Hải Dương: Xây dựng các chính sách đổi mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư
Hải Dương đang xây dựng các chính sách, chương trình xúc tiến riêng, đáp ứng tối đa yêu cầu của các nhà đầu tư nhằm thu hút những dự án thực sự có chất lượng và hiệu quả cao.
>>>Hải Dương: Hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động ngành dệt may
>>>Hải Dương: Doanh nghiệp cần tăng cường liên kết ứng dụng công nghệ cao
Thu hút những dự án chất lượng
Hải Dương là tỉnh nằm trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, trong không gian phát triển vùng Thủ đô Hà Nội. Trong những năm qua, nguồn vốn FDI chính là một trong những nguồn ngoại lực quan trọng giúp Hải Dương phát triển và tạo ra những giá trị khác biệt.
Để trở thành điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư, Hải Dương đã nỗ lực đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư; công khai và minh bạch các thông tin như hạ tầng, thời gian hoàn thiện các thủ tục hành chính trên cơ sở công nghệ số nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, năm 2022, kết quả thu hút đầu tư FDI của tỉnh đạt 363,5 triệu USD, tăng 13,8%; vốn đầu tư tăng thêm của các dự án tăng 52,4% so với năm 2021. Trong đó, có 17 dự án được cấp mới với tổng vốn đăng ký 59,5 triệu USD; 31 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm 299,5 triệu USD. Một số dự án tăng vốn khá như: Dự án Nhôm định hình của Công ty TNHH LMS Vina, dự án Sản xuất máy may Fegasus; dự án của Công ty TNHH Hyundai Kefico…
Đơn cử như công ty TNHH LMS Vina (Hàn Quốc) có dự án đăng ký điều chỉnh vốn tiêu biểu của tỉnh. Sau 3 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư dự án của LMS Vina đến nay đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Năm 2022, doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư thêm 240 tỷ đồng để xây dựng 1 xưởng sản xuất với quy mô 30.000 tấn sản phẩm/năm.
Hiện, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 496 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn 9,246 tỷ USD, đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lũy kế tổng vốn đầu tư thực hiện của các doanh nghiệp FDI đạt trên 7,7 tỷ USD. Các dự án FDI thu hút trên 200.000 lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp.
Đặc biệt, trong tháng 1/2023, tỉnh Hải Dương đã thu hút được 5 dự án có vốn đầu tư FDI với tổng số vốn là 15,8 triệu USD và 3 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 5,6 triệu USD.
>>>Hải Dương: Cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo ông Takeo Nakajima - Trưởng đại diện Jetro Hà Nội, Hải Dương là một tỉnh rất cân đối và toàn diện về cơ sở sản xuất, cơ sở phân phối và địa bàn tiêu thụ. Ngoài ra, Hải Dương còn có các KCN phong phú. Nhiều công ty Nhật Bản đã vào KCN Phúc Điền, KCN Tân Trường từ khoảng năm 2005; tạo ra lượng việc làm lớn cho hàng chục nghìn người và đóng góp vào xuất khẩu.
Cũng theo ông Takeo Nakajima, Hải Dương hiện nay đã khác so với 15 năm trước, và việc thu hút sản xuất thu hút sản xuất chi phí thấp vào ngành công nghiệp chế tạo cuối cùng sẽ dần đi đến bước ngoặt. Tỉnh Hải Dương sẽ cần thu hút các ngành công nghiệp thế hệ mới có giá trị gia tăng cao, năng suất cao và tạo ra giá trị với nguồn lực lao động ít hơn. Đồng thời cần phải có cơ chế, chính sách để phát triển hơn nữa giữa các KCN, phát triển và cung cấp nguồn nhân lực…
Còn theo ông Kim Sung Soo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hyundai Kefico Việt Nam, phía doanh nghiệp tin rằng, với những chính sách ưu đãi cùng điều kiện thuận lợi từ phía chính quyền địa phương trong các thủ tục đầu tư và trong quá trình vận hành, tỉnh Hải Dương sẽ luôn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư FDI Hàn Quốc và các nước trên thế giới. Hy vọng trong tương lai, Hải Dương sẽ có những chính sách hấp dẫn hơn nữa nhằm thu hút các dự án chiến lược đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
Đổi mới chương trình xúc tiến
Năm 2023, Hải Dương phấn đấu thu hút đầu tư FDI ước đạt 400 triệu USD; vốn đầu tư thực hiện từ 750 triệu USD trở lên; doanh thu ước đạt 7 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Hải Dương sẽ tăng cường hiệu quả và đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư. Trong đó, chú trọng các ngành, dự án có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường và có tính lan tỏa cao; xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu và thực tế của tỉnh, tập trung xúc tiến đầu tư các đối tác chiến lược. Từ đó, xây dựng các chính sách, chương trình xúc tiến riêng, đáp ứng tối đa yêu cầu của các nhà đầu tư nhằm thu hút những dự án thực sự có chất lượng và hiệu quả cao.
Được biết, tỉnh Hải Dương đang huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hạ tầng các KCN: Đại An mở rộng (giai đoạn 2), Tân Trường mở rộng, Phúc Điền mở rộng, An Phát 1, Kim Thành, Gia Lộc và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư. Đồng thời, tăng cường tổ chức xúc tiến đầu tư trực tiếp và trực tuyến với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, các nước châu Âu.
Hải Dương cũng sẽ rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính như: công bố công khai các quy hoạch, kế hoạch, các cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tỉnh còn xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn.
Theo ông Triệu Thế Hùng, tỉnh Hải Dương sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để xây dựng các tiêu chí ưu tiên thu hút các dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Đặc biệt, Hải Dương xác định tập trung thực hiện quy hoạch vùng công nghiệp động lực, phát triển các KCN chuyên biệt công nghệ cao, dịch vụ và sinh thái, tạo thành vùng công nghiệp trọng điểm đồng bằng sông Hồng để thu hút các dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Có thể bạn quan tâm