Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, tạo động lực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang với với Diễn đàn Doanh nghiệp
>>Tiền Giang hỗ trợ tối đa cho cộng đồng doanh nghiệp
Ông Nguyễn Đình Thông khẳng định: Sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã và hộ sản xuất, kinh doanh đã góp phần thúc đẩy địa phương phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19.
- Xin ông cho biết tình hình thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp của Tiền Giang trong thời gian gần đây?
Với các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, trong 9 tháng năm 2022, Tiền Giang đã thu hút được 13 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký là 4.163,5 tỷ đồng. Trong đó, có 6 dự án vốn đầu tư trong nước 3.291 tỷ đồng; có 7 dự án vốn đầu tư nước ngoài 872,5 tỷ đồng. Có 4 dự án điều chỉnh tăng vốn 1.045,4 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư thu hút mới 9 tháng đầu năm đạt 5.209 tỷ đồng, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Bên cạnh đó trong 9 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh, phát triển được 714 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 5.240 tỷ đồng, tăng 86,4% về số lượng, tăng 90,6% về vốn đăng ký, đạt mức tăng 9 tháng về phát triển doanh nghiệp cao nhất trong 3 năm gần đây. Đáng chú ý, số doanh nghiệp quay trở lại thị trường ghi nhận dấu hiệu tích cực, có 288 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 87% so cùng kỳ. Tính đến cuối tháng 9/2022, toàn tỉnh có 5.943 doanh nghiệp, 67.080 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động.
- Việc vận động hỗ trợ hộ kinh doanh có quy mô lớn để phát triển thành doanh nghiệp của tỉnh Tiền Giang đã được thực hiện như thế nào trong thời gian qua, thưa ông?
Lũy kế 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh có 66.660 hộ kinh doanh đăng ký hoạt động. Việc chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp của tỉnh thời gian qua còn hạn chế. Năm 2019 có 45 hộ kinh doanh chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp; năm 2020: 54 hộ, năm 2021: 51 hộ, 9 tháng năm 2022: 84 hộ.
Trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh tiếp tiếp tục phối hợp với Cục thuế tỉnh, UBND các địa phương và các cơ quan có liên quan tổ chức rà soát, phân loại hộ kinh doanh có quy mô lớn, đủ điều kiện để vận động hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp; tham mưu UBND tỉnh phân bổ chỉ tiêu phát triển doanh nghiệp từ chuyển đổi hộ kinh doanh đủ điều kiện hàng năm trên địa bàn 11 huyện, thành, thị; phối hợp với các địa phương tổ chức Hội nghị phát triển doanh nghiệp; thực hiện tư vấn, lập hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh hoàn toàn miễn phí; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp...
- Cùng với nỗ lực phát triển doanh nghiệp, Tiền Giang đưa ra những giải pháp nào để thu hút đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?
Tiền Giang sẽ sớm hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền giang giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để có đủ cơ sở mời gọi đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đồng thời tổ chức công khai ngay các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hướng dẫn chi tiết việc tham chiếu các văn bản luật và quy định của các cấp từ Trung ương cho tới địa phương, đảm bảo người dân, doanh nghiệp đều được tiếp cận văn bản pháp luật một cách dễ dàng.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng phục vụ các dự án mời gọi đầu tư, nhất các dự án giao thông quan trọng của quốc gia trên địa bàn tỉnh, như: đường cao tốc Trung lương–Mỹ Thuận; cao tốc An Hữu – Cao lãnh, nâng cấp kênh Chợ Gạo, đầu tư cầu Rạch Miễu 2…
Tiền Giang cũng chú trọng công tác đạo tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Tỉnh tiếp tục liên kết với các Viện, Trường, các tỉnh trong vùng tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động.
Ngoài ra, cải thiện, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công,... để phục vụ người dân, doanh nghiệp cũng được xem là nhiệm vụ trọng tâm và kiên trì thực hiện của Tỉnh.
Đặc biệt, Tiền Giang sẽ chú trọng xây dựng quy trình liên thông thủ tục cho doanh nghiệp, nhà đầu tư đối với chủ trương đầu tư như đấu giá, đấu thầu, chấp thuận nhà đầu tư, từ thủ tục đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường; Xây dựng nhiều kênh thông tin để kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư; giáo dục đạo đức công vụ cho công chức, viên chức...
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm