Quảng Ninh: Xây dựng và phát triển để trở thành trung tâm kinh tế biển của cả nước
Với địa hình có rừng, biển, có đường biên giới đất liền, biên giới biển và có đường biển thông ra thế giới. Đây là điều kiện, là cơ hội tốt để Quảng Ninh thực hiện phát triển kinh tế biển bền vững.
>>>Vị thế cảng biển Quảng Ninh
Thúc đẩy tăng trưởng
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 36-NQ/TW), Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chương trình hành động số 27-Ctr/TU ngày 27/3/2019.
Theo đó, Quảng Ninh đặt nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế biển bền vững và tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khu vực công nghiệp sang khu vực dịch vụ gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Hơn 10 năm triển khai kinh tế biển theo các mục tiêu đã đề ra của Đảng, Chính phủ cùng các quy hoạch chiến lược của tỉnh, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng trên 10,16%, cao hơn dự kiến trong kịch bản tăng trưởng.
Phát triển kinh tế biển đã có những kết quả tích cực và đóng góp quyết định cho tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Tỉnh đã chú trọng công tác quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch, khu vui chơi giải trí, cơ sở dịch vụ du lịch, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khu du lịch biển đảo.
Ngành Du lịch của tỉnh có bước tiến quan trọng, diện mạo được thay đổi nhanh chóng. Tỉnh đã tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng ven biển, thúc đẩy phát triển kinh tế biển của tỉnh; ưu tiên nguồn vốn vay cho đóng tàu đánh bắt xa bờ.
Du lịch biển đảo Quảng Ninh đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, có sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước. Trong tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh có khoảng 70% tham gia các tour tuyến biển đảo.
Quảng Ninh đã và đang mở rộng phát triển và hình thành các sản phẩm du lịch mới ra các tuyến đảo như Vân Đồn, Cô Tô, Vịnh Bái Tử Long, Cái Chiên. Trong đó, tỉnh ưu tiên xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch và dịch vụ biển cao cấp, độc đáo, chất lượng cao có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Năm 2023 dự kiến thu hút vào các khu công nghiệp năm 2023 gồm 18 dự án. Trong đó, 16 dự án đầu tư mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 1,2 tỷ USD, tăng trên 10% chỉ tiêu kịch bản tăng trưởng kinh tế GRDP của tỉnh năm 2023 đã đề ra.
Theo đó, tại thị xã Quảng Yên gồm: Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong thu hút 4 dự án; Khu công nghiệp Sông Khoai thu hút 6 dự án; Khu công nghiệp Đông Mai thu hút 3 dự án, tất cả đều là các dự án mới. Tại TP Móng Cái, Khu Công nghiệp Hải Yên dự kiến thu hút 1 dự án mới và tại huyện Hải Hà, Khu công nghiệp Texhong dự kiến thu hút 2 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 2 dự án.
Phát triển kinh tế biển trên nền tăng trưởng xanh
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ninh trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển tại Việt Nam. Trong đó đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển.
Về định hướng Chiến lược, Quảng Ninh đề ra đến năm 2030, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: Du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Xây dựng phát triển khu kinh tế ven biển; Nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững; Công nghiệp ven biển theo hướng thân thiện môi trường; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá; hình thành ba trung tâm nghề cá trọng điểm gắn với vùng nuôi trồng thủy sản và ngư trường trọng điểm, phát huy lợi thế chiến lược để Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ cho phát triển kinh tế biển; đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành địa phương phát triển kinh tế mạnh, bền vững về kinh tế hàng hải; hình thành trung tâm dịch vụ hàng hải khu vực Đông Bắc của Việt Nam.
Một định hướng quan trọng được tỉnh Quảng Ninh đề ra là đến năm 2030, phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển. Khu kinh tế ven biển phải đóng vai trò chủ đạo trong phát triển vùng và gắn kết liên vùng, trọng tâm là khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái, Quảng Yên.
Đổi mới tư duy trong xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống đô thị ven biển có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh.
Quảng Ninh đẩy nhanh xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển theo hướng tiếp cận mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái, có sức hấp dẫn các nhà đầu tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; giải quyết tốt vấn đề môi trường, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tỉnh quan tâm phát triển một số ngành kinh tế biển dựa vào lợi thế tài nguyên biển, đa dạng sinh học biển như dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển...
Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh: Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW để xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển trở thành một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển.
Theo đó, Quảng Ninh tập trung phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng: tăng cường quản lý tổng hợp, liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực kinh tế biển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh và phát huy tiềm năng, lợi thế của biển.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ được đặt ra là phát triển kinh tế biển gắn với giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa vùng biển Quảng Ninh; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
Tỉnh đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển; gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.
Theo ông Bùi Quang Sáng – TGĐ Công ty CP XNK Quảng Ninh: Thời gian qua, tỉnh ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các KCN, KKT, tạo ra được nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng tại các cảng của Quảng Ninh. Ngoài ra tỉnh cũng thu hút, kêu gọi các tập đoàn tài chính, ngân hàng mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Quảng Ninh.
Đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm, năng lực tài chính và ý tưởng đầu tư đồng bộ hệ thống cảng biển, hậu cần logistics, kinh doanh đa loại hình dịch vụ theo chuỗi đạt chuẩn quốc tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp quảng bá thương hiệu, định vị thương hiệu hệ thống cảng biển Quảng Ninh đến các hãng tàu lớn, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cảng biển trên thế giới. Qua đó, tăng tốc phát triển từng ngành, lĩnh vực kinh tế biển một cách cụ thể, đóng góp chung cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh theo hướng bền vững.
Có thể bạn quan tâm