Quảng Ninh: Thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu

HẢI NGÂN 29/12/2022 00:23

Để phát huy lợi thế của 3 KKT cửa khẩu, Quảng Ninh hiện đang tập trung đầu tư hạ tầng, nâng cao hiệu quả đầu tư công và xây dựng những kịch bản phát triển mang tính lâu dài.

>>>Quảng Ninh: Tạo khác biệt để thu hút đầu tư FDI

>>>Tại sao Quảng Ninh “thất thu” vốn FDI 2022?

Dồn lực cho khu vực cửa khẩu…

Ông Hoàng Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh hiện có 3 KKT cửa khẩu nằm trong Quy hoạch phát triển được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã có quyết định thành lập với tổng diện tích trên 144.75ha bao gồm: KKT cửa khẩu Móng Cái gắn với cửa khẩu Móng Cái với diện tích 121.197ha; KKT cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn với tổng diện tích 14.236ha; KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh với tổng diện tích là 9.302ha.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào hoạt động đã mở ra cơ hội phát triển mới cho TP Móng Cái

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được đưa vào hoạt động đã mở ra cơ hội phát triển mới cho TP Móng Cái

Thời điểm trước năm 2010, kết cấu hạ tầng của Quảng Ninh chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các thành phần kinh tế, các tổ chức, doanh nghiệp lớn, đủ mạnh trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển tại các khu vực cửa khẩu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng, nội vùng.

Mới đây, khi tuyến đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được khánh thành và đưa vào hoạt động đã giúp hoàn chỉnh tuyến cao tốc gần 600km, kéo dài từ cửa khẩu Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long tới Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho các khu vực có tuyến cao tốc chạy qua.

Hoạt động XNK hàng hóa qua cầu Bắc Luân II (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Hoạt động XNK hàng hóa qua cầu Bắc Luân II (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Cùng với tuyến cao tốc, nhiều dự án trọng điểm tạo động lực phát triển cho các KKT cửa khẩu khác cũng đã được Quảng Ninh đầu tư, nâng cấp như: Dự án Tuyến đường dẫn vào cầu Bắc Luân 2; Dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 341 từ KKT cửa khẩu Móng Cái đến KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh - giai đoạn I (đang triển khai giai đoạn II); xây dựng cầu thay thế ngầm tràn tại cửa khẩu Hoành Mô, cửa khẩu Bắc Phong Sinh; khởi công xây dựng cảng Vạn Ninh; tuyến đường trục chính số 2 nối KCN Texhong với trung tâm thị trấn Quảng Hà cùng Tuyến đường trục chính thứ hai KCN cảng biển Hải Hà cũng đang được triển khai.

Theo đại diện công ty CP XNK Quảng Ninh cho biết, việc Quảng Ninh đầu tư, phát triển hạ tầng, nâng cao hiệu quả đầu tư công đối với nhiều dự án, công trình ở các KKT cửa khẩu đã, đang mở ra không gian, dư địa phát triển mới mang tính đột phá, tạo nên hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với các KCN, KKT trọng điểm trên địa bàn. Đồng thời, tạo thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa, hành khách trong và ngoài KKT, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc.

>>>Hải quan Quảng Ninh: Tiên phong đồng hành cùng doanh nghiệp

Tận dụng ưu thế là trung tâm kinh tế thương mại cửa khẩu, công nghiệp và cảng biển, logistics, nhiều nhà đầu tư đã đến đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật tại khu vực cửa khẩu như: Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ thương mại Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II, gắn với khu thương mại dịch vụ tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái; Dự án Tổ hợp công nghiệp, dịch vụ và logistics phía Nam sông Lục Lầm, phường Hải Hòa…

Theo đại diện Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu quốc tế Tân Đại Dương, doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng của giai đoạn I của Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật dịch vụ thương mại Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II, gắn với khu thương mại dịch vụ tại phường Hải Hòa, TP Móng Cái, với các hạng mục như: Khu cách ly, kiểm dịch, xử lý y tế; Khu vực kiểm tra, giám sát đối với phương tiện xuất nhập cảnh; Khu vực kho giữ hàng; Bãi đỗ xe cá nhân cho khách vào làm thủ tục xuất nhập cảnh... Giai đoạn II của dự án sẽ đầu tư các công trình hạ tầng dịch vụ, thương mại theo phương thức PPP. Đây là dự án đón đầu định hướng thành lập Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) của tỉnh Quảng Ninh và dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2026.

Để trở thành vùng kinh tế động lực

Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Thương mại biên giới phát triển sẽ kéo theo các lĩnh vực khác như khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi, du lịch, những hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa, các dịch vụ phụ trợ... phát triển. Đời sống của người dân khu vực biên giới từ đó cũng được nâng cao.

Để khai thác lợi thế, tiềm năng, phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới, Quảng Ninh đã chú trọng xây dựng những kịch bản phát triển mang tính lâu dài; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng. Từ đó, đưa khu vực kinh tế cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh và cả nước.

Hoạt động giao thương tại khu vực TP Móng Cái

Hoạt động giao thương tại khu vực TP Móng Cái

Theo ông Hoàng Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh sẽ chủ động làm việc và đàm phán với phía Trung Quốc nhằm đạt được các thỏa thuận mang tính lâu dài, ổn định để hoạt động giao thương qua KKT cửa khẩu Móng Cái thông suốt, thuận lợi trong thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục đổi mới và hiện đại hóa các thủ tục, quy trình liên quan đến thông quan, xuất nhập cảnh, XNK hàng hóa tại cửa khẩu đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện.

Còn theo đại diện UBND TP Móng Cái, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hạ tầng kết nối với cao tốc như hạ tầng càng biển, hệ thống đường giao thông, hệ thống hạ tầng đô thị để phục vụ mục tiêu đến năm 2030, Móng Cái sẽ là đô thị loại I.

Được biết, để tiếp tục khẳng định vai trò “cầu nối”, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động đầu tư và XNK qua địa bàn, tỉnh Quảng Ninh sẽ luôn đồng hành, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Đồng thời, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nghiên cứu, định hướng và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước tìm kiếm cơ hội xuất nhập khẩu hàng hóa, sản phẩm qua các cửa khẩu của tỉnh.

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt 2.783 triệu USD, tăng 8,58% cùng kỳ, đạt 103% kịch bản tăng trưởng; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3.035 triệu USD, tăng 9,6% cùng kỳ. Hoạt động dịch vụ vận tải kho bãi tăng 15,55%, cao hơn 12,9 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 6,2% trong GRDP, đóng góp 1,08 điểm trong tốc độ tăng GRDP.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Tạo khác biệt để thu hút đầu tư FDI

    Quảng Ninh: Tạo khác biệt để thu hút đầu tư FDI

    01:01, 28/12/2022

  • Quảng Ninh: Gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch

    Quảng Ninh: Gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch

    03:00, 26/12/2022

  • Quảng Ninh: Nỗ lực bảo vệ môi trường biển

    Quảng Ninh: Nỗ lực bảo vệ môi trường biển

    00:06, 25/12/2022

HẢI NGÂN