Quảng Ninh tạo đột phá từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

HẢI NGÂN 02/12/2022 00:43

Sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cho là sẽ tạo nền tảng để Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển dịch mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”.

>>>Dự án điện khí LNG Quảng Ninh liệu có đúng hẹn?

>>>Quảng Ninh: Tăng cường kiểm tra vi phạm về an toàn lao động

Từ những khó khăn…

Công nghiệp chế biến, chế tạo được Quảng Ninh coi như xương sống của nền kinh tế, là nền tảng và là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của toàn tỉnh.

Công nhân thuộc Tập đoàn Foxconn làm việc tại KCN Đông Mai (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Công nhân thuộc Tập đoàn Foxconn làm việc tại KCN Đông Mai (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Ông Ngô Hoàng Ngân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết: “tháng 11/2020, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU - nghị quyết đầu tiên của cả nhiệm kỳ về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Nghị quyết đã tạo ra sự đột phá, mở ra hướng phát triển toàn diện cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh”.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, quy mô doanh nghiệp lĩnh vực chế biến, chế tạo tại tỉnh Quảng Ninh phát triển nhanh, bình quân tăng 11,2%/năm. Năm 2010, Quảng Ninh có 291 doanh nghiệp chế biến, chế tạo, thì đến hết năm 2021 đã có hơn 800 doanh nghiệp, chiếm hơn 80% số doanh nghiệp trong toàn ngành công nghiệp của tỉnh. Chỉ tính trong 2 năm 2021 và 2022, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút 14 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 5 lượt dự án công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt gần 33.000 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn FDI đạt 1,1 tỷ USD.

Tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng các KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đến đầu tư

Tỉnh Quảng Ninh đang tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng các KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đến đầu tư

Theo đại diện tỉnh Quảng Ninh, với các dự án đầu tư mới được đưa vào hoạt động, năm 2022, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 15,5%. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đã tạo việc làm mới cho gần 1 vạn lao động. Nâng tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực này lên trên 63.000 người.

Theo các chuyên gia nhận định, tại Quảng Ninh, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn được xếp vào nhóm có dư địa phát triển lớn. Quảng Ninh đang có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khi có hệ thống các cảng biển, dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đường cao tốc và đặc biệt là hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc, tạo thành chuỗi dây chuyền, liên kết khép kín. Tuy nhiên, nhóm ngành này phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

>>>Quảng Ninh: Xây dựng “đường sách, phố sách” thành sản phẩm du lịch

>>>"Xanh hóa" những mảng nâu

Cụ thể, theo ThS. Lê Nguyên Thành - Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu phát triển công nghiệp và năng lượng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương cho biết: So sánh với 11 địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng, đến năm 2020 giá trị tăng thêm của ngành chế biến, chế tạo tỉnh Quảng Ninh chỉ đóng góp khoảng 3,3% trong cơ cấu giá trị công nghiệp chế biến, chế tạo của vùng Đồng bằng sông Hồng (tăng nhẹ so với năm 2010, chiếm khoảng 2,9%). Trong vùng Đồng bằng sông Hồng, công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh Quảng Ninh hiện đứng thứ 9/11 địa phương.

Còn theo ông Ngô Hoàng Ngân, một trong những yếu tố khiến cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh là do hiệu quả của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong công nghiệp chế biến, chế tạo còn thấp, hiệu quả thu hút các dự án lớn, có tính động lực chưa cao.

Theo đại diện TP Móng Cái cho biết, hiện nay việc phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn thành phố còn gặp một số khó khăn như: thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; chính sách thu hút đầu tư chưa đủ mạnh, chưa đủ sức cạnh tranh; hạ tầng kết nối nội vùng chưa hoàn thiện; vai trò dẫn dắt của nhà đầu tư hạ tầng KCN chưa cao; chi phí đầu tư, chi phí nhân công cao làm giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư…

Tìm giải pháp để tạo đột phá

Tỉnh Quảng Ninh hiện đang thực hiện mục tiêu chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” để khai thác các tiềm năng, phát triển bền vững. Trong quá trình chuyển đổi đó, bên cạnh việc tăng tốc phát triển dịch vụ, Quảng Ninh cũng rất chú trọng phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển các ngành mới có giá trị gia tăng cao, công nghiệp phụ trợ, coi đây là một trong các đột phá của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền - Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh cho biết, để sớm hoàn thành các mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết 01-NQ/TU, vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tận dụng tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm triển khai. Hiện, phía Sở Công thương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhằm tận dụng tối đa hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận và tận dụng được các ưu đãi, cơ hội mà các hiệp định thương mại tự do đã mang lại.

Chế biến sản phẩm ruốc hầu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Chế biến sản phẩm ruốc hầu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thủy sản Quảng Ninh (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh)

Theo ông Hoàng Bá Nam – Bí thư Thành ủy Móng Cái cho biết, để nâng cao hiệu quả và phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại TP Móng Cái, TP Móng Cái đề xuất khẩn trương hoàn thành các quy hoạch phân khu chức năng, chuẩn bị quỹ đất sạch để thu hút đầu tư - kêu gọi thu hút đầu tư vào hạ tầng KCN Hải Yên đảm bảo tỷ lệ lấp đầy; kêu gọi đầu tư vào KCN đã được phê duyệt quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng KCN, CCN. Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có tay nghề, lao động kỹ thuật; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, quốc tế, giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý…

Còn theo ông Hoàng Trung Kiên - Trưởng BQL KKT Quảng Ninh cho biết, để tạo động lực thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có tích hợp phương án phát triển hệ thống KKT, KCN; lựa chọn và thúc đẩy phát triển một số KCN, KKT theo hướng chuyên sâu, hiện đại hóa phù hợp với định hướng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến chế tạo của tỉnh Quảng Ninh theo tinh thần Nghị quyết số 01-NQ/TU.

Được biết, tỉnh Quảng Ninh cũng đặt trọng tâm là phát triển và phát huy hiệu quả các KCN nằm trong KKT cửa khẩu Móng Cái, Vân Đồn và KKT ven biển Quảng Yên. Cùng với việc đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh cũng tiếp tục tạo được những đột phá mới.

Đồng thời, địa phương này cũng hết sức tập trung cho việc phát triển nguồn nhân lực với hàng loạt chính sách đặc thù, để tạo đột phá cho việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Đến nay, lực lượng lao động của tỉnh Quảng Ninh là khoảng 700.000 người, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,5%, đứng thứ 3 cả nước. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng ưu tiên dành quỹ đất cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Dự án điện khí LNG Quảng Ninh liệu có đúng hẹn?

    Dự án điện khí LNG Quảng Ninh liệu có đúng hẹn?

    03:57, 30/11/2022

  • TX Đông Triều (Quảng Ninh): Giải bài toán thiếu nguồn cung đất vật liệu san lấp mặt bằng

    TX Đông Triều (Quảng Ninh): Giải bài toán thiếu nguồn cung đất vật liệu san lấp mặt bằng

    00:48, 29/11/2022

  • Quảng Ninh: Tăng cường kiểm tra vi phạm về an toàn lao động

    Quảng Ninh: Tăng cường kiểm tra vi phạm về an toàn lao động

    00:06, 27/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh tạo đột phá từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO