Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Đối với tỉnh Trà Vinh, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành thuộc vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực.
Ngày 11/3, tại tỉnh Bến Tre đã diễn ra Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tham dự hội nghị có ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Về phía tỉnh Trà Vinh, có ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.
Giai đoạn 2016 - 2022, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh, thành phố thuộc vùng ĐBSCL đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực: Đầu tư, xúc tiến đầu tư và thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục, thông tin và truyền thông, các hoạt động an sinh xã hội.
Đối với tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, thỏa thuận hợp tác với TP.HCM đã mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của tỉnh. Trong đó, lĩnh vực thương mại được mở rộng, với sự đầu tư của nhiều dự án thương mại trên địa bàn như: Chuỗi siêu thị Co.op Mart, Siêu thị GO Trà Vinh, Trung tâm Thương mại Vincom, Chuỗi cửa hàng Thế giới di động, Điện máy xanh, Bách hóa xanh, Điện máy Chợ Lớn,...
Ngoài ra, TP.HCM còn hỗ trợ xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản, thực phẩm của tỉnh Trà Vinh như: Tôm khô Vinh Kim, Chả lụa Năm Thụy, Cá sây khô Tiến Hải,... Trong lĩnh vực nông nghiệp, một số hoạt động được thúc đẩy, nâng cao chất lượng nông sản của tỉnh, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Ở lĩnh vực du lịch, có nhiều hoạt động xúc tiến được triển khai như Ký kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh, thành ĐBSCL, giai đoạn 2020 – 2025.
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có 1 khu kinh tế Định An, 3 khu công nghiệp. Trong đó, Khu công ngiệp Long Đức có nhà đầu tư với tỷ lệ lắp đầy 100%, Khu công nghiệp Cổ Chiên đã có nhà đầu tư xây dựng hạ tầng, đang triển khai thực hiện dự án, Khu công nghiệp Cầu Quan đang đề xuất Chính phủ xem xét cấp chủ trương đầu tư.
Với lợi thế 65km chiều dài bờ biển và công trình Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu, trong thời gian tới, tỉnh xác định kinh tế biển là động lực, là đòn bẩy để tỉnh phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tỉnh Trà Vinh đề xuất TP.HCM hỗ trợ kêu gọi đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh; kêu gọi đầu tư khu du lịch sinh thái biển Ba Động, đầu tư phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển, logistic dựa trên thế mạnh của Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn đề nghị: đẩy mạnh hương trình hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản của người dân; tập trung phát triển công nghiệp, giải quyết bài toán cho hạ tầng giao thông của ĐBSCL. Ngoài ra, trong lĩnh vực y tế, tỉnh Trà Vinh đã và đang được đầu tư, nâng cấp nhiều bệnh viện, trạm y tế địa phương nên rất cần ngành y tế TP.HCM hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến trên, trong đó có TP.HCM.
Nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng của các bên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và vùng ĐBSCL. Tại hội nghị, TP.HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã ký kết biên bản thống nhất 6 nhóm nội dung hợp tác chủ yếu từ nay đến năm 2025, trong đó tập trung vào các lĩnh vực: phát triển hạ tầng giao thông, phát triển du lịch, kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh sự phát triển của TPHCM có sự đóng góp rất lớn của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Vì vậy, TPHCM sẽ tập trung cùng các địa phương triển khai các nội dung ký kết có kết quả. Sau hội nghị, TPHCM sẽ chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng năm cho chương trình hợp tác. Từng sở, ngành của TPHCM sẽ phối hợp các tỉnh, thành phố trong vùng. TPHCM sẽ có cơ chế để trao đổi, cập nhật thông tin chung thường xuyên trong thực hiện các nội dung hợp tác.
Ông Phan Văn Mãi cũng đề nghị mỗi địa phương thực sự quan tâm chỉ đạo công tác phối hợp chặt chẽ. Trong quá trình hợp tác, quan tâm phát triển, nâng cao năng lực nội tại của vùng để phát huy sức mạnh tổng thể cho sự phát triển chung của vùng. Các Hiệp hội, các DN, những nhà đầu tư cần quan tâm nghiên cứu tìm hiểu quy hoạch của từng vùng, địa phương để lựa chọn đầu tư. Lãnh đạo TPHCM và các tỉnh sẽ hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư, từ đó tranh thủ thu hút, dịch chuyển dòng đầu tư về vùng ĐBSCL.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ hợp tác song phương với tỉnh Trà Vinh về các hoạt động: Hỗ trợ kêu gọi đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn tỉnh; kêu gọi đầu tư phát triển các cảng biển, dịch vụ cảng biển, logistic, nhất là trong khu kinh tế Định An; đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông, thủy, hải sản xuất khẩu và đầu tư Khu du lịch sinh thái biển Ba Động.
Có thể bạn quan tâm
19:00, 03/02/2023
16:37, 09/03/2023
13:09, 27/01/2023
18:32, 29/04/2022