Tiền Giang sẵn sàng… “đất sạch”
Tiền Giang đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các KCN, CCN, tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết để thu hút lấp đầy diện tích các KCN đang hoạt động,...
Phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) theo hướng hiện đại, phục vụ xuất khẩu, chế biến nông sản và logistics… là một trong những tiền đề quan trọng để Tiền Giang đạt mục tiêu tới năm 2025 trở thành tỉnh phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Trong những năm gần đây, cùng với kết cấu hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, các KCN, CCN với hạ tầng hoàn thiện, được quy hoạch tại những vị trí đắc địa đang và sẽ tạo ra bước đột phá trong thu hút đầu tư cho Tiền Giang.
Tín hiệu Khởi sắc
Theo báo cao của UBND tỉnh Tiền Giang, tình hình thu hút đầu tư và phát triển các KCN, CCN trong năm 2022 tiếp tục khởi sắc. Đến nay, tỉnh Tiền Giang đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 KCN với tổng diện tích 2.083,5 ha, trong đó có 3 KCN đi vào hoạt động là Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang. Lũy kế đến 10/2022, các KCN đã thu hút được 109 dự án đầu tư. Trong đó có 81 dự án đầu tư nước ngoài.
Tổng vốn đầu tư gần 2,3 tỷ USD và 4.645,9 tỷ đồng. Diện tích đất thuê là 502,1 ha/592,8 ha, chiếm tỷ lệ 84,7% diện tích đất công nghiệp cho thuê (không tính KCN Soài Rạp). Bên cạnh KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp đang chờ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phương án chuyển giao có diện tích 285,4 ha, tỉnh tiếp tục quy hoạch phát triển thêm 3 KCN: Tân Phước 1, Tân Phước 2 (huyện Tân Phước) và Bình Đông (thị xã Gò Công).
Cùng với phát triển các KCN, Tiền Giang đang đẩy mạnh phát triển các CCN. Tổng số dự án đầu tư tại các CCN hiện nay là 79 dự án (trong đó có 6 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 150,3 triệu USD và 2.306,2 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 89,8 ha/120,6 ha, chiếm 74,5% diện tích đất công nghiệp cho thuê. Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 27 CCN được quy hoạch với diện tích trên 1.000 ha.
Đón nhà đầu tư
Tiền Giang có vị trí đắc địa, thuận lợi trong giao thương và lưu thông, vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư. Mạng lưới giao thông thủy bộ của tỉnh có các tuyến giao thông huyết mạch kết nối toàn vùng như: cao tốc Trung Lương–Mỹ Thuận, cao tốc Trung Lương – TP.HCM, Quốc lộ 1, Quốc lộ 30, Quốc lộ 60, Quốc lộ 50, tuyến sông Tiền, sông Soài Rạp, kênh Chợ Gạo… Chính vì vậy, việc đẩy nhanh các dự án phát triển hạ tầng KCN, CCN có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mặt khác, việc hình thành các KCN, CCN sẽ góp phần tạo việc làm cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Thông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho biết: Mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là thu hút các dự án lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm thủy hải sản, công nghiệp công nghệ cao ít thâm dụng lao động, ít ảnh hưởng đến môi trường; giảm tỷ lệ các dự án gia công; mời gọi đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao; tập trung mời gọi đầu tư từ các quốc gia như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Việc triển khai xây dựng các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đáp ứng được yêu cầu, thu hút nhà đầu tư hạ tầng, tạo thuận lợi về mặt bằng cho các doanh nghiệp sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp.
Tiền Giang đang tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng các KCN, CCN, tạo điều kiện thuận lợi, cần thiết để thu hút lấp đầy diện tích các KCN đang hoạt động, hoặc đã triển khai xây dựng hạ tầng ở giai đoạn trước và đầu tư mở rộng diện tích khi có nhu cầu. Tỉnh vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, CCN và dự án thứ cấp trong KCN, CCN từ các tổ chức, cá nhân; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, CCN trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện đồng bộ và nhất quán cơ chế thu hồi đất theo đúng các quy định của pháp luật; Công khai phương án tổng thể xây dựng KCN, CCN và phương án bồi thường, hỗ trợ, giải quyết hài hòa quyền lợi của người bị thu hồi đất, đảm bảo được sự đồng bộ về cơ chế, chính sách sát với thực tiễn.
Đặc biệt, Tiền Giang sẽ gắn kết chương trình đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh với chương trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển KCN, CCN; liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong KCN, CCN với các trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh, tăng cường công tác dịch vụ cung ứng nguồn nhân lực nhằm khơi thông thị trường lao động, tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận được với nhau khi có nhu cầu.
Có thể bạn quan tâm