Bắc Kạn: Môi trường đầu tư ngày một tốt hơn
Để Bắc Kạn trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư tỉnh sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ triển khai dự án đầu tư.
Để Bắc Kạn trở thành điểm đầu tư hấp dẫn, tỉnh đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư như: Nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan trong việc hỗ trợ, giải quyết kịp thời các thủ tục đầu tư, công tác GPMB dự án và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Đối với các lĩnh vực, dự án ưu tiên thu hút đầu tư, trong trường hợp cần thiết, tỉnh sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ triển khai dự án đầu tư; tập trung phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại...
Ông Trần Công Hòa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn:
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Sở thường xuyên chỉ đạo phòng chuyên môn tiếp tục rà soát, đề xuất thực hiện đơn giản hoá TTHC, tập trung đơn giản hóa các thủ tục thuộc lĩnh vực đầu tư và lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ dự án và hồ sơ đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, cụ thể, Sở đã đề xuất UBND tỉnh phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với thủ tục “Chấp thuận chủ trương đầu tư của UBND tỉnh” từ 32 ngày làm việc xuống còn 18 ngày làm việc.
Cùng với đó, chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị trong thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ Doanh nghiệp, nhà đầu tư các thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp, đầu tư. Đồng thời, tăng cường cập nhật thông tin về các ưu đãi, chính sách khuyến khích hỗ trợ đầu tư, các danh mục dự án thu hút đầu tư, sổ tay hướng dẫn các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách cũng như những thông tin về tiềm năng, thế mạnh, cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh… trên cổng Thông tin điện tử của Sở và Trang thông tin Xúc tiến đầu tư tỉnh.
Tiếp tục tham mưu tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp hàng năm, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn, hướng đến các mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững.
Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn:
DDCI thúc đẩy tư duy cải cách
Năm 2022, kết quả PCI được VCCI công bố, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tăng thứ hạng với 65,15 điểm trên thang điểm 100, xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố. Như vậy, Bắc Kạn tăng 13 bậc so với năm 2021, tăng 25 bậc so với năm 2018. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị tỉnh, trong đó có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đánh giá khách quan về môi trường kinh doanh của tỉnh.
Theo kết quả PCI 2022, bên cạnh những chỉ số tăng điểm thì cũng có những chỉ số doanh nghiệp chưa đánh giá cao như: Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp… Do vậy, để tiếp tục duy trì và nâng cao PCI, cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới, đề nghị tỉnh tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các hình thức đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư…
Năm 2022 cũng là năm thứ năm liên tiếp tỉnh Bắc Kạn thực hiện khảo sát Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thành phố và các sở, ban, ngành. Có thể khẳng định, DDCI đã góp phần đem lại những tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy tư duy cải cách, củng cố niềm tin vào môi trường kinh doanh tại tỉnh đang ngày một tốt lên.
Bà Đoàn Thị Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn:
Ngân hàng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế
NHNN Chi nhánh tỉnh chỉ đạo các tổ chức tính dụng (TCTD) thực hiện công khai các quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng theo đúng quy định của pháp luật. Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, nắm bắt ý kiến của các sở, ngành, hiệp hội doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ, Liên minh Hợp tác xã và ý kiến của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; công khai đường dây nóng, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện các giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, HTX, người dân; tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng; tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế.
Hiện, ngành đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch cải cách hành chính, Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, ban hành, sửa đổi, bãi bỏ các quy trình thủ tục theo quy định, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.
Ông Đồng Văn Lưu, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn:
Tạo lập môi trường phát triển thị trường lao động
Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm, tư vấn, tuyển dụng lao động và tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm được việc làm, ổn định cuộc sống, thời gian qua, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành những chủ trương, kế hoạch triển khai các giải pháp hỗ trợ việc làm, tạo lập môi trường phát triển thị trường lao động; tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm; có giải pháp để giải quyết việc làm cho một số học viên, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp chưa có việc làm. Chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, tăng tỷ lệ lao động trong ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để tiếp tục cải thiện, nâng cao Chỉ số đào tạo lao động, Sở đã và đang thực hiện các giải pháp trọng tâm, như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp; Gắn kểt chặt chẽ giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp và thị trường lao động; Nghiên cứu ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ; hướng nghiệp, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…
Có thể bạn quan tâm