Quảng Ninh: Giải pháp nào để hút 1 tỷ USD FDI năm 2023?

LÊ CƯỜNG 10/02/2023 10:55

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tỉnh Quảng Ninh năm 2022 chỉ đạt hơn 622 triệu USD, bằng 49% kế hoạch năm và đã không đạt kết quả như mong muốn.

>>Quảng Ninh: Xây dựng chiến lược thu hút vốn FDI đến năm 2025 đạt trên 5 tỷ USD

Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút 1 tỷ USD FDI. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng quá lớn của dịch bệnh cho kinh tế thế giới trong 2 năm qua, và con số không đạt trong thu hút FDI 2022, liệu Quảng Ninh có thể hoàn thành mục tiêu?

Nguyên nhân khách quan

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 153 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 10,33 tỷ USD của các nhà đầu tư tới từ 19 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, đứng đầu với số dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) 80 dự án, tiếp đến là Hàn Quốc có 12 dự án và Mỹ có 5 dự án.

Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, văn hóa, xã hội, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp, thương mại dịch vụ.

Nhiều diễn biến bất thường trên thế giới khiến nguồn FDI của Quảng Ninh không đạt trong năm 2022. Ảnh Lê cường

Nhiều diễn biến bất thường trên thế giới khiến nguồn FDI của Quảng Ninh không đạt trong năm 2022. Ảnh Lê Cường

Trong 11 tháng năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án FDI với tổng vốn là 639,76 triệu USD, bằng 49% so với kế hoạch năm 2022.

Việc thu hút nguồn vốn FDI năm 2022 không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là bởi các nguyên nhân khách quan như diễn biến tình hình phúc tạp của dịch COVID-19 kéo dài hơn 2 năm, áp lực của lạm phát đè nặng lên nền kinh tế thế giới; ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine; chính sách chống dịch bệnh “Không COVID” của Trung Quốc… đã làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

>>Quảng Ninh: Kỳ vọng tạo đột phá trong thu hút đầu tư

Đối mặt với thách thức suy giảm dòng vốn FDI toàn cầu, các công ty đa quốc gia và nhiều doanh nghiệp FDI có xu hướng hạn chế mở rộng sản xuất kinh doanh trong đại dịch, tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng, chuyển dịch dòng vốn đầu tư về chính quốc.

Giải pháp 1 tỷ USD của Quảng Ninh

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Cường cho rằng: “Để cải thiện việc thu hút vốn đầu tư FDI, Quảng Ninh sẽ chủ trương tập trung xúc tiến đầu tư và ưu tiên lựa chọn các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực như công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản xuất thiết bị y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao; dịch vụ tài chính, dịch vụ logistic và các dịch vụ  hiện đại khác”.

Quảng Ninh sẽ thu hút FDI ở nhiều lình vực hơn trong năm 2023. Ảnh Lê Cường

Quảng Ninh sẽ thu hút FDI ở nhiều lình vực hơn trong năm 2023. Ảnh Lê Cường

Ông Cường cho biết, ngay trong tháng 1/2023, tỉnh Quảng Ninh đã có gần chục buổi tiếp, làm việc cùng các nhà đầu tư quốc tế đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Trong đó, không ít nhà đầu tư đã thông tin kế hoạch đầu tư vào Quảng Ninh với số vốn hàng trăm triệu USD. Điển hình như tại KCN Sông Khoai, vào tháng 6 tới đây, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản gồm: Tập đoàn Yaskawa Electric dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất động cơ và các thiết bị truyền động điện, robot công nghiệp trên diện tích khoảng 12ha, tổng vốn đầu tư gần 100 triệu USD; Tập đoàn Tenma xây dựng Nhà máy ép khuôn nhựa máy in trên diện tích 18ha, tổng vốn 150 triệu USD; Công ty Castem đầu tư nhà máy đúc kim loại trên diện tích 2ha, tổng vốn đầu tư 14 triệu USD...

Trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, cũng từ Nhật Bản, Tập đoàn thương mại bán lẻ lớn nhất thế giới AEON cũng đang khẩn trương nghiên cứu đầu tư xây dựng AEON Mall Hạ Long với quy mô là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam.

Sẽ tập trung nhiều vào giải pháp xúc tiến đầu tư. Ảnh CTV

Sẽ tập trung nhiều vào giải pháp xúc tiến đầu tư. Ảnh CTV

Ông Hoàng Kim Tinh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam) đánh giá: “ Thực tế, trong 2 năm qua thế giới có quá nhiều biến động, đặc biệt là đại dịch. Vì vậy, Quảng Ninh chưa đạt được vốn FDI như mong muốn cũng dễ hiểu. Với những giải pháp năm nay tỉnh này đưa ra, cùng sự ổn định trở lại của kinh tế thế giới. Tôi tin Quảng Ninh có thể đạt thậm chí vượt con số mà họ đặt ra”.

“Nói vậy, là bởi Quảng Ninh không chỉ là vùng đất tiềm năng mà chính quyền nơi đây còn hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp. Công ty chúng tôi ban đầu đã cân nhắc giữa 2 địa điểm đầu tư là ở Malaysia và Việt Nam (tại tỉnh Quảng Ninh). Tại Malaysia, chúng tôi đã tìm hiểu khá kỹ, dự kiến đầu tư tại nước này, nhưng khi đó bệnh dịch tại đây rất căng thẳng. Vì thế, chúng tôi đã đến Quảng Ninh để tìm hiểu, thấy đảm bảo các điều kiện như về điện, nước, cơ sở hạ tầng và đặc biệt là sự cam kết hợp tác của địa phương về những yêu cầu rất khắt khe dự án, nên đã quyết định đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh”, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Thu hút FDI còn nhiều điểm “nghẽn”

    Quảng Ninh: Thu hút FDI còn nhiều điểm “nghẽn”

    18:19, 04/02/2023

  • Quảng Ninh: Xây dựng chiến lược thu hút vốn FDI đến năm 2025 đạt trên 5 tỷ USD

    Quảng Ninh: Xây dựng chiến lược thu hút vốn FDI đến năm 2025 đạt trên 5 tỷ USD

    01:20, 04/02/2023

  • Quảng Ninh: Mở rộng không gian du lịch

    Quảng Ninh: Mở rộng không gian du lịch

    03:00, 10/02/2023

  • Quảng Ninh: Lan tỏa chuyển đổi số vùng biên

    Quảng Ninh: Lan tỏa chuyển đổi số vùng biên

    00:11, 08/02/2023

LÊ CƯỜNG