Quảng Ninh hiện có khoảng 16.800 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nguy hiểm. Bởi vậy, công tác đảm bảo an toàn tai nạn lao động (TNLĐ) luôn được tỉnh quan tâm.
>>>Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chống buôn lậu Quảng Ninh
Từ hỗ trợ…
Trước tình hình tai nạn lao động vẫn có chiều hướng gia tăng, các ngành chức năng trên địa bàn Quảng Ninh đã tăng cường điều tra, xử lý về an toàn lao động trên địa bàn.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh: Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 16.800 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nguy hiểm, độc hại. Bởi vậy, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), phòng, chống tai nạn lao động luôn được tỉnh và các địa phương quan tâm.
Để đảm bảo cho công tác an toàn lao động, Hội đồng Vệ sinh an toàn lao động tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai công tác ATVSLĐ, phòng chống tai nạn lao động trên địa bàn. Các sở, ban, ngành, địa phương liên quan ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác này phù hợp với tình hình. Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức 10 lớp tập huấn chính sách pháp luật và nghiệp vụ chuyên môn về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với trên 800 đối tượng là cán bộ quản lý chế độ chính sách tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở LĐ-TB&XH đã hướng dẫn các doanh nghiệp tự kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật lao động. Trên cơ sở này, các đơn vị đều tổ chức triển khai các kiến nghị của Đoàn Điều tra tai nạn lao động tỉnh, hiện đã thực hiện kỷ luật khiển trách 24 người, kéo dài thời hạn nâng lương 9 người, cách chức 4 người...
Hằng năm, các đơn vị còn chú trọng tổ chức huấn luyện ATLĐ cho người lao động (NLĐ), nhất là công nhân mới tuyển dụng, học sinh thực tập; tổ chức cho NLĐ đi khám sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh nghề nghiệp. Trong Tháng hành động ATVSLĐ, các đơn vị, doanh nghiệp đã tổ chức 530 lớp huấn luyện, phổ biến về công tác ATVSLĐ cho 44.145 lượt người; có 1.016 tập thể, cá nhân cam kết thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Các đơn vị tổ chức 31 cuộc thi tìm hiểu về ATVSLĐ và thi an toàn viên giỏi các cấp, thu hút 4.677 lượt NLĐ tham gia; duy trì hoạt động cả 410 mạng lưới an toàn vệ sinh viên với 11.084 an toàn viên. Các doanh nghiệp khám sức khỏe định kỳ cho 48.914 lượt người, tổ chức đo môi trường lao động tại 50 cơ sở sản xuất.
Mặc dù vậy, tình hình tai nạn lao động trên địa bàn vẫn xảy ra. Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH: Năm 2021 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh xảy ra 638 vụ, với 649 người bị tai nạn lao động, trong đó 37 người chết, 425 người bị thương nặng (tăng 44 vụ so với năm 2020), chi phí thiệt hại do tai nạn lao động là 30,666 tỷ đồng. Còn 8 tháng đầu năm 2022, trong khu vực có quan hệ lao động, toàn tỉnh xảy ra 289 vụ, với 294 người bị tai nạn lao động (16 người chết, 194 người bị thương nặng, 84 người bị thương nhẹ), tăng 4 vụ so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng như: Vụ tai nạn xảy ra tại Trạm bơm nước thải sinh hoạt PS5, khu Công viên Hoa Hạ Long (TP Hạ Long) làm 1 người chết, 3 người bị thương (đều là công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long) do nhiễm khí độc; hay vụ tai nạn tại lò chợ 21112, khu vực II, vỉa 11 thuộc Công trường Khai thác 1, Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin vào ngày 25/2/2022 làm 1 công nhân bị chết, 1 công nhân bị thương do nổ mìn...
Trước tình hình đó, Sở LĐ-TB&XH, Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh đã duy trì, phát huy tốt sự phối hợp giữa các cơ quan thành viên trong Đoàn Điều tra tai nạn lao động tỉnh và giữa Đoàn điều tra với Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện KSND. Tất cả các vụ tai nạn lao động chết người, bị thương nặng xảy ra trên địa bàn đều được các cơ quan chức năng liên quan có mặt kịp thời, tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân, sớm chỉ ra những thiếu sót, tồn tại của cán bộ quản lý, những vi phạm của người lao động... Từ đó, làm cơ sở cho việc xử lý, rút kinh nghiệm đối với chủ doanh nghiệp, người lao động; đồng thời giúp cơ sở nhanh chóng ổn định sản xuất, ổn định tư tưởng cho cán bộ, công nhân, người lao động.
…đến kiên quyết xử lý
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH: Qua điều tra cho thấy, nguyên nhân tai nạn lao động thường thuộc cả trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động. Cụ thể, với người lao động trong quá trình thực hiện công việc còn thiếu thận trọng trong thao tác do trình độ, kinh nghiệm, ý thức, công tác đảm bảo tai nạn lao động còn hạn chế. Còn vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp đảm bảo an toàn.
Qua các vụ việc tai nạn lao động cho thấy công tác kiểm tra, giám sát, tuyên truyền, giáo dục huấn luyện ATVSLĐ, hướng dẫn triển khai biện pháp thi công, biện pháp an toàn của người sử dụng lao động cho người lao động còn hạn chế. Cán bộ công trường, phân xưởng trong quá trình quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công chưa đảm bảo, chưa dự báo, phát hiện kịp thời những nguy cơ mất an toàn. Một số trường hợp, người sử dụng lao động không mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất, phương tiện bảo vệ cá nhân đầy đủ...
Được biết, khi xảy ra tai nạn lao động các cơ quan chức năng cũng kiên quyết xử lý, lập biên bản đề xuất xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Cụ thể, từ đầu năm đến nay Đoàn Điều tra tai nạn lao động tỉnh đã kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm về ATVSLĐ đối với 2 doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động chết người, với tổng số tiền phạt 21 triệu đồng; kiến nghị khởi tố hình sự do vi phạm quy định về ATVSLĐ liên quan đến vụ tai nạn lao động chết người xảy ra tại Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long. Đồng thời, Đoàn Điều tra tai nạn lao động tỉnh cũng có 73 kiến nghị yêu cầu các đơn vị thực hiện để phòng tránh TNLĐ tái diễn; yêu cầu các cơ sở xảy ra tai nạn lao động xử lý kỷ luật 48 người, trong đó 46 cán bộ quản lý, 2 công nhân lao động.
Các vụ tai nạn lao động đều được cơ quan chức năng tổ chức điều tra, kết luận, xử lý kịp thời, nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Qua điều tra các vụ cho thấy, công tác quản lý, tổ chức điều hành sản xuất, chỉ đạo thi công của cán bộ công trường, phân xưởng chưa đảm bảo; bố trí lao động, phân công công việc không cụ thể; sắp xếp nơi làm việc chưa hợp lý; chưa dự báo, phát hiện kịp thời nguy cơ mất tai nạn lao động để có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời (chiếm khoảng 82% số vụ tai nạn lao động).
Công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát hiện trường sản xuất của giám đốc, phó giám đốc, cán bộ phòng ban chuyên môn, công trường, phân xưởng còn chưa sâu sát. Công tác tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ, hướng dẫn triển khai biện pháp thi công, biện pháp an toàn cho cán bộ quản lý, NLĐ còn hạn chế. NLĐ trong quá trình thực hiện công việc còn thiếu thận trọng trong thao tác, chủ quan, vi phạm quy trình, quy định kỹ thuật an toàn; sự phối hợp nhóm của NLĐ chưa tốt.
Được biết, trong năm 2021, qua điều tra, kết luận các vụ tai nạn lao động, đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh đã yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp, UBND cấp xã thực hiện 137 kiến nghị để phòng tránh tai nạn lao động tái diễn; yêu cầu các cơ sở xảy ra tai nạn lao động xử lý kỷ luật 125 người, trong đó 108 cán bộ quản lý, 17 công nhân lao động; xử phạt vi phạm hành chính 5 đơn vị với số tiền 122 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lao động; thực hiện nghiêm các quy định về ATVSLĐ; tăng cường công tác quản lý, thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng về việc chấp hành quy định ATVSLĐ trên địa bàn.
Để phòng, tránh tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tới, các cơ quan chức năng không chỉ tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ tai nạn lao động diễn ra, mà cần tiếp tục kiểm tra, thanh tra tại các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất; các công trình xây dựng, công trình dân dụng trên địa bàn, từ đó kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở các đơn vị thực hiện tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ, đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động và các hộ dân xung quanh.
Có thể bạn quan tâm