Đà Nẵng tập trung thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao
Trong quá trình phát triển, TP Đà Nẵng xác định mục tiêu thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, đặc biệt tại khu công nghệ cao.
>>Startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Đà Nẵng được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng không hoàn lại
Theo thông tin, đến hết quý I/2023 Đà Nẵng đã thu hút 29 dự án với tổng vốn đầu tư 905 triệu USD vào Khu công nghệ cao. Cụ thể, tại khu sản xuất công nghệ cao tỷ lệ lấp đầy đạt 55%, khu nghiên cứu và phát triển (R&D) tỷ lệ lấp đầy đạt 4,45%, khu hậu cần/dịch vụ logistics đạt hơn 60%.
Theo tìm hiểu, đến nay mới chỉ có 8/29 dự án đã triển khai và đi vào hoạt động. Trong năm 2023, dự kiến sẽ có thêm 3 - 4 dự án triển khai xây dựng và đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, Phó Tổng Giám đốc Công ty KPMG nhìn nhận tỉ lệ đầu tư nước ngoài vào miền Trung cũng khá hạn chế và Khu công nghệ cao Đà Nẵng là khu vực thành lập sau nên còn gặp khó khăn.Vì vậy, Đà Nẵng cần phối hợp với địa phương lân cận có những chính sách thu hút nhà đầu tư công nghệ cao, không nên hành động riêng lẻ.
“Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng cần có những cách tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài ở miền Nam, miền Bắc… có nhu cầu mở rộng, phát triển mạng lưới. Đồng thời, cần có chương trình xúc tiến đầu tư tại địa phương đang có nhiều nhà đầu tư hoạt động như Hà Nội, TP.HCM…”, ông Hòa đề xuất.
Theo ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị kinh doanh Công ty CP Long Hậu đơn vị đã triển khai khu nhà xưởng phục vụ công nghiệp công nghệ cao và phụ trợ công nghệ cao với quy mô 29,6ha, cung ứng nhà xưởng xây sẵn và nhà xưởng xây theo yêu cầu. Được biết, phía doanh nghiệp đã tiếp nhận 2 nhà đầu tư Nhật Bản đến thuê và hoạt động thực tế.
“Có 2 điểm chính là yếu tố quyết định để doanh nghiệp đầu tư là nguồn lao động chất lượng cao và hạ tầng xã hội hỗ trợ người lao động. Cụ thể là hệ thống nhà xưởng xây sẵn có diện tích nhỏ, các dịch vụ hỗ trợ pháp lý và tư vấn đầu tư, nhà lưu trú cho người lao động…”, ông Hiếu nói.
Theo nhiều doanh nghiệp, TP Đà Nẵng cần tập trung phát triển giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, các doanh nghiệp cần một số lượng lớn các kỹ sư và nhân lực ngành logistics để làm việc. Vì vậy chương trình đào tạo cần được triển khai sớm hơn, rộng hơn.
Ông Nguyễn Công Tiến, Phó Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng thông tin hiện đơn vị đã thực hiện kết nối với Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Thông tin từ vị này, dến khi dự án đi vào hoạt động thì sinh viên của Trường Đại học Bách khoa hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, vừa giỏi ngoại ngữ và giỏi chuyên môn.
“Thành phố luôn sẵn sàng hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Hiện tại một số doanh nghiệp đã thể hiện sự quan tâm đối với nguồn nhân lực đang được đào tạo”, ông Nguyễn Công Tiến cho biết.
Theo bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng hiện tại nguồn nhân lực của lĩnh vực công nghệ cao địa phương còn thiếu trường đào tạo so với quy mô, tốc độ phát triển và nhu cầu tuyển dụng. Lấy ví dụ, bà Phương cho hay tại lĩnh vực logistics, hiện chỉ có 1 trường đại học đào tạo nhưng cũng chưa chuyên sâu, chưa có chuyên ngành logistics.
“Đúng là địa phương chưa đầu tư nhiều vào đào tạo, chỉ tập trung vào hạ tầng, đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư quan tâm. Nếu đầu tư về trường đào tạo logistics sẽ thu hút cả miền Trung - Tây Nguyên chứ không riêng Đà Nẵng”, bà Phương nhìn nhận.
Có thể bạn quan tâm