Thanh Hóa kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn
Những năm gần đây, sản phẩm công nghiệp nông thôn ngày càng phát triển không chỉ tiêu thụ nội địa, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn có vị thế tại các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn…
>>Mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD ngành nông nghiệp có xa vời?
Hiện nay, tại Thanh Hóa có 118 làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, với 36 nghề tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 27 nghề truyền thống và 9 nghề du nhập mới. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn đã và đang tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Đồng thời, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế và phân bố lại lao động trong khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, số lượng làng nghề trên địa bàn tỉnh lớn, các mặt hàng công nghiệp nông thôn cũng khá đa dạng về chủng loại, song số sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định chiếm thị phần lớn còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn chưa được chú trọng xây dựng nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm. Việc sản xuất tại các làng nghề chủ yếu được thực hiện theo quy mô hộ gia đình, manh mún, nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Chính vì những khó khăn trên, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công công nghiệp nông thôn đang có những bước chuyển mình, linh hoạt để thích ứng và phát triển.
>>"6 từ khoá" cho chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp
Với sự sáng tạo và đổi mới không ngừng, các sản phẩm cói của Công ty Xuất khẩu Việt Trang (Nga Sơn, Thanh Hóa) đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, 90% các sản phẩm làm từ cói của công ty đã được xuất ra thị trường của 20 quốc gia, bước đầu chinh phục được những thị trường “khó tính” như Mỹ, Úc, Canada, Anh, Pháp... với đa dạng các sản phẩm như chiếu cói, túi xách, thảm cói, giỏ, hộp đựng đồ, chậu cói... Doanh thu gần 2 tỷ đồng/tháng; tạo việc làm cho khoảng 30 lao động, với thu nhập bình quân hơn 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Bà Trần Thị Việt, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Việt Trang cho biết, công ty tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về mẫu mã, chất lượng các sản phẩm từ cói Nga Sơn. Đồng thời, tích cực tham gia các hội chợ trong nước, quốc tế và các kênh thương mại điện tử đã giúp công ty có điều kiện kết nối, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Được biết, năm 2021, sản phẩm cói của công ty được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh của năm. Đây là động lực lớn để công ty tiếp tục đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Bambo Vina cho biết, vừa qua công ty vừa tham gia Hội chợ triển lãm Hè 'NY Now' 2022 tại Hoa Kỳ. Góp mặt tại hội chợ triển lãm năm nay có khoảng 950 doanh nghiệp từ 35 nước, trong đó, Việt Nam là 1 trong 9 nước có gian hàng quốc gia riêng. Tham dự sự kiện có 8 doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Các mặt hàng công nghiệp nông thôn của Việt Nam có mặt tại hội chợ đã sớm bắt nhịp với thị trường sôi động của New York, Hoa Kỳ.
>>Xuất khẩu ngành nông nghiệp: Tạo đà bứt phá
Tại Thanh Hóa, ngoài việc tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn trong tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở sản xuất tham gia kết nối tiêu thụ tại các hội chợ được tổ chức tại các tỉnh: Ninh Bình, Thừa Thiên Huế, Sơn La, Quảng Bình...
"Thực tế, sau mỗi lần tham gia các chương trình kết nối, các doanh nghiệp, đơn vị đều tìm kiếm và mở rộng thêm được thị trường tiêu thụ. Giai đoạn 2022–2025, từ nguồn vốn các chương trình khuyến công tỉnh Thanh Hóa sẽ dành nguồn kinh phí gần 40 tỷ đồng để hỗ trợ các cơ sở CNNT nâng cao chất lượng và phát triển thương hiệu sản phẩm", ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh .
Có thể bạn quan tâm