Tháo “rào cản” cho Cảng biển Cửa Lò

NGỌC THÁI 16/03/2023 11:54

Trong 5 năm lại đây, sản lượng hàng hóa bốc dỡ qua cảng khu vực miền Trung ngày càng lớn nhưng tại Cảng Cửa Lò (Nghệ An) lại không thể thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.

>>Nghệ An quyết liệt lập lại trật tự đô thị không gian biển Cửa Lò

p/Việc UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị HĐND ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tàu hàng container được kỳ vọng sẽ sớm đưa Cảng Cửa Lò trở nên năng động, nhộn nhịp hơn

Việc UBND tỉnh Nghệ An kiến nghị HĐND ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ tàu hàng container được kỳ vọng sẽ sớm đưa Cảng Cửa Lò trở nên năng động, nhộn nhịp hơn

Cảng Cửa Lò là cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại I) thuộc nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ, được quy hoạch bao gồm khu bến Nam Cửa Lò (09 bến) và khu bến Bắc Cửa Lò (25 bến), phục vụ các cơ sở sản xuất công nghiệp trong khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.

Vị trí quan trọng nhưng khai thác chưa hiệu quả

Bên cạnh đó, Cảng Cửa Lò còn có vị trí đóng vai trò tiếp nhận một phần hàng hóa quá cảnh cho Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và Đông Bắc Vương quốc Thái Lan.

Cảng được xây dựng từ năm 1979, đến năm 1985 đưa vào khai thác sử dụng với quy mô ban đầu 04 bến cho tàu 10.000 ÷ 25.000 tấn. Và, cùng với tiến trình phát triển của khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Nghệ An nghiên cứu xây dựng tại Bắc và Nam Cửa Lò bến cho tàu 30.000 ÷ 50.000 tấn, phục vụ thu hút các nhà đầu tư kinh doanh cảng biển.

Theo lộ trình giai đoạn 2010-2020, tỉnh Nghệ An đã kêu gọi thành công một số nhà đầu tư kinh doanh cảng biển, đến nay Cảng Cửa Lò đã có 12 bến đưa vào khai thác (05 bến tổng hợp; 05 bến xi măng; 02 bến xăng dầu) bước đầu đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và vùng phụ cận.

Với lợi thế sở hữu vị trí thuận lợi, đón đầu xu hướng dịch chuyển nguồn hàng trực tiếp từ khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Không chỉ vậy, Cảng Cửa Lò nằm trên trục giao thông kết nối chuỗi xuất nhập khẩu hàng hóa cho nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan là mắt xích chiến lược kết nối các vành đai kinh tế trong chuỗi hoạt động logistics của cả nước. Tuy nhiên việc khai thác hiệu quả cảng biển để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu và phát triển dịch vụ logistics trong thời gian qua còn nhiều khó khăn.

Theo số liệu từ Công ty CP Cảng Nghệ Tĩnh, tổng lượng hàng hóa qua cảng Cửa Lò 02 năm gần đây có xu hướng giảm. Cụ thể, năm 2021 là 12,06 triệu tấn (hàng tổng hợp là 4,65 triệu tấn; xi măng là 7,1 triệu tấn; xăng dầu, khí là 0,31 triệu tấn); Năm 2022 là 11,96 triệu tấn (hàng tổng hợp là 5,60 triệu tấn; xi măng là 6,33 triệu tấn; xăng dầu, khí là 0,03 triệu tấn).

Trong những năm gần đây, các địa phương trong khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế) đã kịp thời ban hành chính sách hỗ trợ cho loại hình vận chuyển bằng container qua cảng biển để khuyến khích các hãng tàu mở tuyến vận chuyển bằng container. Nhưng với Cảng Cửa Lò (Nghệ An) lại chưa hề có bước đột phá để phát huy tiềm năng, lợi thế của mình.

Chính sách hỗ trợ

Đại diện Chi nhánh Công ty CP Việt Nhật tại Nghệ An chủ hãng tàu Vietsun cho biết, do hạn chế về luồng tàu Cảng Cửa Lò (độ sâu 5,5÷7,5m) chỉ đáp ứng cho tàu có tải trọng 20.000 tấn hoặc tàu container cỡ nhỏ khoảng 1.000 TUE. Mặt khác, với lượng hàng hóa thông qua cảng còn ít, thiếu ổn định, đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu trung chuyển phải thực hiện 02 lần bốc dỡ (1 lần tại cảng Cửa Lò, 1 lần tại các xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa), dẫn đến chi phí vận chuyển container bằng đường biển cao, nên khó thu hút các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu qua Cảng Cửa Lò.

Do đó, muốn duy trì được tuyến container cố định qua cảng Cửa Lò, đòi hỏi tỉnh Nghệ An phải có chính sách hỗ trợ ban đầu, khuyến khích hãng tàu đến bốc, trả hàng tại cảng.

Ngoài ra, việc thu hút hàng container của doanh nghiệp ngoài tỉnh, doanh nghiệp vị trí xa cảng chuyển từ phương thức vận chuyển hiện tại (đường bộ, đường sắt, đường hàng không) sang phương thức vận chuyển bằng tàu biển container qua Cảng Cửa Lò nhiều năm nay vẫn chưa được khơi thông.

Theo ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nghệ An, để thu hút hàng hoá xuất nhập qua Cảng Cửa Lò, trong đó có tàu container, địa phương đang khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp trình HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp tới.

Và, nếu được HĐND tỉnh tại kỳ họp sắp tới thông qua Nghị quyết đặc thù này, mỗi chuyến tàu container cập cảng sẽ được chi trả hỗ trợ 200.000.000 đồng/chuyến và 600.000 đồng/container 20 feet, 1 triệu đồng/container 40 feet. Các doanh nghiệp đủ điều kiện được thụ hưởng chính sách được quyền lựa chọn phương thức nhận kinh phí hỗ trợ theo tháng hoặc một lần là 12 tháng.

Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An cũng cho biết, khi tuyến container được hình thành và duy trì sẽ tạo sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, logictics...

Muốn duy trì được tuyến container cố định qua cảng Cửa Lò, đòi hỏi tỉnh Nghệ An phải có chính sách hỗ trợ ban đầu, khuyến khích hãng tàu đến bốc, trả hàng tại cảng. 

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An: Biển báo giới hạn tải trọng vừa lắp xong lại tiếp tục bị tẩy xoá

    Nghệ An: Biển báo giới hạn tải trọng vừa lắp xong lại tiếp tục bị tẩy xoá

    12:06, 11/03/2023

  • Nghệ An: Nhà máy xử lý nước thải xả thải trực tiếp ra môi trường?

    Nghệ An: Nhà máy xử lý nước thải xả thải trực tiếp ra môi trường?

    11:00, 11/02/2023

  • Nghệ An: Ngang nhiên tẩy xoá cả biển báo giới hạn tải trọng?

    Nghệ An: Ngang nhiên tẩy xoá cả biển báo giới hạn tải trọng?

    13:30, 10/02/2023

NGỌC THÁI