TP.HCM tăng cường hợp tác với các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ
Kinh tế - xã hội của TP.HCM không thể phát triển nhanh và bền vững nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác của các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
>>>Trà Vinh: Tăng cường hợp tác phát triển bền vững giữa TP.HCM với vùng ĐBSCL
TP.HCM trân trọng sự hợp tác với các địa phương
Đó là khẳng định của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan tại Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và một số địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ mới đây.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, TP.HCM luôn ý thức rằng sự phát triển của TP.HCM không những không tách rời, mà còn có sự đóng góp rất lớn của các địa phương Phía Bắc và Bắc Trung Bộ cũng như các vùng khác.
Ông khẳng định, kinh tế - xã hội của TP.HCM không thể phát triển nhanh và bền vững nếu không có sự hỗ trợ, giúp đỡ, hợp tác của các địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Do đó, TP.HCM luôn trân trọng, sự hợp tác tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi giữa các bên trong quá trình hợp tác, phù hợp với thế mạnh, đặc thù, tiềm năng của từng địa phương.
Theo ông Võ Văn Hoan, qua việc liên kết Vùng, TP.HCM là địa phương được tiếp nhận và thụ hưởng nhiều nhất các kết quả hợp tác, đã mở ra nhiều không gian phát triển mới, hình thành nhiều ý tưởng đồi mới sáng tạo, kiểm nghiệm được nhiều mô hình phát triển mới với thế mạnh, đặc thù vốn có tại từng địa phương.
“Thành phố thấy có trách nhiệm và rất cần thiết phải tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường ký kết hợp tác có trọng tâm, trọng điểm với từng địa phương”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Cũng theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, trong những năm qua,TP.HCM và 09 tỉnh đã ký kết và triển khai nhiều chương trình hợp tác, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương và có đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Trong 09 địa phương mà Thành phố đã có ký kết hợp tác có 05 địa phương đã thực hiện ký kết lần 02; có địa phương từ thời điểm ký kết lần đầu đến nay đã tròn 20 năm (như tỉnh Nghệ An – năm 2003); tròn 19 năm như tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế - năm 2004; tròn 16 năm như tỉnh Cao Bằng, Quảng Trị - năm 2007; tròn 15 năm như tỉnh Bắc Kạn - năm 2008,...
“Với những mốc thời gian đó cho thấy rằng, việc hợp tác giữa TP.HCM với các địa phương là kết quả của một quá trình dài trong công tác phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau, và đặc biệt đó còn là tình cảm quý báu giữa các thế hệ Lãnh đạo TP.HCM và Lãnh đạo các tỉnh”, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng cho rằng, để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế của các bên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của từng địa phương và các vùng kinh tế, TP.HCM đã chủ động xây dựng Bản Thỏa thuận hợp tác với 02 phần trọng tâm.
Một là, 06 lĩnh vực, nội dung hợp tác chung giữa TP.HCM với các địa phương như: lĩnh vực đầu tư; lĩnh vực du lịch, văn hóa; lĩnh vực nông nghiệp; lĩnh vực công thương; lĩnh vực khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, chuyển đổi số; lĩnh vực giáo dục, đào tạo và y tế. Hai là, ngoài các nội dung hợp tác chung, TP.HCM ký kết hợp tác song phương với từng địa phương.
>>>TP.HCM xin cơ chế đặc thù đầu tư điện mặt trời mái nhà: Giá FIT cần áp dụng linh hoạt hơn!
Tăng cường hợp tác song phương
Tại Hội nghị, Lãnh đạo các bên cũng đã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện triển khai các chương trình hợp tác song phương, cụ thể:
TP.HCM - tỉnh Bắc Kạn:TP.HCM quan tâm, kêu gọi các doanh nghiệp đến hợp tác đầu tư các dự án hạ tầng
kỹ thuật, các cụm công nghiệp; chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp,
hỗ trợ và ứng dụng công nghệ vào sản xuất thông minh; chỉ đạo Tổng công ty du lịch Sài Gòn TNHH MTV chuẩn bị các điều kiện và ưu tiên nguồn lực để
đầu tư tiếp giai đoạn 2 của Dự án khu du lịch sinh thái Sài Gòn - Ba Bể; quan tâm, mời gọi các tập đoàn, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.
TP.HCM - tỉnh Cao Bằng: Kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng của tỉnh; chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chế biến nông lâm sản; hỗ trợ chuyển đổi số, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển khoa học và công nghệ và các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phối hợp khai thác hiệu quả các chuỗi, tuyến du lịch giữa hai địa phương.
TP.HCM - tỉnh Hà Nam: Hợp tác hỗ trợ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, thu hút đầu tư, quản lý, vận hành Khu công nghệ cao; nhất là phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học; phối hợp khai thác hiệu quả các chuỗi, tuyến du lịch giữa hai địa phương.
TP.HCM - tỉnhHà Tĩnh: Phối hợp xúc tiến, quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh; phối hợp khai thác hiệu quả các chuỗi, tuyến du lịch sinh thái, du lịch hướng đến cộng đồng giữa hai địa phương.
TP.HCM - tỉnh Nghệ An: Hợp tác xúc tiến, giới thiệu, kêu gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp của TP.HCM đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế , các dự án động lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Nghệ An; phối hợp khai thác hiệu quả các chuỗi, tuyến du lịch sinh thái, di sản văn hoá giữa hai địa phương; hỗ trợ chuyển giao, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh; hỗ trợ hình thành và phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ để khai thác thế mạnh của 02 địa phương; xây dựng cơ chế kết nối các trường đại học, các viện, các trung tâm, tổ chức các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
TP.HCM - tỉnh Quảng Bình: TP.HCM quan tâm, kêu gọi các doanh nghiệp đến hợp tác đầu tư các nhà máy sản xuất, chế biến thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy giết mổ chế biến thịt gia súc, gia cầm; quan tâm khảo sát, nghiên cứu, đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu và nhà máy chế biến cát, sản xuất thủy tinh; đồng thời, nghiên cứu, đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, dịch vụ vui chơi giải trí... tại Quảng Bình.
TP.HCM - tỉnh Quảng Trị: Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển về khu công nghiệp, khu kinh tế; giới thiệu, kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn khảo sát, nghiên cứu và đầu tư Khu kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị, Khu kinh tế Thương mại đặc biệt Lao Bảo và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
TP.HCM - tỉnh Thanh Hóa: Hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, đầu tư vào 4 trung tâm kinh tế động lực, 3 trụ cột tăng trưởng (gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch) và 6 hành lang phát triển kinh tế của tỉnh.
TP.HCM - tỉnh Thừa Thiên Huế: Hỗ trợ kết nối Trung tâm Công nghệ thông tin Thừa Thiên Huế với các thành viên Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung nhằm mở rộng các hoạt động liên quan đến Chuỗi; triển khai hệ thống nhận diện thương hiệu Chuỗi, đẩy mạnh các hoạt động nhận diện hệ thống thương hiệu Chuỗi tại các thành viên Chuỗi; triển khai một số hoạt động quảng bá, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào thành viên Chuỗi tại Huế.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM: Chính thức điều động 20 chiến sỹ CSGT hỗ trợ cho các trung tâm đăng kiểm!
07:29, 14/03/2023
TP.HCM: Phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ
12:47, 13/03/2023
Tranh chấp tại tòa nhà Master Building TP.HCM: Hệ luỵ từ một bản án
07:00, 13/03/2023
Trà Vinh: Tăng cường hợp tác phát triển bền vững giữa TP.HCM với vùng ĐBSCL
05:00, 12/03/2023