Quảng Ninh: Nhiều dự án trên "đất vàng" bị bỏ hoang
Những dự án nằm ở khu vực “đất vàng” với kỳ vọng góp phần làm đẹp cho đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng đáng tiếc, suốt nhiều năm qua lại bị bỏ hoang rất lãng phí.
>>Quảng Ninh: Đôn đốc, đẩy mạnh phân bổ giải ngân vốn đầu tư công
Khu cảnggần 16 năm là bãi đất hoang
Dự án khu cảng Dân Tiến xã Hải Tiến, thành phố Móng Cái được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty TNHH Liên doanh khu cảng Dân Tiến ngày 4/6/2007 và được cấp giấy chứng nhận thay đổi lần 2 vào ngày 28/12/2007. Dự án có 2 hạng mục là đường dẫn ra cảng Dân Tiến dài 4,34km và cầu dẫn; khu cảng có 7 hạng mục trên diện tích 21,6ha.
Thế nhưng, trải qua gần 16 năm, đến nay, doanh nghiệp mới thi công đắp khuôn đường được 4,14km đường đất, san nền ngoài đê được 15,6/21,6ha. Các hạng mục còn lại thì chỉ là… những bãi cỏ hoang
Chủ tịch UBND xã Hải Tiến - Nguyễn Thanh Tùng, cho biết: “Tôi mới về nhận nhiệm vụ tại xã hơn một năm nên chưa nắm rõ được nguyên nhân chậm tiến độ của dự án. Việc dự án chậm tiến độ như vậy đã lãng phí tài nguyên, song việc có chủ trương thế nào đối với dự án là thẩm quyền của cấp trên, xã chưa nắm rõ”.
Một người dân ở đây cho biết: “Khu vực này trước đây nhiều hải sản lắm. Nhưng từ khi dự án đổ đất xuống bị mưa cuốn ra ngoài xa khiến hải sản không sinh sống được. Chẳng biết dự án cảng kiểu gì mà hơn chục năm nay chỉ đổ được ít đất rồi thôi. Bà con kiến nghị mãi vẫn thế”.
Trung tâm thương mại hay trung tâm rác?
Dự án Trung tâm thương mại và chợ Hạ Long III của Tập đoàn Nguyễn Kim tại khu vực Cột 5, phường Hồng Hải, TP Hạ Long được UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận cho đầu tư tại Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 22/1/2014.
23/11/2015, Dự án chính thức được khởi công với tổng mức đầu tư là trên 310 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Nguyễn Kim Quảng Ninh làm chủ đầu tư. Theo cam kết của chủ dự án, toàn bộ công trình sẽ được đưa vào hoạt động trong tháng 12/2016. Thế nhưng sau nhiều năm, khu “đất vàng” của thành phố Hạ Long chỉ để cỏ mọc um tùm và thành điểm tập kết rác gây ô nhiễm môi trường.
>>Dự án Trung tâm thương mại và chợ Hạ Long III (Quảng Ninh): Tập đoàn Nguyễn Kim lại “thất hứa”?
Một người dâ ở đây cho biết: “Chúng tôi từ kỳ vọng một trung tâm mua bán hiện đại thì đến giờ chỉ nhận được là một bãi tập kết rác hôi thối vô cùng, ô nhiễm cả một khu. Thiết nghĩ, dự án này hiện đang chiếm giữ một quỹ đất rất lớn và đẹp trên địa bàn Hạ Long, vì vậy tỉnh nên xử lý giao cho nhà đầu tư khác đủ tiềm lực xây dựng, tránh sự lãng phí và làm xấu đô thị Hạ Long”.
Được biết, để giữ khu “đất vàng” này, tháng 10/2018, Tập đoàn Nguyễn Kim đã xin tỉnh Quảng Ninh được điều chỉnh quy hoạch tòa trung tâm thương mại từ 5 tầng thành 21 tầng nổi và 2 tầng hầm, để bổ sung chức năng khách sạn 5 sao đạt chuẩn quốc tế, kết hợp với trung tâm hội nghị. Một lần nữa chủ đầu tư xin cam kết chậm nhất đến 31/12/2020 dự án sẽ hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Tuy nhiên, đến nay đã hết năm 2023, dự án này vẫn chỉ là một khu đất hoang đầy làng phí?
Thiếu điện, thiếu nước
Gần 20 năm trước được triển khai, nhưng đến nay nhà thì đếm trên đầu ngòn tay, còn toàn bộ dự án là cỏ lau cao quá đầu người. Đó là thực trạng của Khu đô thị Cao Xanh – Hà Khánh B, TP.Hạ Long.
Dự án không những gây lãng phí quỹ đất mà còn không có điện nước, khiến cuốc sống của một số hộ đã vào sinh sống vô cùng khổ sở. Người dân ở đây phải kéo nhờ điện tại các khu vực lân cận để sinh hoạt, việc này không những gây khó khăn khi nguồn điện không ổn định mà người dân cũng phải trả giá cao hơn so với quy định.
Chị Vũ Thị Bích, Khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh B bức xúc: “Do phải tự mắc đường điện, nên nguồn điện ở đây rất yếu, nhất là vào thời điểm từ 18-20 giờ hằng ngày. Có nhiều hôm bóng đèn chỉ sáng lờ mờ, nhập nhòe, quạt không quay nổi... Khổ nhất là những ngày trời nắng nóng oi bức, quạt máy, máy bơm nước, máy giặt không hoạt động được. Nguồn điện không ổn định không chỉ làm giảm tuổi thọ của các thiết bị sử dụng, mà lượng tiêu hao lớn, dẫn đến chi phí tiền điện cao”.
Không chỉ có điện, nước cũng là nỗi khổ của người dân khu đô thị này. Một số hộ dân ít ỏi ở đây đều không có nước sinh hoạt, phải chung nhau lắp đường ống dài hàng cây số để kéo nước từ khu dân cư khác về với đơn giá cao hơn bình thường.
Với những người chưa lắp được ống dẫn nước, thì giải pháp là mua nước từ các xe bồn. "Gia đình tôi ở nhà khang trang, cao rộng nhưng tuần nào cũng phải hai lần gọi xe bồn chở nước tới nếu không sẽ phải sang hàng xóm xách nước về dùng, tháng nào cũng gần 5 triệu tiền nước, đỉnh điểm hồi xây nhà là hơn 10 triệu tiền nước", chị Hồng than thở.
“Đất vàng” bị bỏ hoang, dự án thiếu hiệu quả khiến cuộc sống của người dân rơi vào cảnh khó khăn. Đây rõ ràng là một sự lãng phí rất lớn, đặc biệt khi nguồn quỹ đất để xây dựng Hạ Long đang ngày càng bị thu hẹp. Nhiều dự án buộc phải phá đồi, lấn biển đẻ xây dựng.
Người dân đang rất mong muốn tỉnh Quảng Ninh cần sớm có giải pháp để tránh lãng phí một nguồn đất lớn như thế này. Cùng với đó là đảm bảo quyền lợi đầy đủ cho người dân ở khu đô thị Cao Xanh – Hà Khánh.
Có thể bạn quan tâm