Thái Bình: Cần cơ chế cho tích tụ ruộng đất

LAN VŨ 18/03/2023 01:13

Nếu như trước đây, các hộ dân sản xuất lúa manh mún, nhỏ lẻ hầu như không có lãi, thì giờ đây nghề trồng lúa trên diện tích lớn bắt đầu cho hiệu quả.

>>>HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 4): Luật riêng về tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?

>>>HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?

Bằng nhiều hình thức khác nhau, các hộ dân ở Thái Bình trong những năm gần đây đang thực hiện việc tích tụ ruộng đất, tạo ra những thửa ruộng rộng trăm mẫu để người dân thoả sức thay đổi cách làm, áp dụng cơ giới hóa, có ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị thu mua, nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, có khả năng mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Diện tích tích tụ tăng nhanh

Theo thống từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, năm 2020 diện tích tích tụ, tập trung đất đai là 4.348ha. Với trên 600 tổ chức, cá nhân có diện tích tích tụ từ 2ha, trên 100 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 5ha trở lên và có khoảng 50 tổ chức, cá nhân tích tụ từ 10ha trở lên.

Chỉ trong vòng 3 năm, con số (cả diện tích và số hộ tham gia tích tụ) tích tụ ruộng đất đã tăng lên đáng kể. Hiện đã có hơn 1.700 hộ dân tích tụ ruộng đất để sản xuất, với tổng diện tích gần 6.000ha. Trong đó, số hộ tích tụ từ 5ha có 140 hộ, từ 7ha có 120 hộ…

như trước đây, các hộ dân sản xuất lúa manh mún, nhỏ lẻ hầu như không có lãi

Trước đây, các hộ dân sản xuất lúa manh mún, nhỏ lẻ hầu như không có lãi

Theo ông Đinh Vĩnh Thụy – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình, trước đây nông nghiệp Thái Bình chiếm 40-45% tỷ trọng kinh tế nhưng giờ chỉ khoảng 21%. Hệ số sử dụng đất giảm, trước khoảng 2,5-2,8 lần, giờ chỉ xoay quanh 2 lần, trước vụ đông trên đất 2 lúa chiếm 40%, giờ chỉ khoảng 20% và có nhiều ruộng bỏ hoang.

Để thúc đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất, tỉnh Thái Bình đã ban hành chủ trương hỗ trợ việc dồn đổi, tích tụ đất đai theo hai hướng, là hỗ trợ các địa phương chỉ đạo, vận động nông dân cho người khác thuê ruộng, cứ mỗi ha được 1 triệu/năm. Thứ hai là hỗ trợ người cho thuê ruộng được 10kg thóc/năm. Chính sách đó bắt đầu thực hiện từ năm 2022 và theo tiêu chí vùng cho thuê phải từ 10ha trở lên.

Sau khi có chính sách như vậy, tốc độ tích tụ đất đai tăng hơn so với trước. Bằng chứng là cuối năm 2021 mới có 968 hộ đại điền cấy từ 2ha, nay đã có 1.700 hộ. Qua khảo sát thì họ làm có lãi và có những người lãi tới 1,4 tỉ/năm – ông Thụy cho biết.

Ông Đỗ Văn Dân, thôn 4, xã Vũ Quý (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) được biết đến như người “giải cứu” ruộng hoang khi mạnh dạn thuê lại khoảng 50 mẫu ruộng gieo cấy 2 vụ lúa từ các hộ dân trong xã bỏ không. Để làm “cuộc cách mạng” nông nghiệp, ông Dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cơ giới hóa toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến. Ông đã đầu tư máy cấy, máy làm đất, máy gặt, máy bón phân,… và hệ thống kho sấy với khoảng 3,5 tỷ đồng.

Để có giống tốt, ông còn lần mò vào tận Sóc Trăng để tìm mua giống lúa ST25 cho ra loại gạo ngon nhất thế giới trồng thử nghiệm. Kết quả, cả 2 vụ giống lúa này đều cho năng suất khá, chịu sâu bệnh tốt và thích nghi được với khí hậu miền Bắc. Năm 2021, ông Dân đã mở rộng diện tích gieo cấy lại lúa này theo đơn đặt hàng của một số doanh nghiệp. Nhờ hiện đại hóa và canh tác trên “cánh đồng mẫu lớn”, mỗi năm thu nhập từ làm ruộng mang lại cho ông Dân hàng tỷ đồng.

Cần có cơ chế, chính sách đặc thù

>>>HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 2): Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất

>>>Nhiều khó khăn trong tích tụ ruộng đất

Tích tụ ruộng đất là giải pháp đột phá ở Thái Bình khi đã chứng minh được hiệu quả cao. Thế nhưng, để tiếp tục vận hành sự đột phá này cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với hộ gia đình, doanh nghiệp, tập đoàn lớn có dự án đầu tư vào phát triển nông nghiệp.

tích tụ ruộng đất, tạo ra những thửa ruộng rộng trăm mẫu để người dân thoả sức thay đổi cách làm, áp dụng cơ giới hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Tích tụ ruộng đất, tạo ra những thửa ruộng rộng trăm mẫu để người dân thoả sức thay đổi cách làm, áp dụng cơ giới hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Trần Thị Lanh (người cấy 100ha lúa) cho rằng, gia đình chị đã mất nhiều công sức, tiền bạc để làm nên thửa ruộng trăm mẫu thẳng cánh cò bay, đầu tư tiền tỷ vào các loại máy móc phục vụ sản xuất. Vì gia đình chỉ thu gom, mượn ruộng của những người già cả không làm được hoặc những người đi làm công ty không làm ruộng nên không có thời hạn thuê nhất định, người dân họ có thể đòi lại ruộng bất cứ lúc nào. Làm sao để những người thuê, mượn ruộng như chúng tôi có khoảng thời gian ít nhất 5 - 10 năm để yên tâm sản xuất, Nhà nước, tỉnh Thái Bình cần có những cơ chế, chính sách bảo đảm cho việc tích tụ lâu dài.

Theo ông Mai Thanh Giang – Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật, vài năm gần đây, hình thức tập trung đất nông nghiệp qua cho thuê quyền sử dụng đất đang diễn ra sôi động tại Thái Bình, chiếm tới hơn 90% diện tích tích tụ. Tuy nhiên, hình thức này còn tồn tại nhiều bất cập do chủ đầu tư, doanh nghiệp phải hợp đồng với quá nhiều đối tượng với những điều kiện và yêu cầu khác nhau.

Để thuận lợi cho công tác tích tụ, tập trung ruộng đất, ông Giang cho biết, ngành nông nghiệp Thái Bình đề xuất, cần quy hoạch chỉ rõ vùng đất ổn định để sản xuất nông nghiệp trong vòng 30 đến 50 năm, không đưa các dự án chuyển đất nông nghiệp sang đất khác vào vùng này nhằm xóa bỏ tâm lý giữ đất trông chờ vào dự án của nông dân. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ nhóm nông dân tâm huyết sản xuất nông nghiệp, đây là nhóm nòng cốt để đảm bảo cùng với các doanh nghiệp liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản theo chuỗi, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá bán nông sản.

Tuy việc tích tụ ruộng đất ở Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả to lớn song ông Thụy cho rằng, vẫn còn khá nhiều khó khăn trước mắt. Đó là, khi mở rộng quy mô sản xuất, có thêm máy móc và lượng thóc thu hoạch nhiều lên thì phải có chỗ để chế biến, để làm kho, trụ sở. Một hộ nông dân sao có đất để làm?.

Ông Thụy còn cho rằng, đại điền nhưng bản chất vẫn là nông dân, thiếu những kiến thức tổ chức sản xuất như thế nào để rõ về nguồn gốc, đảm bảo an toàn, rồi cách marketing ra sao… Họ vẫn chịu tác động rất lớn trên thị trường, nếu đơn lẻ họ phải mua giống, phân bón, vật tư với giá cao, rồi không thể kết hợp các máy móc của từng hộ để hỗ trợ nhau thành ra hiệu quả sản xuất thấp. Do đó, ông Thụy đề nghị cần ban hành cơ chế hỗ trợ người tích tụ, tập trung đất đa. Khi đã có các đại điền phải dứt khoát vận động để hình thành các HTX kiểu mới.

Có thể bạn quan tâm

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 4): Luật riêng về tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 4): Luật riêng về tích tụ ruộng đất phải giải quyết được những vấn đề gì?

    05:30, 21/02/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 3): Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?

    11:10, 20/02/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 2): Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất

    HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 2): Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất

    04:50, 16/02/2021

  • Mở đường cho tích tụ ruộng đất

    Mở đường cho tích tụ ruộng đất

    04:30, 17/10/2020

LAN VŨ