Quảng Ngãi: Phát triển hài hoà và bền vững
Từ điều kiện thực tế và với tiềm lực, dư địa phát triển hiện có, Quảng Ngãi lựa chọn kịch bản phát triển của tỉnh trong thời kỳ tới theo hướng hài hòa và bền vững.
Đó là chia sẻ của ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND Quảng Ngãi: Tỉnh có lợi thế cạnh tranh rất lớn trong thu hút đầu tư với vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế của khu vực miền Trung và cả nước. Hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, bảo đảm thuận lợi cho đầu tư phát triển như: Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Quốc lộ 1; Quốc lộ 24 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Lào, sân bay Chu Lai; cảng biển nước sâu Dung Quất mang tầm vóc của một cảng quốc tế có thể tiếp nhận tàu đến 200 nghìn tấn; đây là cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế…
Ngoài ra, KKT Dung Quất đã được quy hoạch với diện tích hơn 45 nghìn ha, là một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia, được Trung ương đánh giá là một trong những khu kinh tế ven biển thành công nhất của cả nước. Bên cạnh đó, Quảng ngãi còn có các KCN như: Khu công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP, KCN Tịnh Phong, KCN Quảng Phú, KCN Sài Gòn - Dung Quất và các cụm công nghiệp phụ trợ đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
- Lợi thế, tiềm năng đó đã được cụ thể như thế nào trong kết quả thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp của Quảng Ngãi, thưa ông?
Cùng với tiềm năng và lợi thế, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ngãi đặc biệt quan tâm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thật sự thông thoáng, minh bạch, thân thiện với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong quá trình thực hiện thu hút, kêu gọi đầu tư, tỉnh luôn đồng hành, lắng nghe, nắm bắt những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp để giải quyết kịp thời.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư nhiều dự án, công trình quan trọng, có quy mô lớn, nhất là trên địa bàn KKT Dung Quất như: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Khu liên hợp Sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất, Nhà máy Công nghiệp nặng Doosan, Nhà máy sản xuất General Electric; KCN nhẹ Bình Hoà - Bình Phước; KCN - đô thị và dịch vụ VSIP Quảng Ngãi; Tổ hợp các dự án điện khí….Đáng chú ý, toàn tỉnh đã có 63 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư gần 1,9 tỷ USD. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 660 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 367 nghìn tỷ đồng.
Chính vì vậy, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, năm 2022, Quảng Ngãi đã đạt và vượt 25/25 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, trong đó 14 chỉ tiêu vượt kế hoạch. GRDP tăng 8,08%, quy mô nền kinh tế đạt 121.668 tỷ đồng, đứng trong top 20 tỉnh, thành phố có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước; thu ngân sách Nhà nước đạt gần 34.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
- Năm 2022, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ngãi là 65.18, xếp thứ hạng 33/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 12 bậc so với năm 2021, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) tăng 20 bậc đứng thứ 23/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Quảng Ngãi có giải pháp gì để tiếp tục lộ trình cải cách trên thưa ông?
Kết quả trên phản ánh nỗ lực vượt bậc của các cấp chính quyền địa phương trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh góp phần nâng cao chất lượng điều hành kinh tế.
Vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ngãi năm 2023. Trong đó yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các quy hoạch sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt như: Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045; các quy hoạch cấp quốc gia, cấp vùng và quy hoạch chuyên ngành. Đồng thời, chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, tạo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.
Triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ - Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh và Bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã để phục vụ cho việc tích hợp, chia sẻ, tra cứu thông tin và tái sử dụng để thực hiện các thủ tục hành chính khác. Triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, đề án, nhiệm vụ, hỗ trợ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho tất cả các thành phần kinh tế phát triển. Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, dự án theo thẩm quyền được giao; hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đã cấp phép đầu tư; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các dự án đầu tư chậm tiến độ…
Nghiên cứu, rà soát các quy định về danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; kiến nghị các cấp có thẩm quyền đưa ra khỏi danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với các ngành nghề có thể áp dụng các biện pháp quản lý khác hiệu quả hơn, đơn giản hóa, cắt giảm các quy định không cần thiết, không khả thi, thiếu cụ thể, khó xác định và không dựa trên cơ sở khoa học; rà soát các loại chứng chỉ hành nghề để đề xuất, kiến nghị thu gọn, tránh trùng lắp, tránh lãng phí chi phí của doanh nghiệp và xã hội. Thường xuyên rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp.
- Với các nền tảng đã có, xin ông cho biết định hướng thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian tới?
Trong chiến lược phát triển kinh tế, Quảng Ngãi tập trung phát triển công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, đô thị và thương mại, dịch vụ tổng hợp; đa dạng hóa sản phẩm, ưu tiên ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số... Tập trung đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là phát triển hạ tầng hai động lực phát triển của tỉnh là KKT Dung Quất và các KCN trên cơ sở khai thác lợi thế sẵn có để góp phần đưa Quảng Ngãi trở thành hạt nhân tăng trưởng và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Song song với lĩnh vực công nghiệp, Quảng Ngãi cũng đang đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch nhất là du lịch ven biển. Từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là du lịch biển, đảo, nhất là đảo Lý Sơn.
- Về lâu dài, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu cụ thể như thế nào thưa ông?
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ đặc biệt quan trọng để tỉnh hoạch định phương hướng, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, phát triển không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ tới, bảo đảm tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển toàn diện, hài hòa, hiệu quả và bền vững.
Với điều kiện thực tế và với tiềm lực, dư địa phát triển hiện có, qua phân tích, cân nhắc các yếu tố về kinh tế, xã hội, môi trường, tỉnh Quảng Ngãi lựa chọn phát triển theo hướng hài hòa và bền vững là kịch bản phát triển của tỉnh trong thời kỳ tới.
Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời đưa ra 3 tầm nhìn chiến lược gồm: Phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình - hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững; trở thành một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung; phát huy lợi thế riêng có để trở thành trung tâm công nghiệp, hậu cần cảng biển, kinh tế biển-đảo, kinh tế rừng xanh, hành lang kinh tế Đông Tây. Đồng thời, nhấn mạnh tính chiến lược của sự liên kết vùng với định hướng phát triển hạ tầng quốc gia và liên kết vùng với Khu Kinh tế mở Chu Lai, với Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum để liên kết thị trường, mở rộng giao lưu kinh tế.
Quảng Ngãi xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước; là tỉnh công nghiệp với hai ngành công nghiệp chủ lực là lọc hóa dầu và luyện kim thép. Hướng tới năm 2050, Quảng Ngãi là tỉnh phát triển bền vững và đa dạng với các ngành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tập trung tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm