Quảng Ninh thúc đẩy giao thương hàng hoá qua biên giới
Tỉnh Quảng Ninh khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, yêu cầu của nước nhập khẩu, phục vụ tốt nhất cho xuất khẩu.
>>>Quảng Ninh: Tăng cường nhiều giải pháp để giảm tai nạn lao động
>>>Quảng Ninh tạo đột phá từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
Chưa khai thác hết tiềm năng
Cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh được đánh giá là một trong 3 đầu tàu phát triển kinh tế của vùng, một trung tâm trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN. Bởi địa phương này có gần 119km đường biên giới trên bộ, 191km đường biên giới trên biển với Trung Quốc.
Năm 2021, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc đạt 41,85 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng kim ngạch thương mại Việt Trung. Trong đó, xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới của Quảng Ninh đạt 12,81 tỷ USD, chiếm gần 31% kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền của Việt Nam - Trung Quốc.
Riêng đối với nhóm hàng nông thủy sản, Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu khi tiêu thụ đến hơn 1/4 kim ngạch xuất khẩu nhóm nông thủy sản của Việt Nam. Trong đó, nhiều loại nông thủy sản cụ thể như trái cây, tinh bột sắn, phi lê cá tra đông lạnh,… chủ yếu xuất khẩu đi thị trường này với tỷ trọng lên tới trên 90%.
Theo các chuyên gia nhận định, theo số liệu thống kê của Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng nông thuỷ sản từ Việt Nam của Trung Quốc chỉ chiếm chưa tới 3% kim ngạch nhập khẩu từ thế giới. Bởi vậy, thị trường xuất khẩu hàng nông thuỷ sản còn rất nhiều tiềm năng mà đa phần các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ hoặc chưa thể khai thác.
Để có thể khai thác tối đa tiềm năng này, theo ông Lê Biên Cương - Phó vụ Trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, thuộc Bộ Công thương, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy thị trường, chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu song phương 2 nước.
Hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp
Quảng Ninh là tỉnh có điều kiện thông thương với Trung Quốc tốt nhất Việt Nam thông qua hệ thống các cửa khẩu trên đất liền. Vì vậy, để thúc đẩy hoạt động XNK trên địa bàn, theo ông Lê Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh cho biết, tỉnh Quảng Ninh khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đẩy mạnh sản xuất hàng hóa xuất khẩu, chế biến sâu, chế biến tinh đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, yêu cầu của nước nhập khẩu, phục vụ tốt nhất cho xuất khẩu.
>>>Quảng Ninh: Tăng cường kiểm tra vi phạm về an toàn lao động
Được biết, để việc giao thương kinh tế, thương mại giữa Việt Nam – Trung Quốc được thuận lợi, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, ngoại giao hợp tác kinh tế với Trung Quốc. Tính đến tháng 11/2022, Quảng Ninh đã ký 26 thỏa thuận cấp tỉnh với các địa phương của Trung Quốc. Đồng thời tuyên truyền các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế biên mậu, du lịch, nông nghiệp, giúp doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể và các thông tin, hướng dẫn liên quan đến XNK hàng hóa sang các đối tác đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Qua đó, giúp các doanh nghiệp xuất khẩu trong tỉnh được hưởng các ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh đang tiếp tục thực hiện việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu, lối mở trên địa bàn để tạo thuận lợi cho việc giao thương hàng hoá.
Về phía ngành Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái và Hải quan Đông Hưng cũng đã có sự phối hợp trao đổi thông tin, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh, thông tin cho nhau về chính sách của hai nước có liên quan đến hoạt động hải quan; tăng cường hợp tác, tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa XNK, phương tiện, hành khách xuất nhập cảnh được nhanh chóng, thuận lợi.
Theo đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái cho biết, thời gian qua, phía Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái đã chủ động tham mưu TP Móng Cái điều chỉnh, bổ sung phương án thông quan tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II phù hợp với tình hình thực tế; thường xuyên nắm bắt tình hình từ phía Trung Quốc để kịp thời tham mưu với các cấp, các ngành và thông báo cho cộng đồng doanh nghiệp nắm được những chính sách XNK của phía bạn để chủ động trong điều tiết hoạt động XNK. Đồng thời, đề xuất với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) tiếp tục mở cửa, tạo điều kiện tăng về số lượng, chủng loại các mặt hàng nông sản, thủy sản, hoa quả Việt Nam thông quan qua cửa khẩu Móng Cái…
Theo đại diện Công ty CP XNK thủy sản Quảng Ninh cho biết, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại như: khởi công xây dựng cảng Vạn Ninh, nâng cấp quốc lộ 18C (giai đoạn 2) kết nối từ cửa khẩu Bắc Phong Sinh đến TP Móng Cái; xây dựng cầu phao tại lối mở biên giới km3+4; cầu Bắc Luân 2; xây dựng cầu thay thế ngầm tràn tại cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Bắc phong Sinh; Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn... Việc đầu tư nâng cấp hệ thống giao thông sẽ đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng và đặc biệt là tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của các doanh nghiệp được thuận lợi.
Còn theo ông Lê Biên Cương - Phó vụ Trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, thuộc Bộ Công thương cho biết, với vai trò cơ quan đầu mối của nhiều cơ chế hợp tác song phương trong lĩnh vực kinh tế, thương mại với phía Trung Quốc, phía vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ tiếp tục phối hợp tích cực với tỉnh Quảng Ninh trong các công việc liên quan, góp phần giúp tỉnh Quảng Ninh phát huy đầy đủ tiềm năng, thế mạnh trong tổng thể quan hệ Việt – Trung.
Có thể bạn quan tâm