Tiền Giang đang đẩy mạnh thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
>>Tiền Giang: Phục hồi ngành công nghiệp “không khói”
Sau 4 năm đàm phán, mới đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái sầu riêng nhập khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là cơ hội tốt cho tiêu thụ trái sầu riêng của Việt Nam khi Việt Nam là quốc gia thứ 2 sau Thái Lan được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn này.
Theo đó, trái sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là không nhiễm các đối tượng kiểm dịch thực vật mà phía Trung Quốc quan tâm. Tất cả vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng thực hành nông nghiệp tốt; đảm bảo các điều kiện như: vệ sinh vườn trồng và cách xa nguồn ô nhiễm…
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, Nghị định thư cho trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc mở ra cơ hội lớn cho người trồng sầu riêng tại Tiền Giang. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 19.400 ha sầu riêng. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2022 có 5.000 ha sầu riêng được cấp mã số vùng trồng (MSVT) và đến hết năm 2023 có 13.000 ha sầu riêng được cấp MSVT.
Việc phía Trung Quốc đưa ra các quy chuẩn kỹ thuật trong xuất khẩu sầu riêng sẽ là cơ hội để hướng đến tính bền vững hơn cách thức sản xuất thời gian qua.
Để hướng đến sản xuất bền vững, xuất khẩu chính ngạch, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đang khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng đẩy nhanh việc cấp MSVT cho cây ăn trái, trọng điểm là sầu riêng và một số loại có tiềm năng xuất khẩu lớn.
Theo Sở NN&PTNT, đến nay đã cấp 187 MSVT cây ăn trái trên địa bàn Tiền Giang, diện tích 17.396 ha, gồm: 54 MSVT mít, diện tích 8.233 ha; 77 MSVT thanh long diện tích 6.090 ha; 32 MSVT xoài, diện tích 1.579 ha; 12 MSVT vú sữa, diện tích 73 ha; 5 MSVT dưa hấu, diện tích 819 ha; 3 MSVT chôm chôm, diện tích 389 ha; 2 MSVT nhãn, diện tích 121 ha; 2 MSVT sầu riêng, diện tích 93 ha.
Đặc biệt, Tiền Giang tập trung phát triển các hợp tác xã (HTX) kiểu mới liên kết sản xuất, giải quyết đầu vào và đầu ra sản phẩm theo chuỗi giá trị.
>>Vincom đồng loạt khai trương 2 trung tâm thương mại mới tại Tiền Giang và Bạc Liêu
Mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đã thể hiện vai trò quan trọng là cầu nối trong việc tiếp thu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi hiệu quả cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh. Hoạt động của các HTX đã đảm bảo khâu dịch vụ đầu vào lẫn đầu ra mà hộ nông dân cá thể không làm được hoặc làm nhưng không hiệu quả, như dịch vụ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế hộ phát triển,…
Theo Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, nhằm tiếp tục hỗ trợ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, trong đó nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị nông sản hàng hóa chủ lực. Từ đó, đưa kinh tế tập thể mà nòng cốt là mạng lưới HTX cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc, tạo động lực phát triển cho địa phương trong giai đoạn mới.
Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang dự kiến, trong giai đoạn 2021 - 2025, Tiền Giang phấn đấu bình quân mỗi năm thành lập mới thêm 5 HTX để đến năm 2025 có khoảng 195 HTX nông nghiệp. Đến năm 2030 nâng lên khoảng 220 HTX nông nghiệp. Số thành viên và người lao động trong HTX nông nghiệp tăng bình quân 5%/năm; doanh thu và lãi bình quân của mỗi HTX tăng 5%/năm...
Đến năm 2030, Tiền Giang xây dựng được ít nhất 50 mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị nông sản hàng hóa chủ lực địa phương, như: Rau an toàn, gạo chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản…
Ông Nguyễn Văn Mẫn cho biết: Tiền Giang thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có lợi thế so sánh về giá trị gia tăng để tập trung đầu tư về khoa học công nghệ, kết cấu hạ tầng, tạo bước đột phá cạnh tranh, nâng cao giá trị sản phẩm.
Trong quá trình thực hiện, tỉnh lấy liên kết chuỗi làm trọng tâm, lấy khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao làm động lực phát triển. Bên cạnh đó, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là con đường tất yếu để bảo vệ giá trị môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe con người, duy trì sức sản xuất của đất và con người là mô hình nông nghiệp bền vững trong tương lai.
Đối với cây ăn trái, tỉnh sẽ tập trung những chủng loại có giá trị kinh tế cạnh tranh, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, xây dựng vùng trồng đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường; sản xuất theo chuỗi liên kết, mời gọi đầu tư chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm