TX Đông Triều (Quảng Ninh): Giải bài toán thiếu nguồn cung đất vật liệu san lấp mặt bằng
Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường TX Đông Triều giai đoạn 2020-2025, TX Đông Triều cần khoảng 42 triệu m³ đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, hiện nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu.
>>Quảng Ninh: Giải pháp nào cho những bãi thải của TKV?
Dự án “treo” vì thiếu đất
Dự án Khu dân cư Vĩnh Hòa (khu C), phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều được khởi công cuối tháng 4/2022, có tổng mức đầu tư hơn 46 tỷ đồng. Quy mô dự án rộng hơn 4,3ha với các hạng mục: San nền, đường giao thông, kênh thoát nước mặt, kênh thoát nước thải, cấp nước, cấp điện... Theo kế hoạch cuối tháng 9/2022, dự án sẽ hoàn thành. Đây là dự án được triển khai xây dựng trên nền đất chân ruộng trũng nên cần khoảng 40.000m³ đất san nền phục vụ GPMB. Hiện, chủ đầu tư và đơn vị thi công chưa có nguồn đất vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng dự án này.
Ghi nhận của PV tại dự án cho thấy, do thiếu đất san lấp nên nhiều thiết bị máy móc nằm bất động suốt nhiều tháng qua. Một đơn vị thi công ở đây cho biết, đã hơn 4 tháng qua, đơn vị mới chỉ triển khai thi công hạng mục xây lắp cống hộp. Điều này làm ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí phát sinh của dự án. Ngoài ra, tiến độ thi công không thể hoàn thành theo kế hoạch cam kết.
Theo kết quả rà soát của Phòng Tài nguyên - Môi trường TX Đông Triều giai đoạn 2020-2025, TX Đông Triều cần khoảng 42 triệu m³ đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng. Nhiều dự án trọng điểm cần sản lượng nguồn vật liệu san lấp lớn như: Dự án Khu công nghiệp Đông Triều 2 cần 14 triệu m³; Tuyến đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều khối lượng đất đá san lấp khoảng 7,8 triệu m³... Như vậy, trong lúc chờ đợi cơ quan chức năng cấp quyền khai thác cho các mỏ giai đoạn 2020-2025, Đông Triều vẫn còn thiếu khoảng 30,7 triệu m³ đất đá làm vật liệu san lấp.
Giải pháp nào?
Dự kiến sơ bộ nhu cầu khối lượng đất, đá san nền cần sử dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn từ nay đến năm 2025 là 595 triệu m3.
Trong đó, một số dự án có nhu cầu rất lớn như dự án Khu đô thị phức hợp đô thị Hạ Long xanh; dự án Tổ hợp cảng biển, KCN và đô thị Đầm Nhà Mạc; dự án KCN Sông Khoai; dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều…
Hiện nay, nguồn vật liệu san nền cho các dự án trên địa bàn tỉnh chủ yếu được lấy từ nguồn đất đồi. Một phần được lấy từ đất đá mỏ than, tro xỉ thải nhiệt điện, cát sỏi từ dự án nạo vét luồng lạch. Tuy nhiên, để hạn chế đến môi trường cảnh quan, tỉnh Quảng Ninh không tiếp tục cấp mỏ đất đồi mà ưu tiên sử dụng đất đá thải mỏ là nguồn vật liệu chủ lực cho việc san lấp.
>>Dự án nghìn tỷ của TKV 10 năm vẫn dở dang
>>Quảng Ninh: Giải pháp nào cho những bãi thải của TKV?
Sau nhiều nỗ lực kiến nghị đến các bộ ngành trung ương, ngày 24/11 vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức lễ khởi động thu hồi đất đá thải mỏ dùng cho việc san lấp các dự án.
Ông Nguyễn Sỹ Hiên, Công ty CP Đầu tư xây dựng TPC, đơn vị đang triển khai một số dự án trên địa bàn tỉnh, cho biết: Hiện công ty cần nhu cầu sử dụng 224 triệu m³ vật liệu san lấp một số dự án. Trong đó, đơn vị có thể cân đối 80 triệu m³, còn lại thiếu hơn 140 triệu m³. Doanh nghiệp đang hợp đồng với TKV lấy nguồn đất đá thải mỏ phục vụ san lấp một số dự án.
Ông Ngô Xuân Trường, Giám đốc Công ty Chế biến than Quảng Ninh, cho biết: Bãi thải mỏ Suối Lại có vị trí giao thông rất thuận lợi, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vận chuyển đất đá thải bằng đường bộ hoặc đường thủy. Hiện, công ty đã ký hợp đồng cung cấp đất, đá thải mỏ cho các dự án: Cầu Cửa Lục 3, Khu đô thị ngành Than và tiếp tục thương thảo để ký kết với các chủ dự án, nhà thầu khác.
Ông Ngọc Thái Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh: "Với lượng đất đá thải hằng năm của TKV rất lớn, hiện tổng diện tích bãi thải của TKV chiếm dụng lên tới 4.000ha. Tại các bãi thải than luôn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, không khí, nước, đặc biệt nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ, ảnh hưởng tới các hộ dân xung quanh. Việc tái sử dụng đất đá tại bãi thải mỏ Suối Lại làm vật liệu san lấp sẽ mang lại lợi ích kép giúp các đơn vị ngành Than hạn chế tác động đến môi trường, mặt khác giúp TKV tăng hiệu quả kinh tế từ việc tái sử dụng đất đá thải mỏ".
Anh chị Đào Văn Vũ, Thôn khe sím, xã Dương huy, thành phố Cẩm Phả, đã sống trong cảnh nắng bụi mưa lụt từ những bãi thải ngành than nhiều năm nay cho biết: "Việc sử dụng đất đá thải làm vật liệu xây dựng là chủ trương rất đúng, điều này giảm thiểu tình trạng bãi thải ngày càng chất cao và gây ô nhiễm nặng nề cho người dân chúng tôi, đặc biệt những ngày gió đông lượng bụi khủng khiếp bao phủ cả một vùng, mưa thì ngập lụt".
“Hy vọng, cùng với các giải pháp hoàn nguyên như trồng cây, thì tỉnh sẽ nhanh chóng triển khai bốc xúc đất đá thải đi san lấp các dự án”, anh Vũ nói.
Theo tìm hiểu được biết, mặc dù đã đưa đất đá thải mỏ vào san lấp, nhưng cũng chỉ là một số mỏ nhất định. Nguyên nhân là các thủ tục khai thác, sử dụng loại nguyên vật liệu này để san lấp mặt bằng khá phức tạp, mất nhiều thời gian bởi đất đá thải mỏ vẫn được coi là một loại khoáng sản. Theo đó, quy trình, thủ tục xin khai thác đất đá thải mỏ cũng tương tự như xin mở một mỏ khai thác tài nguyên khác. Đây cũng là một trong những lý do khiến trữ lượng đất đá thải mỏ của ngành than ở Quảng Ninh hiện là hơn 1 tỷ m³ nhưng mới chỉ cấp phép khai thác được hơn 3,5 triệu m³.
Có thể bạn quan tâm