Tiền Giang mở rộng không gian phát triển kinh tế
Năm 2022, vượt lên những khó khăn, thách thức, kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang đã phục hồi tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Dự kiến, hầu hết mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch năm 2022 của tỉnh đều đạt và vượt.
>>Tiền Giang đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp
Việc lập quy hoạch tỉnh theo phương pháp tiếp cận mới, đáp ứng yêu cầu quan trọng về “tích hợp, không gian và thị trường” sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để kết nối đồng bộ, khắc phục những “điểm nghẽn”, nhằm phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh Tiền Giang.
Lấy lại đà tăng trưởng
Theo dự kiến, tăng trưởng GRDP của tỉnh Tiền Giang năm 2022 sẽ đạt 7,0%; GRDP bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng (kế hoạch 60,2 triệu đồng). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện 41.843,1 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch, tăng 10,1% so năm 2021. Ước thực hiện cả năm 2022 có 900 doanh nghiệp thành lập mới, vượt 34,3% kế hoạch; tổng vốn đăng ký là 5.900 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022, tỉnh thu hút 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 16.343 tỷ đồng, gấp 3,07 lần so với năm 2021.
>>Tiền Giang tập trung cải cách cấp cơ sở
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước tính cả năm 2022 thực hiện 10.665 tỷ đồng, đạt 120,8% so dự toán, tăng 23,6% so với năm 2021. Chi đầu tư phát triển năm 2022 khoảng 5.071,2 tỷ đồng, đạt 128,7% so dự toán, tăng 7,2% so với năm 2021.
Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng trưởng nhanh, ước cả năm 2022 chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12% so cùng kỳ. Lĩnh vực dịch vụ khá ổn định; kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 3,6 tỷ USD, đạt 107,5% kế hoạch, tăng 15,9% so cùng kỳ...
Dự kiến tổng vốn thu hút đầu tư của Tiền Giang năm 2022 đạt hơn 5.415 tỷ đồng, bao gồm cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đáng chú ý là vốn đầu tư FDI đạt hơn 232 triệu USD, tương đương 5.315 tỷ đồng và vốn đầu tư trong nước khoảng 100 tỷ đồng. Với kết quả đạt được, thu hút đầu tư của Tiền Giang đã đạt hơn 290% kế hoạch năm 2022, hơn 122% so với năm 2021.
>>Tiền Giang gọi đầu tư 59 dự án với tổng mức đầu tư hơn 22 nghìn tỷ đồng
Năm 2023, UBND tỉnh dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế- xã hội trình HĐND tỉnh quyết định. Trong đó, tăng trưởng GRDP đạt 6,5% - 7,5%; GRDP bình quân đầu người đạt từ 67,4 - 68,2 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt từ 45.350 - 46.500 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 10.068 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 9.688 tỷ đồng; 830 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới…
Để đạt được mục tiêu trên cũng như mở rộng dư địa phát triển trong những năm tiếp theo, bên cạnh nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư, triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, Tiền Giang đang tập trung hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để có đủ cơ sở mời gọi đầu tư, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Tạo dư địa mới
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Tiền Giang tạo nền tảng tăng trưởng xanh và một số đột phá trong những lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục thu hút đầu tư chủ yếu ở các lĩnh vực chế biến, chế tạo nhưng tăng mức độ công nghệ, hiệu quả và tự động hóa. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế biển, phát triển nghề cá dựa trên việc mở rộng nuôi trồng thủy sản trên biển và trên đất liền kết hợp với du lịch và ổn định, bảo tồn nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Tiền Giang sẽ hoàn thiện các dự án đô thị hướng biển nhằm phục hồi diện tích khi chưa bị sạt lở, xâm thực; chuyển dịch dần từ định hướng tập trung chuyên canh để xuất khẩu sang phát triển nông nghiệp chất lượng cao, đa dạng, kết hợp với công nghệ thông tin, thương mại điện tử; đồng thời trở thành trung tâm xuất khẩu nông sản của vùng ĐBSCL dựa trên việc xây dựng cầu nối với các thị trường xuất khẩu…
Đến năm 2045, Tiền Giang trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, là một trong những tỉnh Top đầu của khu vực ĐBSCL; Kinh tế phát triển bền vững, tập trung phát triển kinh tế xanh gắn với hiệu quả bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghiệp sáng tạo; Phát triển nông nghiệp đa dạng, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, việc lập quy hoạch tỉnh lần này theo phương pháp tiếp cận mới, đáp ứng yêu cầu quan trọng về “tích hợp, không gian và thị trường” là cơ sở pháp lý quan trọng để kết nối đồng bộ, khắc phục những “điểm nghẽn”, nhằm phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế “nhất cận thị, nhì cận giang, tam cận lộ”, đặc biệt là hệ thống giao thông thủy, bộ của quốc gia đã, đang và sẽ đầu tư trên địa bàn tỉnh.
“Quy hoạch tỉnh là một trong những công cụ quan trọng để cấp ủy, chính quyền các cấp huy động mọi nguồn lực, lợi thế để thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm môi trường và quốc phòng, an ninh. Đây là cơ sở xây dựng các kế hoạch 5 năm và hằng năm của tỉnh theo từng cấp độ quản lý.”- ông Nguyễn Văn Vĩnh nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm