Phát triển vùng sâm Lai Châu theo hướng tập trung thành hàng hóa với sự cộng hưởng từ 4 nhà
Tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống, xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
>>>Nâng cao giá trị nông lâm nghiệp Lai Châu
Sâm Lai Châu là đặc hữu có phân bố hẹp trên dãy núi Pu Si Lung và lân cận huyện Mường Tè (Pa Vệ Sử, Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ) và dãy núi Pu Sam Cap nằm giữa các huyện Sìn Hồ (Nậm Tăm, Pu Sam Cap) và Tam Đường (Khun Há, Hồ Thầu, Bản Giang). Cây sâm Lai Châu phân bố tập trung ở độ cao 1.400 - 2.200m so với mặt nước biển, là cây ưa ẩm, khí hậu mát quanh năm và lạnh về mùa đông. Điều kiện này phù hợp với phần lớn các xã vùng biên giới và vùng cao của tỉnh Lai Châu, giàu tiềm năng để mở rộng sản xuất trên quy mô lớn.
Theo báo cáo đề dẫn khoa học, công nghệ, sâm Lai Châu có nguồn gen đặc biệt quý hiếm đối với Việt Nam và thế giới. Tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc. Hàm lượng saponin trung bình khoảng từ 13,38 - 21,34%, đặc biệt hàm lượng majonosid-R2 (RM2) trong các mẫu sâm từ 5-13 tuổi là từ 2,56 - 7,78% và tăng dần theo số năm tuổi.
Cây sâm Lai Châu đang được áp dụng các chính sách hỗ trợ của Trung ương và tỉnh như: Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; cơ chế, chính sách khuyến khích Doanh nghiệp vào đầu tư nông nghiệp, nông thôn và hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ một lần 50% chi phí mua giống và 50% giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Đến nay, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã mạnh dạn đầu tư trên 15 ha tại các huyện Mường Tè, Sìn Hồ, Phong Thổ và Tam Đường.
Hiện nay, bên cạnh các chính sách khuyến khích liên kết giữa nhà khoa học, doanh nghiệp với nông dân; khuyến khích tích tụ đất đai để tạo các vùng trồng cây dược liệu tập trung, tỉnh Lai Châu đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cây giống, xây dựng cơ sở chế biến gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; xây dựng hệ thống chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sâm Lai Châu.
>>>Phát triển sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh... xứng danh "quốc bảo"
>>>Phát huy sức mạnh đại đoàn kết, xây dựng Lai Châu ngày càng giàu đẹp
Ông Lee Sang Shin, Tổng Giám đốc Công ty Viko Energy Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, sâm Hàn Quốc phát triển như ngày nay là được nghiên cứu rất kỹ từ các chuyên gia, Giáo sư đầu ngành về sâm. Chúng tôi nỗ lực để Việt Nam có sản phẩm chế biến sâu và nổi tiếng như dòng sản phẩm Hàn Quốc. Để sâm Lai Châu và sâm Việt Nam phát triển thì cần 3 đối tác cùng đồng hành: “Chính phủ - Phòng nghiên cứu về Sâm - người nông dân”. Nếu có sự cộng hưởng từ 3 đối tác đó mới có được sản phẩm thành công.
Theo ông Lee Sang Shin, muốn tạo ra sản phẩm mang thương hiệu riêng, điều quan trọng nhất đó là sản phẩm sâm Lai Châu cần nghiên cứu, tìm cách đăng ký thương hiệu theo mã quốc tế và có chính sách quảng bá hình ảnh, marketing và đó là vấn đề rất quan trọng. Lai Châu có trong tay sản phẩm sâm chất lượng tốt hơn các sản phẩm khác trên thế giới vì vậy tỉnh cần nắm chắc thành công ở trong tay.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Hội chợ Sâm Lai Châu năm 2022, chiều 12/11, UBND tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển Sâm Lai Châu.
Hội thảo thu hút trên 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế, các Sở, Ngành, địa phương trong và ngoài tỉnh; các Hội, Hiệp hội, các Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia và cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, tiềm năng, triển vọng và khó khăn, thách thức cũng như giải pháp để phát triển sâm Lai Châu trong thời gian tới.
Theo Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến, Viện Nghiên cứu Lâm sinh (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trên cơ sở các kết quả nghiên cứu, tỉnh Lai châu cần xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc đảm bảo năng suất, chất lượng dược liệu. Bên cạnh đó, quy hoạch, phát triển vùng trồng và phải kiểm soát việc mở rộng vùng trồng sâm Lai Châu; xây dựng chỉ dẫn địa lý cho các địa phương có phân bố sâm Lai Châu. Xem xét có cơ chế chính sách đặc biệt phát triển vùng sâm theo hướng tập trung thành hàng hóa với sự tham gia 4 nhà: "Nhà nước - Doanh nghiệp - Nhà nông - Nhà khoa học".
Để đẩy mạnh phát triển sâm Lai Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Trọng Hải đề nghị Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cùng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, hỗ trợ Lai Châu phát triển sâm Lai Châu trong chương trình phát triển sâm Quốc gia đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt. Đề nghị các tổ chức nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học tiếp tục quan tâm, đóng góp tâm, lực, trí tuệ nghiên cứu hoàn thiện hệ thống kiến thức chuyên sâu trong phát triển trồng, chăm sóc, chế biến các sản phẩm từ sâm Lai Châu, xác định tác dụng dược lý, các sản phẩm chế biến từ sâm Lai Châu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu giao Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương trong tỉnh rà soát và kịp thời đặt hàng nghiên cứu, hoàn thiện các giải pháp khoa học kỹ thuật ứng dụng phát triển sâm Lai Châu; hoàn thiện chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm Lai Châu, quyết tâm đưa sản phẩm sâm Lai Châu thành sản phẩm chủ lực của tỉnh, hướng tới sản phẩm Quốc gia. Đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trồng và chế biến sâm Lai Châu tiếp tục dành nguồn lực, mở rộng quy mô phát triển vùng trồng.
Có thể bạn quan tâm
Lai Châu: Khuyến khích đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm sâm theo tiêu chuẩn
14:46, 12/11/2022
11-13/11: Hội chợ sâm Lai Châu: “Nắm chắc thời cơ, vượt qua thách thức, khát vọng vươn xa”
23:14, 01/11/2022
Khởi nghiệp nông nghiệp: Hành trình phát triển nền nông nghiệp xanh
06:16, 07/11/2022
Hành trình chạm đến trái tim từ làm nông nghiệp hữu cơ
02:30, 05/11/2022
Nông nghiệp hữu cơ là hướng đi có ý nghĩa cho tương lai
15:00, 01/11/2022