Quảng Nam yêu cầu các địa phương khẩn trương đấu giá mỏ khoáng sản
Trước tình hình nguồn vật liệu xây dựng khan hiếm, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các địa phương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn.
>>Kịch bản cho ngành thép và Hoà Phát năm 2023
Tại kết luận mới nhất, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay từ năm 2014 đến nay, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh thông qua và phê duyệt, phê duyệt bổ sung 715 điểm mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh tại 11 Quyết định. Trong đó, cát, sỏi 253 điểm, đá xây dựng 109 điểm, đất san lấp 238 điểm và sét gạch ngói 115 điểm.
Theo ông Tân, đến nay đã có 125 điểm mỏ vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp phép thăm dò, khai thác. Hiện nay còn 57 giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực và 28 trường hợp đang thực hiện các hồ sơ, thủ tục liên quan để trình cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.
“Thời gian qua, việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh phù hợp quy hoạch đã được phê duyệt; thực hiện hồ sơ, thủ tục cơ bản đảm bảo theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ thi công các công trình, dự án. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn một số tồn tại nhất định như một số đơn vị khai thác chưa đúng công suất thiết kế; khai thác ngoài phạm vi, ranh giới mỏ, quản lý, vận hành trạm cân, hệ thống camera chưa thường xuyên, một số đơn vị chậm thực hiện hoặc không thực hiện đúng quy định về cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác khoáng sản theo hồ sơ môi trường được phê duyệt,…”, ông Trần Văn Tân kết luận.
Hiện nay, nguồn vật liệu phục vụ thi công các công trình, dự án ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang khan hiếm. Đặc biệt là đất san lấp, xây dựng công trình ở các địa phương vùng đồng bằng và cát, đá xây dựng ở các huyện miền núi.
Để đáp ứng kịp thời vật liệu phục vụ thi công xây dựng các công trình xây dựng và nguồn nguyên liệu phục vụ các nhà máy sản xuất gạch tuynel đã đầu tư trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu UBND các huyện, thị xã tập trung thực hiện tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh. Đồng thời, khẩn trương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 37 điểm mỏ khoáng sản.
Theo thông tin, hiện nay, mới có 02 huyện là Thăng Bình, Quế Sơn gửi văn bản đề nghị bổ sung danh mục đầu tư và đấu giá quyền khai thác khoáng sản . Đối với các huyện, thị xã còn lại phải khẩn trương khảo sát, lựa chọn các điểm mỏ vật liệu đã có trong Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản được phê duyệt, có điều kiện khai thác thuận lợi và đảm bảo các yêu cầu về môi trường, cách xa khu vực dân cư, không gây xói lở bờ sông, đất canh tác… có văn bản đề xuất, gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/12/2022.
Đồng thời, UBND các huyện, thị xã tập trung chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức rà soát, đề xuất loại bỏ các điểm mỏ không còn phù hợp, các điểm mỏ đã khai thác xong và đề xuất bổ sung các điểm mỏ khoáng sản mới phù hợp vào Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2030 (không phải chờ có dự án đầu tư mới xác định nhu cầu nguyên, vật liệu để đề xuất bổ sung).
Ông Trần Văn Tân cũng nhấn mạnh, trong quá trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung các điểm mỏ vật liệu trên địa bàn mình quản lý, trường hợp có ảnh hưởng đến Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng trên địa bàn tỉnh (quy hoạch 03 loại rừng), cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng, các địa phương tổng hợp, có văn bản đề xuất gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh quy hoạch rừng, làm cơ sở triển khai thực hiện và cập nhật vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ 2021-2030 theo quy định.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Nam giao Sở Xây dựng theo dõi, đôn đốc các địa phương thực hiện, báo cáo đúng thời gian yêu cầu để kịp rà soát, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, làm cơ sở cập nhật, triển khai lập Đề án phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.
“Các địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu chậm trễ hoặc không có văn bản đề xuất bổ sung quy hoạch, bổ sung danh mục dự án đề nghị đấu giá quyền khai thác đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, để xảy ra thiếu hụt nguồn vật liệu phục vụ thi công, làm đội giá xây dựng các công trình, dự án do mình quản lý”, ông Trần Văn Tân kết luận.
Ngoài ra, các Ban Quản lý dự án đầu tư của tỉnh và các địa phương phải chủ động phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã khảo sát, xác định các khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đảm bảo yêu cầu về chất lượng, có điều kiện khai thác thuận lợi và đảm bảo các điều kiện về môi trường, cách xa khu dân cư…
Có thể bạn quan tâm