Tiền Giang nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể
Tiền Giang đặt mục tiêu có 100% số HTX, liên hiệp HTX tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật HTX, có 50% tổng số HTX hoạt động từ loại khá trở lên...
>>Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang tạo động lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp
Những Hợp tác xã (HTX) kiểu mới gắn với chuỗi giá trị ngày càng xuất hiện nhiều trong những năm gần đây tại Tiền Giang. Thực tế này Một mặt xuất phát từ nhu cầu của các xã viên, mặt khác cũng là mục tiêu của UBND tỉnh Tiền Giang.
Mới đây, HTX Sản xuất Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Tân Thanh (huyện Cái Bè) nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã tổ chức hội nghị thành lập. Với 60 hộ nông dân đăng ký tham gia là thành viên, HTX sẽ mở rộng hợp tác, tăng cường liên doanh, liên kết, chế biến, bảo quản, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước nhằm giải quyết đầu vào, đầu ra để tiêu thụ sản phẩm ổn định, góp phần tăng lợi nhuận cũng như hiệu quả kinh tế và thu nhập cho các thành viên HTX.
Xây dựng HTX kiểu mới
Dự kiến hằng năm, HTX cung ứng phân thuốc cho 500- 1.000 ha sầu riêng; hợp đồng đầu tư và thu mua 200 tấn trên diện tích 500 ha sầu riêng của thành viên HTX; chế biến sản lượng 3.000 tấn sầu riêng từ Dự án Đầu tư xây dựng khu chế biến của HTX, với 60% thị trường châu Á, 20% thị trường châu Âu.
Để thúc đẩy kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Chương trình Hỗ trợ phát triển KTTT, HTX trên địa bàn Tiền Giang giai đoạn 2021 – 2025. Mục tiêu quan trọng của Chương trình là hỗ trợ, phát triển khu vực KTTT, HTX cả chiều rộng và chiều sâu; trong đó, đặc biệt chú trọng đến nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên thông qua việc nâng cao nhận thức của người dân về KTTT, HTX. Mục tiêu cụ thể của Chương trình đến năm 2025 là mỗi năm thành lập mới từ 5-10 HTX, nâng tổng số đến năm 2025 khoảng 265 HTX; trong đó, có hơn 175 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, tăng số lượng thành viên, lao động tham gia vào các tổ chức KTTT khoảng 2 - 3%/năm.
>>Tiền Giang đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp
Chương trình cũng đặt mục tiêu có 100% số HTX, liên hiệp HTX tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật HTX; có khoảng 50% tổng số HTX hoạt động từ loại khá trở lên; 20% cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp đại học, cao đẳng trở lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng trên 30 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; trên 40% tổng số tổ chức KTTT, HTX có liên kết với doanh nghiệp, tổ chức KTTT khác.
Đồng hành phát triển
Để tổ chức thực hiện Chương trình này, UBND tỉnh Tiền Giang đã giao trách nhiệm cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương trong việc thực hiện các nhóm nội dung.
Cụ thể, tỉnh Tiền Giang sẽ hỗ trợ lao động trẻ về làm việc tại tổ chức KTTT với mức hỗ trợ hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng. Thời gian hỗ trợ cho mỗi người theo thời gian làm việc thực tế nhưng tối đa không quá 3 năm, số lượng người được hỗ trợ tối đa là 2 người cho một tổ chức KTTT/năm.
>>Tiền Giang xây dựng chính quyền thân thiện
Tỉnh sẽ ưu tiên cán bộ kỹ thuật, kế toán, quản trị kinh doanh có sự hiểu biết về KTTT, HTX; là con em thành viên HTX, sống ở địa phương để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh phù hợp với nhu cầu và lĩnh vực hoạt động chính của HTX.
Đặc biệt để phù hợp với xu hướng phát triển Tiền Giang đang tập trung hỗ trợ chuyển đổi số cho các HTX trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Tiền Giang cho biết: Ước tính, trên địa bàn tỉnh có khoảng 15% HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ cao trong canh tác, nuôi trồng, bảo quản; áp dụng công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và kinh doanh, phần mềm quản lý. Đối với các HTX phi nông nghiệp, tỷ lệ này cao hơn. Có khoảng 70% HTX vận tải áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý hành trình, hoạt động của phương tiện; sử dụng phần mềm để quản lý khách, hàng hóa. 60% HTX thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
>>Tiền Giang gọi đầu tư 59 dự án với tổng mức đầu tư hơn 22 nghìn tỷ đồng
Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để HTX thật sự làm vai trò cầu nối, dẫn dắt thành viên trong sản xuất, quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm. Đông thời, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất sản phẩm OCOP và các sản phẩm của HTX nông nghiệp như: Tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; kiểm soát chất lượng, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm OCOP và các sản phẩm nông nghiệp…
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm gắn với hệ thống quảng bá, thương mại sản phẩm trên sàn thương mại điện tử B2B (bán sỉ) và B2C (bán lẻ); đồng thời xây dựng nền tảng số cho phép từng bước số hóa mọi quy trình, hoạt động quản lý, hình thành cơ sở dữ liệu quản lý, liên thông và đồng bộ với hệ thống thông tin HTX.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh sẽ tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số trong phát triển HTX theo hướng bền vững; huy động nguồn lực để hỗ trợ các HTX chuyển đổi số; hỗ trợ trang thiết bị, công cụ phục vụ chuyển đổi số dựa trên định hướng phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương.
Có thể bạn quan tâm