Quảng Ninh: Cải tạo moong than thành hồ chứa nước ngọt tạo đột phá trong mô hình kinh tế tuần hoàn

LAN VŨ 28/02/2023 08:24

Biến các moong than thành hồ nước ngọt, đất đá thải mỏ sử dụng để san lấp mặt bằng các dự án. Đây được xem là đột phá trong mô hình kinh tế tuần hoàn của Quảng Ninh khi “1 mũi tên trúng nhiều đích”

>>>Quảng Ninh: Đột phá trong mô hình kinh tế tuần hoàn

>>>Ngành giấy hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn

Ngày 24/2, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã cấp Giấy phép môi trường số 44/GPMT-BTNMT cho Công ty Than Hòn Gai thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường dự án mở rộng khai thác lộ thiên mỏ Suối Lại. Theo đó, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đồng ý chủ trương sau khi kết thúc khai thác sẽ tiến hành cải tạo moong khai trường 917 thành hồ chứa nước ngọt

Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng

Đây là moong than đầu tiên của TKV (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) tại Quảng Ninh được chấp thuận cải tạo để làm hồ chứa nước ngọt.

sau khi chính thức kết thúc hoạt động khai thác vào ngày 31/12/2022, moong than có độ sâu khoảng 150m và rộng 94,5ha.

Sau khi chính thức kết thúc hoạt động khai thác vào ngày 31/12/2022, moong than có độ sâu khoảng 150m và rộng 94,5ha (ảnh: Nguyễn Hùng)

Được biết, moong than 917 tại phường Hà Khánh, TP. Hạ Long, của Công ty Than Hòn Gai thuộc TKV, sau khi chính thức kết thúc hoạt động khai thác vào ngày 31/12/2022, moong than có độ sâu khoảng 150m và rộng 94,5ha.

Theo giấy phép khai thác ban đầu và phương án hoàn nguyên môi trường, sau khi kết thúc khai thác moong than 917 sẽ phải san lấp toàn bộ, phải cần tới khoảng 30 tấn nguyên vật liệu san lấp, chi phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Theo tính toán, việc cải tạo moong than 917 thành hồ nước ngọt sẽ giúp Công ty than Hòn Gai tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. Bởi chi phí cải tạo moong than 917 thành hồ nước ngọt chỉ mất khoảng vài trăm tỷ đồng. Đồng thời không gây ô nhiễm môi trường vì không phải khai thác nguyên vật liệu san lấp từ các khu vực bãi thải mỏ gần đó.

Dự kiến, đơn vị sẽ tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường toàn bộ moong than 917, thời gian thực hiện từ nay đến năm 2026. Sau khi cải tạo xong, dung tích hồ chứa đạt khoảng 20 triệu m³.

Cụ thể, công ty sẽ tiến hành cải tạo, khôi phục môi trường với tổng diện tích 90,62 ha. Trong đó, đối với khu vực moong khai thác sẽ tiễn hành cải tạo moong khai trường thành hồ chứa nước ngọt; xây dựng cống lưu thông thoát nước ra biển.

Riêng với khu vực khai thác, công ty sẽ cải tạo sườn tầng, tạo bờ đai an toàn phía Tây khai trường bảo vệ tuyến tỉnh lộ 337; Xây dựng tuyến hàng rào dây thép gai, biển cảnh báo nguy hiểm và đê chắn xung quanh moong khai trường; san gạt và trồng cây keo lai xen phi lao với mật độ 5.000 cây/ha xung quanh moong khai thác; Cải tạo cảnh quan phần địa hình từ mức thoát nước tự chảy trở lên và phía tiếp giáp đường tỉnh lộ 337.

Góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước

>>>Khu công nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn đầu tiên tại Việt Nam

>>>Cơ hội từ kinh tế tuần hoàn

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, hiện toàn tỉnh có 188 hồ chứa nước, trong đó, 172 hồ đang hoạt động, 4 hồ đang xây dựng, 12 hồ không còn hoạt động. Tổng dung tích hữu ích khoảng 325,5 triệu m3/năm. Tổng lượng nhu cầu nước khai thác, sử dụng hàng năm của tỉnh vào khoảng 469 triệu m3/năm. Trong đó, lượng nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm 50,49%, nước cho công nghiệp chiếm 30,83%, nước cho sinh hoạt 16,33% và nước cho môi trường 2,35%.

Cũng theo tính toán của Sở này, đến năm 2025, nhu cầu sử dụng nước toàn tỉnh là 597,15 triệu m3/năm (thiếu 1,08 triệu m3/năm); đến 2030 là 646 triệu m3/năm (thiếu khoảng 2,6 triệu m3/năm).

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng, việc đưa moong khai thác lộ thiên đã kết thúc khai thác trở thành những hồ dự trữ nước ngọt, vừa bảo đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước, vừa giảm được chi phí và thời gian so với phương án hoàn thổ khó khăn trong thực hiện chi phí tốn kém như trước đây. Với phương án này, Quảng Ninh sẽ gia tăng lượng tích trữ nước ngọt trên phạm vi toàn tỉnh lên tới 1 tỷ m3, đảm bảo an ninh nguồn nước, góp phần đảm bảo về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo quy định, hầu hết các mỏ khai thác than lộ thiên đều phải hoàn nguyên sau khi khai thác xong. Tại Hạ Long, ngoài các moong của Công ty CP than Núi Béo, Công ty than Hòn Gai, còn có các moong than của Công ty CP than Hà Tu. Các mong than rộng và sâu thì phải nói đến vùng than Cẩm Phả, với các moong than cực lớn của các công ty than: Cao Sơn, Cọc Sáu, Đèo Nai... Trong đó, mỏ than lộ thiên than Cọc 6 là mỏ than lộ thiên sâu nhất cả nước hiện nay, sâu hơn 300m. Cải tạo moong 917 thành hồ chứa nước ngọt sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các moong than khai thác sau khi kết thúc khai thác.

Việc cải tạo moong than hồ chứa nước ngọt thay vì phải hoàn nguyên, vừa tiết kiệm cho ngành than một nguồn kinh phí rất lớn, vừa giúp Quảng Ninh có thêm một hồ nước ngọt cỡ lớn ngay trung tâm Hạ Long. Bởi, trên thực tế, không dễ gì có được một hồ sâu và rộng như moong than 917, trong khi đó, cho đến nay, riêng tại các xã, phường thuộc TP.Hạ Long cũ (khi chưa sáp nhập với Hoành Bồ) chưa có hồ nước ngọt.

sau khi kết thúc khai thác moong than 917 sẽ phải san lấp toàn bộ, phải cần tới khoảng 30 tấn nguyên vật liệu san lấp, chi phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Sau khi kết thúc khai thác moong than 917 sẽ phải san lấp toàn bộ, phải cần tới khoảng 30 tấn nguyên vật liệu san lấp, chi phí khoảng hơn 1.000 tỷ đồng (ảnh: Nguyễn Hùng).

1 mũi tên trúng nhiều đích

Không san lấp các moong than, mà cải tạo để làm hồ nước ngọt cũng nằm trong chủ trương về kinh tế tuần hoàn được được tỉnh Quảng Ninh và TKV bàn và thống nhất cao. Trong đó, ngoài biến các moong than thành hồ nước ngọt thì đất đá thải mỏ sẽ tiếp tục được sử dụng để san lấp mặt bằng các dự án.

Đây được xem như “1 mũi tên trúng nhiều đích”. Bởi vừa giảm chi phí và thời gian so với phương án hoàn thổ khó khăn, vừa đảm bảo an ninh nguồn nước, lại giải quyết được nhu cầu cấp bách về vật liệu san lấp còn giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), hiện lượng đất đá bóc xúc, đổ thải của các đơn vị khai thác than trên địa bàn tỉnh đạt trên 150 triệu m³/năm. Đó là chưa kể hàng chục năm qua, việc khai thác than lộ thiên đã bóc xúc, đổ đất đá thải ra các bãi thải trên 1 tỷ m³ với diện tích chiếm đất rất lớn. Lượng đất đá này mới sử dụng một phần để lấp lại những moong khai thác, cải tạo các tầng thải, phục hồi môi trường, lượng còn lại là vô cùng lớn.

Trong khi đó hiện nay, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh rất nhiều. Trung bình mỗi năm, Quảng Ninh cần khoảng 130 triệu m³ đất đá làm vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vật liệu san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh đăng ký khoảng 1 tỷ m³.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, việc lấy đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các dự án giúp không phá rừng, phá vỡ địa hình tự nhiên mà còn giảm áp lực cho bãi thải mỏ, trong khi có nhiều bãi thải mỏ có nguy cơ cao về môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sự an toàn của người dân xung quanh  khu vực bãi thải.

Tỉnh Quảng Ninh và TKV sẽ quyết tâm, quyết liệt, đổi mới tư duy, tầm nhìn để xây dựng và triển khai các đề án phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn đất đá thải mỏ bỏ đi không đi kèm khoáng sản đang đổ thải trên các bãi thải mỏ, gây chiếm dụng hàng nghìn hecta đất mỗi năm, và gây ra những hệ lụy khôn lường về môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội – Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh.

Theo ông Đinh Nguyễn Tú Anh - PGĐ Công ty Chế biến than Quảng Ninh, việc khai thác sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp là chủ trương, hướng đi phù hợp với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh. Đây là hướng phát triển kinh tế tuần hoàn vừa đáp ứng được nhu cầu về san lấp mặt bằng, tiết kiệm được kinh phí cho cải tạo, phục hồi môi trường, vừa giải quyết được vấn đề diện tích đổ thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các địa phương có nhiều mỏ khai thác than, như Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều,...

Có thể bạn quan tâm

  • Nam Định: Đến bao giờ các công trình vi phạm mới… hoàn nguyên?

    Nam Định: Đến bao giờ các công trình vi phạm mới… hoàn nguyên?

    04:50, 06/11/2020

  • Người dân sống bất an vì doanh nghiệp nổ mìn khai thác than - Kỳ II: Xử lý dứt điểm trong quý 2

    Người dân sống bất an vì doanh nghiệp nổ mìn khai thác than - Kỳ II: Xử lý dứt điểm trong quý 2

    04:00, 05/04/2021

  • TP Uông Bí (Quảng Ninh): Người dân sống bất an vì doanh nghiệp nổ mìn khai thác than

    TP Uông Bí (Quảng Ninh): Người dân sống bất an vì doanh nghiệp nổ mìn khai thác than

    04:00, 22/03/2021

  • Quảng Ninh: khai thác than làm nứt nhà dân?

    Quảng Ninh: khai thác than làm nứt nhà dân?

    20:28, 14/03/2021

  • Quảng Ninh: Lợi dụng hợp đồng bốc xúc đất đá để khai thác than trái phép với quy mô lớn

    Quảng Ninh: Lợi dụng hợp đồng bốc xúc đất đá để khai thác than trái phép với quy mô lớn

    20:46, 24/02/2021

LAN VŨ