Tiền Giang: Lấy doanh nghiệp làm “thước đo” điều hành
Những nỗ lực bền bỉ của địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư- kinh doanh đã được minh chứng cụ thể qua con số thu hút đầu tư và doanh nghiệp thành lập mới.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND Tỉnh Tiền Giangvới Diễn đàn Doanh nghiệp.
>>Bộ chỉ số DDCI Tiền Giang: Đòn bẩy giúp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Theo ông Nguyễn Văn Vĩnh: Năm 2022, GRDP của Tiền Giang ước tăng 7,02% so với năm 2021. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2022 ước thực hiện 3,85 tỷ USD, tăng 23,9% so với kế hoạch.
- Năm 2021, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Tỉnh Tiền Giang tăng 12 bậc so với năm 2020, vươn lên đứng thứ 33/63 trong bảng xếp hạng, kết quả này đã tác động như thế nào đến hoạt động thu hút đầu tư của địa phương thưa ông?
Đây là nỗ lực bền bỉ của Tiền Giang trong cải thiện môi trường đầu tư- kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh những năm gần đây. Qua đó, tạo được dư địa phát triển lớn hơn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Minh chứng, 2022 là năm có số lượng doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn tỉnh lớn nhất từ trước tới nay, với khoảng 920 doanh nghiệp có tổng vốn đăng ký là 6.810 tỷ đồng. Ước đến cuối năm 2022, tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn là 6.100 doanh nghiệp.
Về thu hút đầu tư, ước thực hiện cả năm 2022, Tỉnh thu hút được 17 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.214,41 tỷ đồng, số dự án tăng 70%, vốn đầu tư tăng 92% so với năm 2021.
Đây chính là động lực để Tiền Giang nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh thông qua việc triển khai Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) Tỉnh Tiền Giang năm 2022. Trên cơ sở kết quả công bố Bộ chỉ số DDCI năm 2022, tỉnh sẽ nghiêm túc rà soát những điểm nghẽn, khâu yếu gắn với xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức.
- Xin ông cho biết một số mục tiêu cụ thể của Tiền Giang trong phát triển kinh tế năm 2023?
Kết quả của năm 2022, năm 2023 có tính chất nền tảng, tạo đà cho các năm 2024 - 2025, có thể xem là năm bản lề quyết định việc thực hiện mục tiêu của cả nhiệm kỳ.
Chính vì vậy, Tiền Giang tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế theo hướng nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của tỉnh về phát triển nông sản chủ lực, thu hút phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại, dịch vụ gắn với cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 7,0 - 7,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,9 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 45.850 - 46.700 tỷ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 10.288 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh đạt 830 doanh nghiệp.
- Vậy đâu là nhiệm vụ trọng tâm Tỉnh ưu tiên thực hiện thưa ông?
Trước mắt Tiền Giang khẩn trương hoàn thành trình Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh sẽ chủ động lên kế hoạch triển khai thực hiện ngay sau khi được phê duyệt, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong định hướng phát triển để làm căn cứ lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm cho giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, Tỉnh đổi mới công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư, trước mắt phải sớm hoàn thành Quy trình xúc tiến, mời gọi đầu tư theo hướng tích hợp toàn bộ thủ tục, tạo thuận lợi ngay từ lúc nhà đầu tư đến Tỉnh tìm hiểu, đến thời điểm hoàn thành toàn bộ thủ tục và khởi công dự án; chuẩn bị tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư năm 2023...
Tiền Giang cũng sẽ tiếp tục giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực, xây dựng kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Bên cạnh đó, Tỉnh tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính; nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) và nâng cao chỉ số CCHC trên địa bàn Tỉnh giai đoạn 2021-2025; Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch nâng cao PAR Index, PAPI, PCI của Tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm