Vì sao tuyến vận tải container quốc tế qua cảng Cửa Lò bị ngừng?
Sau 11 chuyến tàu cập cảng Cửa Lò, tuyến vận tải container quốc tế đã ngừng không vào vùng biển Nghệ An từ tháng 4/2023 sự việc này ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất nhập khẩu của địa phương.
Không chỉ vậy, việc vắng bóng tàu container vào khu vực cảng biển ở Cửa Lò còn là nỗi lo về khó khăn phía trước của Nghệ An về vấn đề đứt gãy chuỗi logistics khi chính sách ưu đãi trong thu hút loại hình vận tải này chưa thể áp dụng vào thực tiễn.
Nguy cơ đứt gãy chuỗi logistics
Vào năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 70/2013 xác định Cảng Cửa Lò là Cảng loại I và là Cảng biển đặc biệt quan trọng phục vụ cho việc phát triển kinh tế xã hội của khu vực, cả nước và liên vùng.
Và, cũng theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị (ngày 30/7/2013) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 thì cảng Cửa Lò được quy hoạch thành cảng đầu mối quốc gia loại I, có khả năng đón tàu biển có tải trọng trên 10.000 DWT đầy tải ra, vào. Tuy nhiên, đến nay vấn đề thu hút tàu biển quốc tế vào cảng Cửa Lò vẫn đang “mắc cạn”, thậm chí thưa dần hãng tàu container trong vài năm trở lại đây.
>>Thủ tướng đồng ý cho Nghệ An “mời” tư nhân đầu tư khu bến cảng Cửa Lò
Đây đang là thực trạng mà Nghệ An đang gặp phải khi Cảng Cửa Lò đang có nguy cơ bế tắc lượng hàng lên, xuống tàu đi nội địa và các nước trong khu vực nếu không có chính sách khơi thông đồng bộ.
Theo thống kê của Công ty CP cảng Nghệ Tĩnh, trong 3 năm gần đây, hàng container ra vào Cảng còn ít, thiếu ổn định, chiếm tỷ lệ từ 30 - 40% tổng hàng hóa qua cảng và có chiều hướng giảm (từ 1,63 triệu tấn năm 2020 xuống còn 1,30 triệu tấn năm 2022) và mất cân đối giữa hàng đi và hàng đến. Thực trạng này đang dẫn đến khả năng khai thác hàng hóa 2 chiều của các hãng tàu để giảm chi phí, duy trì hoạt động thường xuyên gặp nhiều khó khăn.
Với 03 hãng tàu “truyền thống” đang khai thác hàng container với tải trọng dưới 1.000 TUE gồm: Vietsun, GLS, VIMC Line, hoạt động trung chuyển từ cảng Cửa Lò đến cảng TP.Hồ Chí Minh và ngược lại; vận chuyển nội địa. Hàng tàu VIMC Line đang khai thác container đi trực tiếp quốc tế từ Cửa Lò – Kolkatar (Ấn Độ) – Chitagong (Bangladesh) với tần suất hạn chế với số lượng chỉ 1 chuyến/tháng và dừng lại ở con số 7 chuyến/năm cũng thưa dần theo thời gian.
>>Tháo “rào cản” cho Cảng biển Cửa Lò
Đáng quan tâm, từ tháng 4/2023, tuyến vận tải container quốc tế qua cảng Cửa Lò đã bị dừng sau gần 01 năm mở lại vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có yếu tố chưa có chính sách ưu đãi trực tiếp cho các chủ hàng, chủ tàu như các tỉnh khác.
Trước đó, vào tháng 5/2022, tuyến vận tải container quốc tế qua cảng Cửa Lò kết nối trực tiếp đi Port Klang (Malaysia) và Kolkata (Ấn Độ) với thời gian ngắn nhất và chi phí tốt nhất hoặc từ Kolkata, hàng hóa sẽ được vận chuyển tới các bang của Ấn Độ và tới cảng Chittagong (Bangladesh) đã mở lại sau một số năm gián đoạn.
Cơ chế ưu đãi “treo” mãi theo thời gian
Theo báo cáo thống kê của Bộ GTVT vào hồi tháng 9/2021 cho biết trong 5 năm lại đây, sản lượng hàng hóa bốc dỡ qua cảng khu vực miền Trung ngày càng lớn nhưng phần tăng nhanh chủ yếu thuộc về Cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Cảng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Trong khi đó, lượng hàng hoá qua Cảng Cửa Lò (Nghệ An), trong đó có hàng và tàu container đang ngày càng khan hiếm nếu như không nói là ở mức cần báo động.
>>Cách nào tạo đà cho tàu tải trọng lớn cập Cảng Cửa Lò?
Sở dĩ các tàu container thường xuyên cập cảng Nghi Sơn (Thanh Hoá) và cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) trong thời gian qua là vì ở những địa phương này đã áp dụng cơ chế ưu đãi cho chủ hàng, chủ tàu từ rất sớm. Riêng tỉnh Thanh Hoá từ nhiều năm qua đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá bằng container qua cảng Nghi Sơn mức hỗ trợ: loại container 20 feed là 2 triệu đồng/ cont; đối với container 40 feed là 3 triệu đồng/ cont. Còn đối với loại contaner không mở tờ khai được hỗ trợ 700.000 - 1.000.000 đồng/cont.
Tại tỉnh Hà Tĩnh cũng có chính sách hỗ trợ hãng tàu biển vận chuyển container đi quốc tế qua cảng Vũng Áng mức hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có hàng hoá vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng 1 container 20 feet được hỗ trợ 700.000 đồng/cont; 1 container 40 feet được hỗ trợ 1.000.000 đồng/cont.
Trong khi đó, những chính sách ưu đãi nói trên ở Nghệ An đến nay vẫn chưa được áp dụng vào thực tiễn cho chủ tàu, chủ hàng container vào cập cảng Cửa Lò. Trước đó, vào tháng 3/2023, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã phát đi các văn bản dự thảo trình HĐND tỉnh Nghệ An ban hành Nghị quyết chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò.
Theo đó, Nghệ An sẽ đưa ra các mức dự kiến hỗ trợ đưa ra như sau: 200.000.000 đồng/chuyến cập cảng đối với hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Cửa Lò theo tuyến với tần suất tối thiểu 02 chuyến cập cảng mỗi tháng; Doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò có tần suất tối thiểu 2 lần mỗi tháng sẽ được hỗ trợ 600.000 đồng/container đối với container loại 20 feet và 1.000.000 đồng/container với loại container 40 feet.
Tuy nhiên, đến nay chính sách này ở Nghệ An vẫn chưa được thông qua để áp dụng vào thực tiễn. Chính vì vậy, việc “treo” cơ chế chính sách ưu đãi đối với tàu hàng container vào cảng Cửa Lò đang trở thành “rào cản” rất lớn đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Nghệ An trong thời gian qua.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An kiên quyết xử lý cán bộ lơ là, sợ trách nhiệm thực thi công vụ
00:30, 21/04/2023
Nghệ An: Sở Xây dựng tiếp tục nằm vị trí "trì trệ" bảng chỉ số cải cách hành chính
16:11, 19/04/2023
Bên trong các dự án nhà ở gần 2 nghìn tỷ đồng do Nghệ An mời thầu có gì?
23:09, 17/04/2023
Nghệ An “đau đầu” với công tác xử lý rác thải sinh hoạt
01:41, 17/04/2023