Quảng Ninh: Tăng cường khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do
Thời gian qua, Quảng Ninh đã khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do. Do đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh vào các thị trường khó tính tiếp tục được gia tăng.
>>>Quảng Ninh: Cảng biển khởi sắc những ngày đầu xuân 2023
Động lực cho xuất khẩu hàng hóa
Theo ông Bùi Quang Sáng – TGĐ Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Quảng Ninh: Với cam kết giảm thuế sâu rất nhiều mặt hàng, trong đó có những mặt hàng giảm về 0%, năm 2021, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đóng góp rất tích cực cho thành công chung của hoạt động xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA ngày càng sâu rộng, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung, chính sách về các FTA là vô cùng quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, người dân kịp thời nắm bắt và vận dụng linh hoạt, hiệu quả.
Theo đó, các sở, ngành, địa phương luôn coi trọng và quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến các nội dung chính sách của các FTA thế hệ mới cho cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là về các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia ký kết như: Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU), Hiệp định UKVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương Quốc Anh) và Hiệp định RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và các đối tác)...
Nhờ việc nắm bắt kịp thời các cơ chế, chính sách liên quan đến việc thực thi các FTA đã có hiệu lực mà kim ngạch XNK của các doanh nghiệp trong tỉnh sang Vương Quốc Anh đang được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định UKVFTA mang lại đạt khoảng 23 triệu USD; kim ngạch XNK sang các nước trong khối RCEP là trên 1,2 tỷ USD. Tận dụng ưu đãi về thuế quan của các FTA mà Việt Nam tham gia, hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại Phòng Quản lý XNK khu vực Quảng Ninh đã có sự gia tăng mạnh mẽ.
Cùng với công tác tuyên truyền, công tác xúc tiến đầu tư được tỉnh tập trung triển khai với các đối tác từ các nước tham gia FTA với nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo. Cụ thể như tổ chức buổi làm việc trực tuyến với các đoàn đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh trên địa bàn, điển hình là Đoàn Tổng thống Hy Lạp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hàn Quốc tại Việt Nam, đoàn khảo sát Trung tâm Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương, đoàn văn phòng xúc tiến đầu tư Thái Lan...; tham dự các hội nghị, hội thảo trực tuyến về công tác xúc tiến đầu tư.
Đặc biệt, UBND tỉnh cũng đã đẩy mạnh việc tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư để các nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận rõ hơn về những thế mạnh và tiềm năng của tỉnh như: Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Hàn Quốc với chủ đề “Quảng Ninh - Điểm đến đầu tư”; Hội nghị xúc tiến đầu tư vào các KCN, KKT ven biển Quảng Yên. Trong những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, gây gián đoạn các hoạt động, tỉnh vẫn duy trì các hội nghị xúc tiến theo hình thức trực tuyến với các doanh nghiệp Nhật Bản và Đài Loan.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Tổng Giám đốc Công ty CP Đô thị Amata Hạ Long (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên) cho biết: Hiện Amata Hạ Long đã có 3 dự án đầu tư thứ cấp vào KCN, tổng diện tích gần 100ha và đang tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư đa quốc gia. Chúng tôi đang nỗ lực chuẩn bị quỹ đất sẵn sàng để cung cấp cho nhà đầu tư ngay trong giai đoạn đầu năm 2023. Để có được sự quan tâm, đón nhận của các nhà đầu tư, không thể không nói đến sự đồng hành, chung tay của tỉnh Quảng Ninh trong việc cải thiện môi trường xúc tiến đầu tư. Chính những điều này đã giúp Amata nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung có những sự khác biệt nổi trội so với các địa phương khác trong cả nước.
Nắm bắt cơ hội...
Theo lãnh đạo Sở Công thương: Với vai trò tham mưu, ngành Công thương Quảng Ninh đã bám sát các chỉ đạo của Bộ Công Thương và tỉnh để chủ động đề xuất, ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn triển khai tại địa phương. Trong đó, tổ chức các hội nghị phổ biến về Hiệp định, nhằm giúp các cơ quan nhà nước hiểu đúng về các quy định của Hiệp định, tầm quan trọng và sự tác động của Hiệp định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cũng nhờ những chính sách hợp lý, hiện nay thị trường xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Quảng Ninh đã mở rộng được ra hơn 70 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trong đó, tập trung ở thị trường các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN, các nước Trung Đông, các nước trong liên minh kinh tế Á - Âu… Một số mặt hàng tiêu biểu của tỉnh xuất khẩu, như: Nến thơm sang Canada; gạch sang thị trường Úc, New Zealand; hàng may mặc sang thị trường Nhật Bản, Ấn Độ, EU; vật liệu xây dựng clinker, xi măng, cao lanh sang thị trường Indonesia...
Theo ông Csaba Bundik - Phó chủ tịch Phòng Thương mại Trung và Đông Âu, tỉnh Quảng Ninh đang được nhiều nhà đầu tư của châu Âu biết đến nhờ những lợi thế liên quan đến logistics, vị trí địa lý.
Thống kê của Sở Công Thương Quảng Ninh cho thấy, hiện kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ninh sang các nước trong khối CPTPP đang được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định mang lại ước đạt 6,17 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu đạt 2,35 tỷ USD, nhập khẩu đạt 3,82 tỷ USD.
Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ninh sang các nước trong khối EVFTA đang được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định mang lại ước đạt 305 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 105 triệu USD, nhập khẩu đạt 200 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ninh sang UKVFTA đang được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định mang lại ước đạt 23 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 18 triệu USD, nhập khẩu đạt 5 triệu USD.
Theo lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế: Từ sự chủ động và linh hoạt trong cách thức triển khai, nắm bắt cơ hội, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 153 dự án FDI được thực hiện bởi các nhà đầu tư đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với tổng số vốn đầu tư đạt trên 10,32 tỷ USD. Trong đó, có 91 dự án tại địa bàn các KCN, KKT với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 4,36 tỷ USD (bao gồm cả dự án đầu tư hạ tầng KCN); 62 dự án ngoài KCN, KKT với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 5,97 tỷ USD.
Hiện tại có 38 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ các nước là thành viên của các Hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA với tổng vốn đăng ký các dự án trên 2,7 tỷ USD. Trong đó các dự án đầu tư đến từ Anh, Singapore, Nhật Bản chiếm phần lớn với gần 30 dự án.
Với những dấu ấn trên, trong thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục triển khai, thực hiện các kế hoạch về các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là đối với các Hiệp định mới, nhiều tiềm năng như: Hiệp định CPTTP, Hiệp định RCEP.
Đồng thời, tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến về các FTA đã ký kết để các doanh nghiệp nắm vững các quy định đối với từng lĩnh vực hàng hóa cụ thể và cơ chế chính sách liên quan đến việc thực thi các FTA đã có hiệu lực mà Việt Nam đang là thành viên; hỗ trợ xuất khẩu tìm hiểu thông tin XNK liên quan đến các đối tác FTA với Việt Nam và các thị trường tiềm năng, giúp doanh nghiệp thay đổi phương thức cung ứng hàng hóa, phù hợp với yêu cầu của chuỗi cung ứng thị trường trong thời kỳ mới; kịp thời xử lý và kiến nghị các vấn đề phát sinh trong hoạt động thương mại biên giới; hướng dẫn các doanh nghiệp XK hưởng ưu đãi thuế quan của các FTA đã có hiệu lực mà Việt Nam là thành viên vào thị trường Trung Quốc, thị trường các nước ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc-Newzeland, Chile, Lào và thị trường các nước trong liên minh kinh tế Á-Âu.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, tỉnh mong muốn các Hiệp định Thương mại tự do sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong tỉnh, đồng thời, mở rộng thị trường, thu hút nhà đầu tư của các nước trên thế giới đến nghiên cứu, hợp tác đầu tư với công nghệ tiên tiến, hiện đại, trở thành động lực thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch bền vững.
Có thể bạn quan tâm