Quảng Ninh đang tập trung đẩy mạnh liên kết vùng để khẳng định vai trò là một trong những "đầu tàu" kinh tế của Vùng đồng bằng sông Hồng.
>>>Quảng Ninh: Giải pháp nào để hút 1 tỷ USD FDI năm 2023?
>>>Quảng Ninh: Mở rộng không gian du lịch
Chủ động liên kết
Ngay trong những tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đã tổ chức khởi động, ra quân thi công Dự án Đường tỉnh 342, nối TP Hạ Long với huyện Ba Chẽ và tỉnh Lạng Sơn. Đồng thời, hợp tác với TP Hải Phòng, Hải Dương để thực hiện nhiều dự án giao thông, hoàn thiện sự kết nối giữa các địa phương với nhau như: Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo mở rộng đường tỉnh 352, kết nối huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) với thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); Cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên (TP Hải Phòng) với thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) đang được xây dựng; Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 10 (đoạn từ cầu Đá Bạc đến Cầu Kiền); cầu Triều nối thị xã Kinh Môn (Hải Dương) với thị xã Đông Triều đã hoàn thành…
Đặc biệt, dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đi vào hoạt động đã rút ngắn thời gian di chuyển Hà Nội tới cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) chỉ trong 3 giờ; kết nối cung đường Lào Cai - Hà Nội - Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái. Tuyến cao tốc này đã giúp kết nối 3 vùng động lực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc gồm: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Đặc biệt, cũng từ tuyến cao tốc này, tháng 7/2022, các địa phương gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đã ký cam kết hình thành trục cao tốc phía Đông, tạo thành chuỗi kinh tế liên kết có diện tích gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP HCM và 8 lần TP Đà Nẵng. Trong đó, Quảng Ninh đóng vai trò là trung tâm kết nối khi sở hữu gần 2/3 trục cao tốc kéo dài từ Hà Nội đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc hình thành trục cao tốc phía Đông là liên kết kinh tế mạnh, góp phần tạo nên không gian và tầm nhìn mới về phát triển kinh tế, có quy mô lớn, nhiều tiềm năng, lợi thế, tạo thuận lợi thúc đẩy sự phát triển, hình thành cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết sẽ giải quyết những thách thức cấp vùng trong phát triển kinh tế, tạo nên sự thịnh vượng chung.
Còn theo đại diện Công ty cổ phần Amata Việt Nam, tại thời điểm nghiên cứu đầu tư (năm 2013) vào Quảng Ninh, phía doanh nghiệp đã được lắng nghe kế hoạch xây dựng cao tốc của tỉnh Quảng Ninh. Điều này cũng có nghĩa là sự liên kết về giao thông của địa phương này sẽ rất tốt và tạo nhiều dư địa để phát triển.
Để trở thành cực tăng trưởng của vùng
Với hạ tầng kết nối liên vùng đồng bộ, hạ tầng kinh tế biển liên tục được đầu tư, sự quan tâm từ Trương ương về mặt cơ chế, chính sách, Quảng Ninh và Hải Phòng đang dần trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng.
Thực tế, Quảng Ninh được xác định là một trong số ít địa phương có mặt ở 3/4 tuyến hành lang kinh tế mà Nghị quyết 30-NQ/TW về phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng đã nêu. Đồng thời, địa phương này cũng có sự kết nối với tuyến hành lang kinh tế còn lại là tuyến Bắc - Nam (Lạng Sơn - Hà Nội – TP HCM - Cà Mau) thông qua trục cao tốc chạy dọc tỉnh, kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
>>>Quảng Ninh: Lan tỏa chuyển đổi số vùng biên
Trong Nghị quyết 30-NQ/TW đã đặt ra một nhiệm vụ quan trọng, đó là “phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi để xây dựng khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng”.
Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chương trình là hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.
Tại Quảng Ninh, địa phương này đang có nhiều điều kiện thuận lợi để thể thực được nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn nằm trong khu vực hợp tác “hai hành lang, một vành đai kinh tế”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc, các tuyến vận tải biển kết nối quốc tế...
Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh cho biết, liên kết sâu rộng để phát triển là một trong những định hướng được tỉnh Quảng Ninh xác định và có nhiều phương án nhằm đẩy mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Do vậy, địa phương sẽ ưu tiên cho việc tiếp tục liên kết để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược đảm bảo đồng bộ, liên thông tổng thể để thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hoá lãnh thổ.
Cũng theo ông Ký, địa phương sẽ hoàn thiện các hành lang giao thông để kiến tạo nên các hành lang kinh tế, hành lang đô thị; tối ưu hoá việc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trong thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.
Có thể bạn quan tâm