Nghệ An “đau đầu” với công tác xử lý rác thải sinh hoạt

NGỌC THÁI 17/04/2023 01:41

Với tốc độ phát triển đô thị và loạt các dự án đầu tư xây dựng, việc phát sinh chất thải rắn sinh hoạt đang là vấn đề khiến nhiều địa phương ở Nghệ An “đau đầu” trong các tác thu gom, xử lý.

Đặc biệt, với số lượng dân số ngày càng tăng (hơn 3 triệu người) như hiện nay, Nghệ An đang đứng trước nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường rất lớn nếu như nguồn rác thải rắn không được xử lý kịp thời, triệt để…

Loay hoay xử lý

Qua thống kê của ngành chức năng tỉnh Nghệ An cho thấy, hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh này phát sinh khoảng 1.741,78 tấn/ ngày. Riêng ở khu vực đô thị có trên 1.000 tấn/ngày và khu vực nông thôn trên 700 tấn/ngày.

Với số lượng rác thải sinh hoạt “khủng” như vậy hiện địa phương mới chỉ thu gom được khoảng hơn 1.400 tấn/ngày, đạt 81% so với thực tế đặt ra. Trong đó, tại đô thị đạt 91,7% nhưng khu vực nông thôn mới chỉ đạt 53,1%. Còn lại, số lượng rác thải sinh hoạt còn lại khoảng gần 400 tấn đang “thả nổi” tại nhiều địa phương.

>>Nghệ An: Nhà thầu bỏ cuộc, dự án xử lý rác thải bị “chết yểu”

Đây cũng là vấn đề khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng do lượng rác thải không thể thu gom, đưa đi xử lý tập trung một cách triệt để. Thậm chí, nhiều nơi còn xử lý tạm theo kiểu chôn lấp bằng phương pháp thủ công khiến nguy cơ ô nhiễm gia tăng, để lại nhiều hệ luỵ xấu cho môi trường sống.

Bãi rác thải tại xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương được đầu tư theo kiểu

Bãi rác thải tại xã Hồng Sơn, huyện Đô Lương được đầu tư xử lý theo kiểu "chắp vá" khiến nguy cơ ô nhiễm môi trường đang hiện hữu

Trong khi đó, mô hình xử lý rác thải hiệu quả bằng công nghệ sinh học, bảo đảm vệ sinh môi trường ở địa bàn Nghệ An mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đơn cử như: Ủ sinh học làm phân hữu cơ – compost (xã Nghi Liên, TP Vinh); xử lý chất thải bằng công trình khí sinh học – biogas (như tại xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn)…

Đáng quan tâm, công tác xử lý rác thải tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở Nghệ An cũng đang trở thành vấn đề rơi vào trạng thái “báo động đỏ” khi nhiều địa phương “treo” rác nơi thượng nguồn sông, suối như tại các huyện vùng biên giới Quế Phong, Kỳ Sơn bằng công nghệ chôn, lấp. Việc bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện các gói dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung theo công nghệ đốt thủ công, chôn lấp sâu vào lòng đất ở khu vực gần thượng nguồn các con sông, vùng sinh quyển…đang trở thành mối nguy cơ tiềm ẩn nhiều hệ lụy về môi trường sống cho tương lai gần.

>>Loay hoay xử lý rác thải trên lòng hồ thuỷ điện ở Nghệ An

Chính vì vậy, thực trạng tại nhiều bãi xử lý rác thải tập trung ở một số huyện, thị của Nghệ An được chấp thuận cho xây dựng và xử lý theo công nghệ đốt, chôn lấp giữa khu vực đất rừng, gần thượng nguồn khu vực sông, suối đang trở thành vấn đề đáng lo ngại cho môi trường sống hiện nay.

Còn tại các bãi rác thải tạm của một số huyện vùng cao như Quế Phong, Quỳ Châu, Tương Dương, Quỳ Hợp hay Con Cuông…hầu như lượng rác thải sau khi thu gom, tập kết rồi xử lý bằng giải pháp đốt bằng thủ công gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Giải pháp nào để giảm áp lực cho nỗi lo lâu dài?

Theo các chuyên gia môi trường, thực trạng xử lý rác sơ sài bằng giải pháp chôn lấp hoặc đốt như một số địa phương ở Nghệ An hiện nay đang thực hiện sẽ không đảm bảo về lâu dài đối với môi trường, vùng sinh quyển… Cụ thể, hệ luỵ sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực lớn như ô nhiễm nước ngầm, nước mặt, ô nhiễm không khí do đốt hoặc thu hút động vật (ruồi, muỗi, gián, chuột) ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng xung quanh. Vấn đề này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc quy hoạch xây dựng, vận hành các cơ sở xử lý chất thải sinh hoạt trong tương lai bởi những bãi rác thải tạm nảy sinh nhiều bất cập.

>>Nam Đàn - Nghệ An: Xử lý rác thải khổ vì thiếu mặt bằng

Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, thời gian qua, Nghệ An đã tập trung thu hút đầu tư thông qua các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh, kinh nghiệm chuyên sâu. Tuy nhiên, đến nay các dự án được thực hiện theo hình thức xã hội hoá công tác xử lý rác thải trên địa bàn Nghệ An vẫn chưa đến đầu, đến cuối.

Đáng quan tâm, vào ngày 4/8/2022, UBND huyện Quỳnh Lưu đã có Văn bản số 1685/UBND.TCKH gửi UBND tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc “Đề nghị thu hồi Dự án đầu tư Nhà máy xử lý rác T-Tech xã Ngọc Sơn, Quỳnh Lưu”. Theo đó, huyện Quỳnh Lưu đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan, xem xét, thu hồi, hủy bỏ chủ trương đầu tư và các hồ sơ pháp lý khác có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi nhà đầu tư khác có năng lực.

Bãi xử lý rác thải tập trung của tỉnh Nghệ An tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc hiện nay đang trở thành vấn đề nan giải vì nguy cơ ô nhiễm môi trường cao trong khi hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng chưa thể di dời, tái định cư hết

Bãi xử lý rác thải tập trung của tỉnh Nghệ An tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc hiện nay đang trở thành vấn đề nan giải vì nguy cơ ô nhiễm môi trường cao trong khi hàng chục hộ dân bị ảnh hưởng chưa thể di dời, tái định cư hết

Trước đó, dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn T-Tech tại xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 3087/QĐ-UBND ngày 20/7/2018 và chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 253/QĐ-UBND ngày 24/1/2019 với quy mô 10 ha.

Theo đó, tiến độ tiến độ thực hiện dự án yêu cầu nhà đầu tư phải hoàn thành thủ tục để được giao đất, cho thuê đất: 12 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực và đưa vào hoạt động trong vòng 9-18 tháng kể từ ngày được bàn giao đất trên thực địa (trước tháng 3/2021) nhưng mọi việc vẫn đi vào bế tắc. Ngay cả cơ quan chính quyền địa phương và nhà đầu tư không thể tìm được tiếng nói chung trong công tác thống nhất về công suất thu gom, xử lý…

Trên thực tế, rất nhiều địa phương đã không thể tìm được sự đồng thuận của người dân khi muốn tìm vị trí để đặt địa điểm xử lý rác thải…bởi “ám ảnh” về ô nhiễm môi trường đã từng xảy ra tại rất nhiều địa phương vì đã “lỡ dại” cho đặt bãi rác thải trước đó.

Ngay cả khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên được UBND tỉnh Nghệ An cho xây dựng theo công nghệ Đan Mạch, với tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng từ nguồn vốn vay và đối ứng với diện tích là 53 ha. Sau khi xây dựng xong, tháng 12/2012 thì giao cho Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Nghệ An tiếp nhận và vận hành. Trong đó, có 7ha được UBND tỉnh giao cho Nhà máy xử lý và tái chế chất thải rắn Ecovi do Chi nhánh Công ty cổ phần Galax tại Nghệ An làm chủ đầu tư. Hiện, đơn vị này đang vận hành 2 lò đốt nhưng khói và mùi của lò đốt này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, nhất là hàng chục hộ dân ở xóm 4,5 của xã Nghi Yên vì sống quá gần khu xử lý rác thải ở đây chưa thể di dời, tái định cư…

Có thể bạn quan tâm

  • Nghệ An: Nhiều chủ mỏ “phá nát” ranh giới cho phép để khai thác

    Nghệ An: Nhiều chủ mỏ “phá nát” ranh giới cho phép để khai thác

    02:50, 16/04/2023

  • Biển cấm bị tháo gỡ, xe tải trọng lớn “oanh tạc” đường Nghệ An – Hà Tĩnh

    Biển cấm bị tháo gỡ, xe tải trọng lớn “oanh tạc” đường Nghệ An – Hà Tĩnh

    03:30, 14/04/2023

  • Nghệ An sẽ thay thế cán bộ yếu kém, sách nhiễu quản lý đầu tư công

    Nghệ An sẽ thay thế cán bộ yếu kém, sách nhiễu quản lý đầu tư công

    11:09, 13/04/2023

  • Nghệ An: Đình chỉ hoạt động bến thuỷ nội địa hết phép vẫn vận hành

    Nghệ An: Đình chỉ hoạt động bến thuỷ nội địa hết phép vẫn vận hành

    15:16, 12/04/2023

NGỌC THÁI