Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chia sẻ tại Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050".
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn "Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND TP Cần Thơ chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ngày 19/12/2024, ông Lê Văn Hẳn - Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 31.809 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 12,5%, bao gồm: diện tích sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 10.029 ha, ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 21 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ 10.279 ha, nuôi thủy sản thâm canh và thâm canh mật độ cao 11.047 ha; diện tích nuôi nghêu đạt chứng nhận quốc tế (ASC) 433 ha; việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả đáng kể, như: nuôi cấy phôi và cấy mô thực vật nhân giống sạch bệnh (dừa sáp), phân bón nano, hệ thống quan trắc - ứng dụng điện toán đám mây, hệ thống tưới nước tự động, bẫy côn trùng thông minh phục vụ công tác dự tính, dự báo sâu bệnh; sử dụng máy bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho rằng, trước những tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường… đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng.
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề tài, đề án, dự án, kế hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư cho nông nghiệp, ưu tiên đầu tư đưa khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần ổn định đời sống của hơn 80% người dân sống ở khu vực nông thôn, ổn định kinh tế - xã hội và tạo nền tảng vững chắc để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Về chính sách khuyến khích thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, theo Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cùng với nhiều chính sách và luật có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững do Trung ương ban hành, tỉnh Trà Vinh cũng đã cụ thể hóa và triển khai kịp thời các chính sách của Trung ương, đồng thời ban hành một số chính sách đặc thù riêng, như: Chính sách ưu đãi đầu tư; chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển hợp tác xã; chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển sản xuất lúa giống và lúa hàng hóa; chính sách về xây dựng và phát triển tổ hợp tác sản xuất trên biển; chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp... mang lại hiệu quả quan trọng, khuyến khích thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Trà Vinh vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, cụ thể: Thứ nhất, quy mô ứng dụng khoa học công nghệ chưa nhiều, số lượng sản phẩm còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh.
Thứ hai, sản xuất nông nghiệp dàn trải, thiếu quy mô, nên khó ứng dụng công nghệ cao (cơ giới hóa, tự động hóa) trên quy mô lớn, vì vậy chi phí cao, hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa như mong muốn.
Thứ ba, trình độ sản xuất của phần lớn người dân chưa cao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thiếu bền vững; thiếu kỹ thuật viên, cộng tác viên, chuyên gia có trình
độ khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm để hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp sản xuất tiên tiến.
Thứ tư, việc tiếp cận nguồn vốn còn hạn chế, nhiều mô hình chỉ ứng dụng ở một số công đoạn nên chuỗi sản xuất chưa đồng bộ, vốn đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài và giá cả sản phẩm nông nghiệp biến động, dẫn đến tâm lý e ngại và khó nhân rộng. Người dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa mạnh dạn đầu tư.
Thứ năm, công tác dự báo cung cầu còn bất cập, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định.
Thứ sáu, chưa có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp vào liên kết sản xuất; liên kết giữa 4 nhà "Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông" thiếu bền vững.
Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hằn đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm đẩy mạnh phong trào sáng kiến cải tiến kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới.
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, trách nhiệm các ngành, các cấp và người dân về vị trí, vai trò, mục đích, ý nghĩa của việc ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp.
Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, chế biến và kinh doanh; chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế.
Ba là, tạo động lực thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Bốn là, đẩy mạnh việc ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa và chuyển đổi số trong phát triển sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Năm là, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng, thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, phát triển thị trường và hợp tác quốc tế, chủ động thúc đẩy hình thành quan hệ đối tác công nghệ với các nước tiên tiến để tiếp cận công nghệ mới phục vụ trong nông nghiệp.
Sáu là, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách về nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Bảy là, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm các nước, lựa chọn các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại, tạo nền tảng đẩy nhanh quá trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở từng địa phương.
Tám là, tăng cường công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản; xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm.
Chín là, tổ chức lại sản xuất theo các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết bền vững nhằm mở ra các cơ hội ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; tăng cường chặt chẽ mối liên kết 4 nhà "Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp - Nhà nông".
Mười là, cần phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.