Nghệ An nỗ lực tạo cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ
Thời gian tới, Nghệ An sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính theo tinh thần “chính quyền phục vụ, đồng hành với người dân, doanh nghiệp” và chủ động tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp.
Theo đó, thay vì chỉ ra những khó khăn, trong thu hút đầu tư, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng cần phải tập trung giải quyết các vướng mắc liên quan, xác định trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị liên quan.
Mở rộng dư địa thu hút đầu tư vốn FDI
Năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào Top 10 địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 30/11/2022 là 939,45 triệu USD.
Tính đến đầu tháng 10/2022, tỉnh Nghệ An đã thu hút 108 dự án FDI thuộc 14 quốc gia, vùng lãnh thổ, chủ yếu thuộc khu vực Đông Bắc Á và ASEAN với tổng số vốn đăng ký hơn 2,2 tỷ USD. Các dự án công nghiệp tầm cỡ nhằm tăng năng lực sản xuất mới như: Nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử Goerteck 1-2 (điều chỉnh tăng 400 triệu USD); Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Luxshare – ICT 2 (150 triệu USD); Nhà máy Khoa học kỹ thuật Kim loại Tân Việt (125 triệu USD) cùng với các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Everwin Precision Việt Nam, nhà máy sản xuất linh kiện sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô JuTeng, khánh thành Nhà máy may Nakano Nhật Bản…cũng đã được Nghệ An thu hút, triển khai xây dựng và đi vào hoạt động trên địa bàn.
>>Dự án FDI mới vào Việt Nam tiếp tục tăng
Đáng quan tâm, các nhà đầu tư FDI vào Nghệ An đang có xu hướng tăng nhanh trong thời gian gần đây và có quy mô ngày mở rộng. Đây là tín hiệu đáng mừng để Nghệ An tạo đà cho việc sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Cũng trong năm 2022, Nghệ An có tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 93.438 tỷ đồng, tăng 12,47% so với năm 2021.
Để có được những thành tựu nói trên, trong năm 2022, Nghệ An đã xác định mục tiêu đẩy mạnh cải cách hành chính theo tinh thần “chính quyền phục vụ, đồng hành với người dân, doanh nghiệp”.
Ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cho biết, để tạo bước chuyển mình trong thu hút đầu tư, thời gian tới, đơn vị sẽ tích cức tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bên cạnh đó sẽ cùng với tập thể đơn vị cam kết nỗ lực cố gắng, tham mưu kịp thời cho tỉnh các giải pháp, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp vào đầu tư một cách hiệu quả nhất.
Cụ thể, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Nghệ An luôn chỉ đạo sát sao các ngành, địa phương tích cực đồng hành với các nhà đầu tư để tập trung hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cho các dự án đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng (như các KCN VSIP, WHA, Hoàng Mai I, Thọ Lộc, Hoàng Mai II) và các công trình trọng điểm thu hút đầu tư của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện như dự án Cảng biển nước sâu Cửa Lò và nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh.
>>Quảng Ninh: Xây dựng chiến lược thu hút vốn FDI đến năm 2025 đạt trên 5 tỷ USD
Cũng trong năm 2022, nhiều phần việc đã được cụ thể hoá từ đề án cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 và đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025. Theo đánh giá, cả 2 đề án nói trên nếu đạt hiệu quả cao khi áp dụng vào thực tiễn sẽ tạo nên dấu ấn nối bật cho Nghệ An trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng dư địa thu hút đầu tư từ nguồn vốn FDI.
Phải là “địa linh nhân kiệt của toàn hệ thống”
Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Nghệ An đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên các mặt. Quy mô nền kinh tế hiện đứng thứ 12 cả nước, đóng góp 12,43% quy mô kinh tế Vùng và 1,85% cả nước.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TW đặt ra cho Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2015, cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020 vẫn chưa đạt được.
Trước những khó khăn, thách thức của Nghệ An đang gặp phải, ông Trương Đình Tuyển - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, địa phương phải biến địa linh nhân kiệt thành “địa linh nhân kiệt của toàn hệ thống", nâng cao hiệu quả đầu tư công... Phát huy cao hơn nữa, văn hóa, tính cách con người Nghệ An trong thời gian tới.
>>Đà Nẵng thu hút doanh nghiệp FDI thông qua các dự án lớn
Ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh, yêu cầu của Nghệ An hiện nay phải đặt trong bối cảnh trong nước và quốc tế, phải thể hiện được khát vọng mới phát triển của tỉnh. Nghĩa là, Nghệ An phải phát huy tối đa vị thế địa kinh tế, địa chính trị, văn hoá – xã hội để từng bước vươn lên trở thành cực tăng trưởng của cả vùng Bắc Trung Bộ.
Để thực hiện tốt mục tiêu quan trọng trong năm 2023, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong điều hành, Nghệ An sẽ chủ động xây dựng kịch bản, phân công việc theo dõi để thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, tỉnh sẽ tập trung cho 5 nhiệm vụ trọng tâm, nội dung lớn, quan trọng gồm:
Rà soát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để thực hiện tốt hơn; phối hợp thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An; trên cơ sở đó trình ban hành Nghị quyết mới. Trên góc độ của UBND tỉnh sẽ cụ thể hóa trong việc tham mưu ban hành thêm cơ chế, đặc thù cho tỉnh phát triển;
Sau khi được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh sẽ tổ chức công bố và triển khai thực hiện quy hoạch có hiệu quả; tiếp tục triển khai thực hiện 2 dự án hạ tầng chiến lược là Cảng biển nước sâu Cửa Lò và nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh; tập trung triển khai xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền thông qua Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh; Đề án điều chỉnh mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam để tỉnh có thêm dư địa thu hút đầu tư, thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh.
Người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết, năm 2023 địa phương sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính theo tinh thần “chính quyền phục vụ, đồng hành với người dân, doanh nghiệp”, tháo gỡ, giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra. Nghĩa là, thay vào việc chỉ ra những vấn đề khó khăn, chưa đúng mà không giải quyết được thì Nghệ An sẽ giao trách nhiệm cho từng cá nhân, tập thể liên quan tập trung vào cuộc trực tiếp xử lý.
Có thể bạn quan tâm