết để tạo ra hoặc khai thác sản phẩm từ rừng đạt hiệu quả. Việc sản xuất, kinh doanh cho thuê rừng của chủ rừng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế do cơ chế chính sách...
Có thể bạn quan tâm