HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 2): Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất

Luật sư NGUYỄN TIẾN LẬP, Văn phòng Luật sư NHQuang và Công sự, Trọng tài viên VIAC 16/02/2021 04:50

Ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (hay còn gọi là “Khoán 10”).

Như vậy, sau hơn 22 năm, những hạt nhân hợp lý của “khoán hộ” ở Vĩnh Phúc đã được Trung ương khẳng định trong Nghị quyết 10-NQ/TU.

Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, tích tụ ruộng đất không đơn giản chỉ là nới hạn điền, cũng không đơn giản thì là giao đất cho doanh nghiệp, giao đất cho những người làm việc có hiệu quả để hình thành nên một cánh đồng mẫu lớn mà hơn thế quá trình tích tụ ruộng đất hôm nay đã có quá nhiều vấn đề cần phải quan tâm và xử lý.

Mở rộng diện tích để đầu tư làm ăn lớn, nhiều nông dân Đồng Tháp đã tự tích góp ruộng đất đầu tư sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Mở rộng diện tích để đầu tư làm ăn lớn, nhiều nông dân Đồng Tháp đã tự tích góp ruộng đất đầu tư sản xuất theo nhu cầu thị trường.

“Xu thế tất yếu”

Thời gian gần đây, những cụm từ liên quan đến tích tụ ruộng đất như cần thay đổi tư duy về hạn điền, bỏ quan niệm “người cày có ruộng” ngày càng được nhắc đến nhiều.

Nhưng, công bằng mà nói, trong bối cảnh mới như ngày hôm nay, tích tụ ruộng đất, dù là xu thế tất yếu nhưng lại không dễ dàng bởi nhiều ý kiến cho rằng hiện nay chúng ta chưa quản lý được hạn điền.

Mặt khác, trong quá khứ, việc sửa Luật Đất đai liên quan đến hạn điền cũng có rất nhiều tranh cãi. Có những lúc, chúng ta nghĩ sẽ nới ra nhưng sau đó lại rút lại.

Nói cho cùng, quản lý của nhà nước đối với đất đai bao giờ cũng phức tạp, chưa nói là nhạy cảm, bởi nó vừa là nguồn tài nguyên quan trọng không thể thay thế, vừa là tài sản, là tư liệu sản xuất và đặc biệt là môi trường và không gian sống của con người.

Đặc thù lớn nhất của đất đai là tính giới hạn của nó so với nhu cầu ngày càng tăng lên của con người. Chính vì thế nên trong các thảo luận về chính sách hay pháp luật về đất đai, sự tranh cãi tới mức giằng co, bao gồm cả thoả hiệp hay trì hoãn, kéo dài là đương nhiên và dễ hiểu.

Đừng để “cá lớn nuốt cá bé”

Câu chuyện tích tụ đất đai và hạn điền là hai mặt của một vấn đề, nó đã từng được Quốc hội thảo luận theo hướng bỏ đi một vế, tức hạn điền, vào năm 2003 khi sửa đổi Luật Đất đai, nhưng rồi lại được gác lại cho đến nay, câu chuyện này lại tiếp tục nóng lên.

Tựu trung, vấn đề ở chỗ các mâu thuẫn có liên quan giữa hai quan điểm thả nổi tự do theo quy luật thị trường và kiểm soát hạn chế, giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội luôn luôn khó, để tìm ra một giải pháp dung hoà hay điểm chung hợp lý.

Do đó, tích tụ đất đai trong bối cảnh mới hiện nay chính là nói về đất canh tác nông nghiệp, là một hiện tượng tự nhiên và một quá trình có tính quy luật của thị trường nên khó có thể cưỡng lại.

Tích tụ đất đai trong bối cảnh mới hiện nay chính là nói về đất canh tác nông nghiệp.

Tích tụ đất đai trong bối cảnh mới hiện nay chính là nói về đất canh tác nông nghiệp.

Người ta có thể tích tụ đất bằng nhiều cách khác nhau một khi có nhu cầu như liên kết và hợp tác sản xuất giữa các hộ là chủ sử dụng đất, thuê đất hay nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Trong khi đó, chính sách hay biện pháp hạn điền được áp dụng theo Luật Đất đai lại chỉ nhằm vào hạn chế diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức và cá nhân canh tác nông nghiệp. Chẳng hạn, tuỳ vào các vùng và khu vực địa lý, giới hạn cao nhất diện tích đất được giao cho một chủ sử dụng chỉ là 30 ha.

Tôi lưu ý rằng ở một số nước, chính sách hạn điền còn triệt để hơn, áp dụng cho mọi trường hợp, bao gồm cả việc tích tụ ruộng đất ngoài hình thức được nhà nước giao như đã nói.

Như vậy, tại sao lại sinh ra “hạn điền” ? Đó chính là chính sách bảo vệ nông dân nhỏ, tức nhóm người yếu thế ở nông thôn vốn bao đời luôn luôn là số đông. Họ cần có đất và bám đất để sống. Nếu để cho quy luật “cá lớn nuốt cá bé” phát huy một cách tự nhiên, nhiều người sẽ mất ruộng do không tự sản xuất được, phải đi làm thuê và bị bóc lột, rồi bị bần cùng hoá và cuối cùng, các bất ổn về xã hội sẽ phát sinh. Tình trạng đó xảy ra trong bối cảnh những người nông dân không còn lối thoát nào khác ngoài sống ở làng và làm nông nghiệp.

Hai đặc điểm cơ bản

Tuy nhiên, thời đại ngày nay đã đổi khác với hai đặc điểm cơ bản.

Thứ nhất, quá trình công nghiệp hoá và thương mại hoá đã lan về nông thôn, tác động sâu sắc vào thị trường lao động, dẫn đến hệ quả người chán ruộng đất và bỏ nghề nông lại chính là các nông dân đang có đất.

Thứ hai, tình trạng manh mún về canh tác do cơ chế giao đất công bằng về vị trí đối với ruộng tốt và ruộng xấu đã dần dần trở nên không còn ý nghĩa do áp dụng các phương pháp canh tác công nghệ cao.

Từ đó và đồng thời đã làm nổi lên các vấn đề mới cần được xử lý ở tầm chính sách. Trước hết, nếu người nông dân tiếp tục bỏ ruộng và chán làm nông trên quy mô lớn, nền nông nghiệp dựa vào nông dân sẽ bị đình đốn làm phát sinh hay tăng nguy cơ mất an ninh lương thực.

Tiếp theo, trong điều kiện mở cửa thị trường và cạnh tranh quốc tế, các kỹ thuật và phương pháp nông nghiệp đòi hỏi sự thay đổi căn bản theo hướng hiện đại hoá để tăng năng suất và chất lượng.

Tuy nhiên, cả năng lực về con người lẫn cơ chế sở hữu, sử dụng đất hiện tại ở nông thôn lại không đáp ứng được yêu cầu này. Đối diện với thực tế như vậy, tôi thấy cả Chính phủ và nhiều doanh nhân đang hướng đến các giải pháp tạm gọi là “doanh nghiệp hoá” nông thôn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đi theo nó là đề xuất bỏ hạn điền tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất.

Đề xuất này là chính đáng, nhưng theo quan điểm của tôi, mới giải quyết được một trong bộ ba vấn đề có tính gắn bó hữu cơ, đó là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, mà cụ thể là vấn đề nông nghiệp.

Doanh nghiệp hoá trong phát triển nông nghiệp, nếu thành công, e rằng chỉ giải quyết tối đa các vấn đề trước mắt của nông nghiệp mà không xử lý được, thậm chí rất có thể còn làm nặng nề hơn các vấn đề đang nổi cộm đối với nông thôn và nông dân.

Bài 3: Tích tụ ruộng đất như thế nào cho hiệu quả?

Có thể bạn quan tâm

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 1): “Cha đẻ của khoán 10”, người mở đường cho tư duy đổi mới nông nghiệp

    11:01, 13/02/2021

  • HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI: Tầm nhìn 2045

    04:50, 11/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
HÀNH TRÌNH ĐỔI MỚI (Bài 2): Từ Khoán 10 tới tích tụ ruộng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO