Thúc đẩy phát triển công nghiệp miền Trung
Những vấn đề căn bản phát triển công nghiệp miền Trung đã được minh định làm gì, làm như thế nào… trong cuộc hội thảo ngày 17/12 tại Quảng Nam.
>>Kinh tế miền Trung: Ngành công nghiệp tỷ đô trên đỉnh Ngọc Linh
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, việc liên kết phát triển công nghiệp miền Trung là vấn đề đã được đặt ra từ lâu và đã triển khai thực hiện quyết liệt nhưng thực tế hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng. Các nguyên nhân khách quan, chủ quan cũng đã được phân tích, mổ xẻ.
Vướng mắc ở đâu?
Ông Nguyễn Đức Huy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, đối với các tỉnh trong khu vực, việc tăng cường các mối quan hệ hợp tác liên tỉnh, đầu tư trọng điểm vào các vùng, xây dựng cơ chế liên kết phát triển công nghiệp giữa các tỉnh trong vùng có ý nghĩa quan trọng. Đây là vấn đề quan trọng cần nhanh chóng tháo gỡ, xóa ranh giới hành chính trong phát triển công nghiệp.
Đặt trên bàn hội thảo những vấn đề cần bàn và cần lời nói thật, ông Thanh đã chỉ ra vấn đề hiệu quả liên liên ở khu vực miền Trung nói chung, về phát triển công nghiệp nói riêng vẫn chưa đạt được mong muốn. Việc thúc đẩy phát triển du lịch, công nghiệp, đô thị, dịch vụ, nông nghiệp ở khu vực miền Trung để tạo sức bật mới cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn còn là lý thuyết.
Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp lớn đều chung nhận định rằng, nền tảng công nghiệp phụ trợ tại miền Trung hiện vẫn còn quá yếu để đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt trong các ngành có hàm lượng công nghệ cao. Tính liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương trong vùng chưa kết nối, liên kết thực chất, chưa tạo được hệ thống cung ứng đủ mạnh.
Việc thiếu hụt chuỗi cung ứng làm giảm lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Các nhà máy sản xuất bảng mạch, thiết bị điện tử tại miền Trung đều phụ thuộc nặng nề vào chuỗi cung ứng ở các trung tâm công nghiệp hai đầu Bắc - Nam hoặc nước ngoài.
Chủ tịch Hội đồng quản trị THACO Trần Bá Dương phân tích: miền Trung đã liên kết phát triển trên lĩnh vực du lịch với chuỗi thương hiệu, con đường di sản miền Trung. Tuy nhiên, việc liên kết phát triển công nghiệp trong nội vùng, giữa miền Trung khu vực trọng điểm phía Bắc, phía Nam, giữa các khu cụm công nghiệp chưa được kết nối, mạnh ai nấy làm. Việc xây dựng nền công nghiệp tự chủ là khát vọng, mong muốn của đất nước ta từ nhiều năm trước.
“Tính tự chủ của một ngành công nghiệp chính là việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí. Để phát triển được ngành công nghiệp xương sống này đòi hỏi sự bền bỉ, chịu khó, quyết tâm, làm từng bước chứ không thể nhảy từ tầng 1 lên tầng 10. Không thể nôn nóng vội vã. Điều cần thiết đó là cơ chế chính sách, là sự quyết tâm, là khát vọng của mỗi chúng ta”, ông Dương nhấn mạnh.
>>Miền Trung: Tập trung thu hút đầu tư logictics để phát triển kinh tế
Đi tìm lời giải
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, mặc dù nền công nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, nhưng sản phẩm công nghiệp miền Trung đã có mặt trên bản đồ công nghiệp thế giới khi hàng loạt sản phẩm mang thương hiệu “Made in Vietnam”, mỗi năm mang về cho đất nước hàng tỷ USD.
Điều đáng mừng là nhiều doanh nghiệp "đầu đàn" khi đầu tư vào miền Trung đã thúc đẩy hàng loạt doanh nghiệp nhỏ cùng phát triển. Ví dụ, sự đóng góp lớn từ công nghiệp cơ khí ô tô, những năm vừa qua giúp bộ mặt kinh tế của tỉnh Quảng Nam có nhiều đổi thay, kéo theo sự phát triển kinh tế của những vùng lân cận.
Ông Đặng Bá Dự, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Nam hiến kế, từ thực tế phát triển công nghiệp và đặc biệt khi đại dịch xảy ra vừa qua, đã giúp nhìn nhận rõ vai trò của chuỗi cung ứng và sự liên kết phát triển theo cụm ngành công nghiệp. Đây là vấn đề không mới bởi vai trò của chuỗi liên kết, cụm liên kết ngành công nghiệp là bài toán không chỉ các doanh nghiệp, mà các cơ quan quản lý nhà nước đang tìm lời giải nhất là cơ chế chính sách tạo điều kiện để công nghiệp phát triển như kỳ vọng.
Do vậy việc hình thành hệ sinh thái phát triển công nghiệp phụ trợ không những có ý nghĩa đối với các doanh nghiệp mà còn liên quan mật thiết đến sự phát triển kinh tế bền vững của cả vùng. Ngay ngành công nghiệp ô tô nước ta có khoảng 20 doanh nghiệp lắp ráp lớn, chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Đây là con số đáng báo động nếu nhìn sang Thái Lan với 16 doanh nghiệp lắp ráp ô tô lớn đã có tới gần 700 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3.
Ngay việc hình thành THACO Industries tại Tổ hợp cơ khí ô tô Trường Hải Chu Lai bước đầu hình thành hệ sinh thái để tăng cường kết nối ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ bứt phá, nâng cao sức cạnh tranh, tạo nên mạng lưới liên kết ngành - liên kết vùng, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện Sở Công Thương Quảng Nam xây dựng đề án thí điểm cơ chế khuyến khích hợp tác liên kết sản xuất theo cụm ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí tại Khu kinh tế mở Chu Lai.
Có thể bạn quan tâm